Bài 3/ Để trở thành Trung tâm Nghiên cứu nông
nghiệp công nghệ cao
VĂN VIỆT
Với “nguồn vốn” bài học kinh nghiệm thực tiễn trong 6 năm qua, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng triển khai các giải pháp tiếp tục hoàn thiện 3 yếu tố phát triển nông nghiệp hiện đại, toàn diện, bền vững giai đoạn năm 2022- 2025, định hướng trở thành Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao của cả nước.
Nhận diện những tồn tại từ 3 yếu tố
Phân tích ở mặt tồn tại, hạn chế cho thấy
yếu tố hiện đại trong sản xuất nông nghiệp ở
Lâm Đồng thời gian qua còn bộc lộ sự chênh lệch không nhỏ
về trình độ canh tác, mức độ ứng dụng khoa học kỹ thuật, hiệu quả kinh tế giữa
các vùng sản xuất tập trung các hộ sản xuất người kinh với người dân tộc thiểu
số, các hộ nghèo tại vùng sâu, vùng xa, giữa các đối tượng cây trồng, vật nuôi.
Trong khi đó cơ sở hạ tầng trong sản xuất nông nghiệp và nông thôn còn thiếu sự
đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của người
dân. Nhiều công trình đầu tư kéo dài, chưa phục vụ kịp thời nhu cầu sản xuất; công
tác quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi, nước sạch tại một số nơi chưa hiệu
quả. Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư
vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế; hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó
khăn về quỹ đất sản xuất khi lập dự án đầu tư. Với yếu tố toàn diện trong sản xuất nông nghiệp vẫn chưa chủ động nguồn
nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là các loại giống cây trồng, vật nuôi, thiết bị,
vật tư cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Công nghiệp chế biến
nông, lâm, thủy sản quy mô, công nghệ vẫn còn hạn chế, hầu hết sản phẩm chủ lực
tiêu thụ vẫn ở dạng tươi sống hoặc sơ chế, tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu chưa qua
chế biến hoặc chế biến thô vẫn cao. Và yếu tố bền vững còn phổ biến
sản xuất quy mô nhỏ, phân tán; việc ứng dụng nhà
kính tràn lan làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường. Biến đổi khí hậu ngày
càng sâu sắc, nhưng năng lực dự báo và phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật
nuôi còn yếu, chưa có giải pháp kiểm soát, quản lý hiệu quả.
Ngành Nông nghiệp Lâm Đồng bước đầu xác định những tồn tại, hạn chế từ 3 yếu tố hiện đại, toàn diện, bền vững bắt nguồn từ nguyên nhân khách quan trong thời gian dài giá cả một số nông sản như cà phê, hoa cúc, cà chua..ở mức thấp hơn giá thành sản xuất. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh và thiên tai diễn biến khó lường, khó kiểm soát, đặc biệt là tình hình dịch Covid-19 đã gây thiệt hại không nhỏ và ảnh hưởng nhất định việc đầu tư sản xuất của người nông dân. Quá trình đô thị hoá tạo áp lực lớn cho nông nghiệp khi đòi hỏi phải quay vòng nhanh vụ sản xuất, duy trì được sản lượng cần thiết, khiến cho việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vẫn xảy ra. Việc thực hiện nguồn giống có bản quyền chưa được phổ biến rộng rãi và các rào cản kỹ thuật tác động không nhỏ trong quá trình thực hiện mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu nông sản.
Nguyên nhân chủ quan vẫn còn thiếu các giải pháp mang tính tổng thể lâu
dài, nhất là đối với các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Khả
năng tiếp cận vốn để đầu tư mở rộng sản xuất còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là
nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư công nghệ mới, hiện đại; cơ chế chính sách
chưa thực sự tạo ra đột phá mạnh mẽ, chưa có giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó
khăn trong sản xuất. Việc liên kết sản xuất theo chuỗi
giá trị, giải quyết đầu ra cho nông sản chưa mở rộng đồng bộ; sự phối hợp giữa
các cấp, ngành chưa thật sự chặt chẽ; cơ chế chính
sách còn chồng chéo, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng với yêu cầu trong
công tác quản lý cũng như hoạt động sản xuất ứng dụng công nghệ cao hiện nay.
Ứng dụng công nghệ cao trên cây trồng chủ lực
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong 3 yếu tố phát triển nông nghiệp hiện đại, toàn diện, bền vững, đưa Lâm Đồng trở thành Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao trong cả nước, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục mở rộng diện tích trồng rau các loại giá trị cao như: ớt ngọt, khoai tây, hành tây, pó xôi, cà rốt, các loại rau, củ baby; bí Nhật, xà lách cao cấp trên diện tích chuyển đổi cây cà phê già cỗi, diện tích đất lúa 1 vụ thuộc các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Lạc Dương, thành phố Đà Lạt. Đồng thời mở rộng diện tích sản xuất các loại rau phù hợp trên địa bàn các huyện phía Nam như: măng tây, dưa leo, cải xanh, cải thìa. Trong giai đoạn 2022-2025 mở rộng thêm khoảng 800-900 ha rau, nâng tổng diện tích canh tác rau toàn tỉnh Lâm Đồng đạt trên 27.000 ha, (tương ứng diện tích gieo trồng khoảng 75.500-76.000 ha) và phấn đấu đến năm 2030 đạt trên 28.000 ha.
Với cây hoa chủ lực đến năm 2025 đạt
diện tích khoảng 3.700 -3.800ha, sản lượng 4 tỷ cành và 350 triệu chậu hoa các
loại; đến 2030 khoảng 4.000 ha, sản lượng 4,4 tỷ cành. Trong đó ổn định sản xuất các loại hoa cắt cành truyền thống (cúc, hồng, lay ơn..) tại
thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương, huyện Đức Trọng, kết hợp phát triển diện
tích sản xuất hoa giống mới giá trị cao như lan, cẩm chướng, cát tường, oải hương, thu hải đường... và các loại hoa chậu phục vụ cho thị trường trong nước.
“Tập trung phát triển, ứng dụng công nghệ tự động
hóa, IOT các vùng sản xuất rau, hoa tập trung tại thành phố Đà Lạt, các huyện Lạc
Dương, Đơn Dương, Đức Trọng. Các vùng sản xuất còn lại tiếp tục giải pháp công
nghệ nhà kính đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định và đẩy mạnh ứng dụng các thiết
bị cơ giới. Mục tiêu đến năm 2025, tổng diện tích rau, hoa sản xuất theo các
tiêu chí công nghệ cao đạt trên 26.000 ha, và đến 2030 trên 32.000 ha; hình thành khu,
cụm công nghiệp sản xuất giống cây trồng invitro với mục tiêu đạt trên 100 triệu
cây giống, trong đó khoảng 30-50% xuất khẩu…”, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng định
hướng.
Ngoài ra với cây cà phê chủ lực, tiếp tục rà soát chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả; rau; hoa; cây dược
liệu; cây đa mục đích, cây lâm nghiệp theo mô hình nông lâm kết hợp để tăng khả
năng phòng hộ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Giai đoạn năm 2022-2025 giảm khoảng
10.000-12.000 ha cà phê, ổn định diện tích khoảng 160.000 ha, năng suất đạt
trên 3,5 tấn/ha và đến năm 2030 còn khoảng 150.000 ha, trong đó hơn 70% sản xuất
theo các quy trình tiêu chuẩn chất lượng, năng suất bình quân trên 3,6 tấn/ha. Cây chè chủ lực tập trung chuyển đổi khoảng 2.000 ha năng suất thấp tại huyện Bảo Lâm và
thành phố Bảo Lộc sang chè cành cao sản và chè Đài Loan, năng suất bình quân trên
14,5 tấn/ha vào năm 2025; đến 2030 tỷ lệ diện tích chè Đài Loan lên 30%, năng
suất bình quân trên 15 tấn/ha. Thí điểm một số mô hình IOT trong sản xuất, thu hoạch chè,
đạt tổng diện tích chè công nghệ cao đến năm 2025 khoảng 7.300 -7.400 ha và đến năm 2030 có trên
7.600 ha.
Hy vọng với những giải pháp phối hợp đồng bộ và đột phá hơn nữa về chuyển đổi cây trồng giống mới ứng dụng công nghệ cao, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng trong giai đoạn năm 2022- 2025, định hướng phát triển hiện đại, toàn diện và bền vững đến năm 20230 sẽ tiếp tục nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông sản đặc trưng, tăng tỷ lệ xuất khẩu; từng bước trở thành Trung tâm Nghiên cứu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của cả nước nói riêng; trở thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa có giá trị cao trên thị trường Đông Nam Á nói chung.
*Ảnh:
-Phát triển giống hoa
cúc bản quyền xuất khẩu tại huyện Đơn Dương
-Chuyển đổi diện tích
cà phê kém hiệu quả sang trồng cây măng tây giá trị cao ở huyện Lâm Hà
-Trong một thời gian
dài, giá cà chua tiêu thụ còn ở mức thấp