Thứ Năm, 19 tháng 8, 2021

Hoạt động kinh tế tập thể - cần nâng cao hiệu quả

VĂN VIỆT

Trong thi kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục tăng cường vai trò quản lý nhà nước về đổi mới cơ chế chính sách, khuyến khích phát triển, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của đơn vị tập thể, trong đó đặc biệt chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực mới đáp ứng với yêu cầu quản trị mới trên thị trường cạnh tranh.

Khẳng định vai trò kinh tế tập thể trong nông nghiệp

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, toàn tỉnh Lâm Đồng đến nay có 3 Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp với 18 HTX thành viên  đang phát huy tốt vai trò giới thiệu bao tiêu sản phẩm cho các thành viên tự sản xuất và tự ký kết hợp đồng. Bên cạnh đó thống kê số lượng tất cả  335 HTX Nông nghiệp, tăng 6 HTX so với năm 2020. Trong đó gồm 51 HTX sản xuất ứng dụng công nghệ cao gần 797 ha, chăn nuôi heo với quy mô chuồng trại 6 ha. Kết quả có 245 HTX hoạt động hiệu quả với doanh thu và lợi nhuận bình quân 1 HTX đạt mỗi năm lần lượt khoảng hơn 2,6 tỷ đồng và gần 300 triệu đồng. Về cán bộ quản lý HTX Nông nghiệp tính đến đầu  năm 2021 có tổng số 987 người, trong đó trình độ từ trung cấp trở lên 216 người. Trong 165 chuỗi giá trị thu hút sự tham gia liên kết của 101 doanh nghiệp, 60 HTX, 36 tổ hợp tác, cơ sở nhỏ lẻ và 16.621 hộ nông dân. Phần lớn nông dân đã liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó có 75 chuỗi liên kết đã được các tổ chức trong nước và quốc tế chứng nhận về chất lượng sản phẩm. Những HTX hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao như HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú; HTX Sunfood Đà Lạt; HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến; HTX Nông nghiệp Tiến Huy; HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào …

Ngoài ra toàn tỉnh còn có 338 trang trại trồng trọt, 425 trang trại chăn nuôi,  31 trang trại tổng hợp, 2 trang trại lâm nghiệp. Chưa kể toàn tỉnh Lâm Đồng còn có 369 Tổ Hợp tác (THT) với 8.476 tổ viên hoạt động tổng hợp trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi theo phương thức hỗ trợ giúp nhau vay vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cùng sản xuất một chủng loại sản phẩm và cùng nhau tìm doanh nghiệp để tiêu thụ.

“ Nhiều HTX phát huy tốt nội lực, áp dụng kỹ thuật công nghệ cao, tiên tiến vào sản xuất, đặc biệt một số HTX có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, nên mang về doanh thu hàng năm khá cao, đã khẳng định được vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho Nhân dân…”, đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết. Bên cạnh đó còn có nhiều mô hình THT tổ chức chuỗi liên kết với các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn đã từng bước ổn định đầu ra nông sản cho bà con tổ viên, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Đáng kể mô hình kinh tế trang trại với nhiều bước phát triển cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả, thể hiện hiệu quả cơ chế chính sách hỗ trợ thiết thực, gắn với nhu cầu thực tế của từng trang trại và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nhiều chủ trang trại đã được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về quản lý, tiếp cận thị trường, tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng.

Phát triển đa dạng mô hình chuỗi liên kết

Tuy nhiên việc phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là khu vực hợp tác xã vẫn còn nhiều đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ, năng lực quản lý và trình độ nghiệp vụ của cán bộ còn gặp nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát triển kinh tế thị trường hiện nay. Tương tự hiện vẫn còn nhiều trang trại quen với sản xuất nhỏ, thiếu nhanh nhạy trong kinh tế thị trường, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn chạy theo giá cả một cách tự phát, dẫn đến hiện tượng được mùa mất giá và được giá mất mùa vẫn xảy ra…

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của đơn vị kinh tế tập thể, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, điều hành hoạt động của HTX nông nghiệp; bồi dưỡng thường xuyên kiến thức chuyên ngành cho thành viên HTX. Đồng thời có cơ chế, chính sách khuyến khích sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học tham gia khởi nghiệp từ HTX nông nghiệp; hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể.

Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế tập thể trong thời gian tới cần hình thành và nhân rộng đa đạng mô hình chuỗi liên kết  giữa các hộ thành viên với nhau (liên kết ngang), giữa thành viên với  HTX, giữa tổ THT với HTX và giữa HTX với các doanh nghiệp (liên kết dọc), thành lập các mô hình HTX hoạt động quy mô liên xã, liên huyện với những sản phẩm chủ lực của địa phương, qua đó tìm kiếm các đơn hàng có quy mô lớn trong nước, hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu…

THÁNG 8/2021