Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2022

Hợp tác nuôi chim cút ở Bảo Lâm

 VĂN VIỆT

Ngày càng có nhiều hộ nuôi chim cút ở xã Lộc An, huyện Bảo Lâm đã đồng thuận chuyển đổi từ quy mô gia đình sang quy mô hợp tác xã gắn kết với nhau cùng khai thác các nguồn giống, vật tư đầu vào chất lượng đảm bảo và kết nối thị trường đầu ra ổn định lâu dài.

Đến thôn 9, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm vào một ngày tháng 10/2022, phóng viên không mấy khó khăn khi tìm đến 2 trại nuôi chim cút tiêu biểu của 2 hộ Trần Văn Thắng (sinh năm 1978) và Phạm Thị Hường (sinh năm 1990) tọa lạc bên mặt đường nhựa lớn. Cụ thể hộ Trần Văn Thắng đã đầu tư khoảng hơn 1 tỷ đồng xây dựng hoàn chỉnh trại nuôi chim cút với tổng diện tích 300m2 đưa vào hoạt động từ năm 2019. Ghi nhận bên trong với 6 tầng nuôi chim cút vuông vức, thẳng hàng. Bên trên mái nhà lộp tôn giữ nhiệt độ lạnh. Trên vách nhà lắp đặt hệ thống quạt gió điều hòa thông thoáng không khí ngày đêm. Khoảng không gian trên tầng nuôi chim cút cao nhất được lắp đặt hệ thống bóng điện chiếu sáng hàng ngày từ 16 giờ chiều hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Ở từng tầng nuôi được đấu nối dẫn về trực tiếp hệ thống cấp nước uống, thức ăn, thuốc uống cho chim cút theo từng thời điểm phù hợp. Chủ hộ Trần Văn Thắng cho biết, sau 3 năm hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật nuôi chim cút với quy mô 30.000 con, sản lượng thu hoạch 23- 25.000 trứng/ngày. Hạch toán với thời điểm tiêu thụ trứng cút 450 đồng/quả vào tháng 10/2022, mỗi ngày trại nuôi của hộ Trần Văn Thắng thu về lãi thuần 1,5- 2 triệu đồng. Chưa kể nguồn thu từ phân chim cút mỗi ngày khoảng 500 kg, thành tiền gần 1 triệu đồng.

Học hỏi, tiếp cận quy trình nuôi chim cút khép kín từ hộ gia đình Trần Văn Thắng, hộ gia đình Phạm Thị Hường ở cùng thôn 9, xã Lộc An nói trên cũng đã mạnh dạn chuyển đổi 300m2 diện tích cà phê sang đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng đầy đủ hệ thống thiết bị trại nuôi cút hơn một năm vừa qua. Thông qua khách hàng tiêu thụ từ hộ Trần Văn Thắng đã kết nối ổn định trong 3 năm trước, nên hộ Phạm Thị Hường thu hoạch sản phẩm trứng hàng ngày đều bán ra nhanh chóng với giá tương đối cao so với giá thị trường. “Theo kỹ thuật và kinh nghiệm từ hộ anh Trần Văn Thắng, hộ gia đình chúng tôi nuôi chim cút sau 3 tuần bước vào thu hoạch trứng hàng ngày. Thu hoạch đến 8 tháng sau, hộ gia đình chúng tôi thay đàn giống chim cút nuôi mới. Đàn chim cút cũ cũng được bán ra lấy thịt thương phẩm theo các đầu mối thu mua trực tiếp đến tận trại nuôi…”, chủ trại Phạm Thị Hường cho biết.

Tìm hiểu thêm, để nuôi chim cút có lợi nhuận cơ bản như trên, hộ Trần Văn Thắng đã phải bước qua những thử thách đáng kể ở giai đoạn đầu tiên, sau đó đúc kết kinh nghiệm, hợp tác chia sẻ với hộ Phạm Thị Hường. Đó là những ngày đầu chăn nuôi, số lượng chim cút chết tương đối nhiều do chưa đảm bảo các điều kiện về môi trường, nhiệt độ, ánh sáng trong trại nuôi và các chế độ dinh dưỡng phù hợp. Bên cạnh đó những thương lái thu mua trứng cút vẫn chưa được thống nhất về sản lượng, thời gian và giá cả hàng ngày. Đáng kể tình trạng này đã dần được khắc phục thông qua tổ chức đại diện của hộ chăn nuôi chim cút là Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Gia Phát tại xã Lộc An, huyện Bảo Lâm. Cụ thể HTX đã thỏa thuận với các bên cung ứng đầy đủ và kịp thời nguồn giống chim cút đạt yêu cầu chất lượng và hiệu quả; đồng thời khai thác thị trường đầu ra để chủ động kế hoạch chăn nuôi của hộ thành viên. Ngoài ra HTX thường xuyên cập nhật quy trình khoa học kỹ thuật chăn nuôi mới, dây chuyền thiết bị hiện đại để xây dựng mô hình, nhân rộng cho các hộ thành viên.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Gia Phát Vũ Duy Văn đánh giá trong 10 hộ thành viên nuôi chim cút của HTX ở địa huyện Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc hiện nay, hộ nuôi quy mô nhiều nhất với 60.000 con; nuôi ít nhất với 5.000 con. Nuôi chim cút theo mô hình hợp tác, nên hộ thành viên yên tâm đầu tư, bố trí diện tích đất, lao động; còn nguồn giống, vật tư đầu vào và thị trường đầu ra, công nghệ và kỹ thuật chăn nuôi đều do HTX Nông nghiệp Gia Phát đảm trách. Mục tiêu trong vài năm tới, HTX tiếp tục huy động, đề xuất tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi liên kết chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng, qua đó nâng cấp sản phẩm trứng cút đặc trưng của vùng đất Bảo Lâm, Bảo Lộc được xếp hạng OCOP 4 sao của tỉnh Lâm Đồng.

tháng 10/2022