Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Người dĩ vãng

VĂN VIỆT

Bảy mươi lăm năm định cư ở đường Phan Đình Phùng, Đà Lạt, ông trở thành người “xưa nay hiếm” với tuổi cửu thập vẫn minh mẫn khi nhắc về thời dĩ vãng. Ông là Hồ Út, vừa là người chủ vừa là người thợ của tiệm giày Hồ Út- tiệm giày kỳ cựu nhất còn lại của Đà Lạt một trăm mười lăm năm.

     “Hồi đó nhà cửa Đà Lạt còn thưa thớt, chủ yếu nhà lợp mái hình tháp nhọn, tầng thấp, nằm giữa rừng thông với sương mù dày đặc. Đà Lạt còn vắng vẻ nên cứ bước ra khỏi nhà là hay gặp thú rừng chạy hoang. Trong đó có cả cọp, beo, gấu…lảng vảng ở các khu vực Xuân An, Dốc Nhà Bò, dọc suối Cam Ly…Đêm đêm với những người thanh niên khỏe mạnh, giỏi võ nghệ khi ra đường cũng phải nhắc nhau vừa đi vừa nhìn từ xa, nghe ngóng chung quanh để phòng tránh thú dữ xuất hiện bất ngờ…”- Cụ già Hồ Út mở đầu câu chuyện. Nhớ lúc từ đất Quảng lên Đà Lạt làm nghề sửa giày, chàng thiếu niên Hồ Út mới mười lăm tuổi. Tiệm giày Hiệp Hưng nằm ở khu Hòa Bình thưở ấy là tiệm giày lớn nhất Đà Lạt với hàng chục người thợ tay nghề thuần thục làm việc ngày đêm. 
Người chủ và người thợ tiệm giày đều là người Việt. Tại đây người thợ trẻ Hồ Út đã nỗ lực học hỏi, không ngừng tích lũy kinh nghiệm để nâng cao tay nghề của mình. “Làm lương tháng được ba mươi đồng. Trừ tiền ở trọ và tiền cơm tháng mới hết khoảng hơn năm đồng. Khoản tiền còn lại có thể sắm vài bộ quần áo mới mà vẫn có thể để dành cho việc lớn hơn…”- Hồ Út nhớ lại. Dù có thu nhập khá ổn định như vậy, nhưng các nhu cầu giải trí, vui chơi, du ngoạn lúc đó rất đắt đỏ, chỉ giành riêng cho ông tây bà đầm cùng với các giới chức quyền quý và giới tư bản giàu có khác. Những người thợ thủ công trẻ tuổi, mới định cư Đà Lạt như Hồ Út ít khi dám thuê xe ngựa hoặc xe kéo đi dạo chơi ra khỏi khu nội ô vì không khéo phải chi hết khoản tiền lương tháng trong vòng một ngày. 
Còn xe đạp là một thứ phương tiện quá cao cấp, người lao động phổ thông chỉ dám ước mơ mà thôi. Nếu dạo bộ “thám hiểm” thì lâu lâu một nhóm năm, bảy người mới mạnh dạn đến được thác Cam Ly hoặc đi vòng hết hồ Đội Có, hồ Xuân Hương, đi vòng qua vùng rừng có hồ nước Đa Thiện …. Nói chung hễ cứ đi ra đường là dễ lạc vào trong rừng thông thăm thẳm với cúc quỳ, dễ gặp thú rừng với những nguy hiểm khó lường trước được. Nhưng hạnh phúc nhất của Đà Lạt xưa ấy là không có tình trạng thanh niên rượu chè gây gổ đánh nhau, đêm ngủ hay ban ngày đi chợ để trống cửa cũng không bao giờ có trộm cắp. Người với người Đà Lạt hết mực yêu thương và rất quan tâm lẫn nhau, tính cộng đồng tự quản khá cao.    
Rồi bước qua tuổi mười tám đôi mươi, anh thanh niên thợ giày Hồ Út gặp được người yêu là cô gái gánh hàng rau ra chợ bán mỗi ngày. Lúc xưa ấy, khu vực Cẩm Đô, Hai Bà Trưng, Anh Sáng, Phan Đình Phùng ( Cầu Quẹo)…là khoảng không gian nối dài một cánh đồng rau rộng lớn. Sáng sáng rau xanh tươi non chuyển lên khu chợ Hòa Bình bằng những đôi quang gánh trĩu nặng của thiếu nữ Đà Lạt. Không nói giá thách, không trả bớt giá, người bán người mua luôn trò chuyện với nhau rôm rả nụ cười. Bên cạnh những gánh hàng rau là những gánh hàng bún, phở nóng hổi, thực khách ngồi san sát với nhau, xuýt xoa cùng cái lạnh run người buổi sớm mai. Cạnh đó còn có cơ sở sản xuất bánh mì bằng bột gạo của bà đầm Pháp ( gần khách sạn Anh Đào bây giờ), mùi bánh nướng thơm lừng mỗi sáng mỗi chiều…

Người thợ giày Hồ Út sánh duyên trở thành vợ chồng với cô gái Đà Lạt cùng trang lứa gánh bán hàng rau. Làm người con rể Đà Lạt, Hồ Út chăm chỉ cùng vợ làm lụng nuôi con và tạo dựng được tiệm giày uy tín lâu năm nhất còn lại ở Đà Lạt – Tiệm giày Hồ Út ở số 115 đường phố Phan Đình Phùng . “Tài sản vô giá nhất của tôi, giàu có nhất của tôi là nhờ nghề đóng giày với nghề bán rau, vợ chồng tôi đã nuôi được tám người con trưởng thành…”- Cụ già “cửu thập” Hồ Út toại nguyện. 
Giờ thì cụ bà Hồ Út đã về trời sáu năm rồi. Còn lại cụ ông Hồ Út đã chín mươi tuổi ngày ngày vui vầy cùng với con cháu mà vẫn say sưa cầm chiếc búa nhỏ, chiếc kim với sợi chỉ để kết thành những đôi giày góp phần làm đẹp trang phục cho người đời. Bởi chính nghề đóng giày đã đưa Hồ Út từ đất Quảng lên Đà Lạt định cư; rồi từ đó đã cho Hồ Út có cả một thời dĩ vãng đến nay đã bảy mươi lăm năm với phố núi Đà Lạt - thành phố của tình yêu
Tháng 11/2008