VĂN VIỆT
Theo đánh giá của Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thủy lợi Lâm Đồng, hồ chứa nước Đan Kia, huyện Lạc Dương đến nay đã bị bồi lắng nghiêm trọng, ước tính dung tích nước giảm đến 8 triệu m3 so với thời kỳ đầu xây dựng.
Cụ thể khối lượng bùn đất bồi lắng hồ Đan Kia hàng năm khoảng 137.800m3. Trong đó đổ về từ 2 nhánh suối Langbiang 78.700m3 và Phước Thành 59.100m3. Nguyên nhân do đặc thù độ dốc sườn đồi và lòng suối lớn, trện khu vực hồ chứa thuộc địa bàn phường 7, phường 8, thành phố Đà Lạt và thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương hiện có đến 4.000ha đất sản xuất nông nghiệp và đất ở của người dân, hàng ngày lượng rác sản xuất và sinh hoạt thải ra khá lớn, không được thu gom kịp thời khi gặp mưa lớn cùng với khối lượng bùn đất bề mặt bị xói lở cuốn trôi theo dòng nước chảy mạnh đã đẩy nhanh tốc độ bồi lắng lòng hồ. Trong khi đó phạm vi bảo vệ lòng hồ có khoảng 50ha đất sản xuất nông nghiệp từ năm 1996 đến năm 2004, lại có nhiều hộ lấn chiếm lòng hồ làm đường đi, xây dựng công trình tạm, dẫn đến diện tích mặt nước hồ bị thu hẹp…
Để khắc phục tình trạng bồi lắng nghiêm trọng hồ Đan Kia, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã hướng đến các nhóm giải pháp cấp thiết nạo vét các khu vực suối thượng lưu khoảng 3 triệu m3 bùn đất, đồng thời tạo thành hồ lắng trên diện tích khoảng 5ha. Tại khu vực suối Phước Thành, Đà Lạt với khối lượng nạo vét khoảng 1,3 triệu m3, bên cạnh đó còn xây dựng các lưới chắn bùn rác, tạo thêm một hồ lắng mới. Riêng tại Nhà máy nước Đan Kia 1 và Đan Kia 2 cần nạo vét khoảng 10- 15.000m3 bùn đất để khơi thông dòng chảy…
Dự toán tổng kinh phí nạo vét nói trên khoảng 238 tỷ đồng. Chưa kể phải nâng cấp cụm công trình đầu mới hồ chứa nước Đan Kia khoảng 45 tỷ đồng. Nhưng về lâu dài cần 2.450 tỷ đồng để xây dựng hồ chứa Đan Kia 2 trên thượng nguồn suối chính Langbiang, phạm vi diện tích đất dự kiến 170ha, đạt tổng dung tích khoảng 24 triệu m3. Qua đó đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Lạt, vùng phụ cận, két hợp phát điện, tạo cảnh quan du lịch.
Tuy nhiên để ngăn chặn tình trạng bồi lắng hồ Đan Kia một cách bền vững, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng xác định các nhóm giải pháp phi công trình cần phải triển khai thường xuyên, liên tục. Đó là: Tăng cường công tác trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn. Khuyến khích người dân xây dựng các bể chứa nước mặt, gia cố vị trí xung yếu, lắp đặt đường ống dẫn nước kết hợp với tiêu năng để giảm vận tốc dòng chảy đối với nhà lưới, nhà kính trong khu vực thượng lưu. Kịp thời thu gom, phân loại và xử lý rác thải trong phạm vi lưu vực hồ chứa nước. Kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm đất lòng hồ, thu hồi các diện tích đất đã bị lấn chiếm, giải phóng mặt bằng nằm trong hành lang bảo vệ công trình hồ chứa…
tháng 8/2021