Thứ Năm, 5 tháng 8, 2021

Sản xuất nông nghiệp gắn kết với công nghiệp chế biến

VĂN VIỆT

Mục tiêu trong 5 năm tới, Lâm Đồng quy hoạch lại vùng sản xuất tập trung các cây trồng chủ lực gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu, đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cung cấp cho công nghiệp chế biến thông qua hình thành, mở rộng các liên kết tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Tỷ lệ nông sản qua sơ chế, chế biến đạt 65% trên tổng sản lượng

Theo ngành Nông nghiệp Lâm Đồng, tỷ lệ nông sản qua sơ chế, chế biến đến nay đạt 65% trên tổng sản lượng. Tương ứng tỷ lệ khoảng 47% giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và chiếm 35% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Cụ thể toàn tỉnh Lâm Đồng mỗi năm 118 doanh nghiệp chế biến khoảng 44.212 tấn thành phẩm rau, củ, quả. Với cây chè và cây cà phê có khoảng 192 doanh nghiệp với quy mô chế biến mỗi năm lần lượt 38.563 tấn thành phẩm và 190.059 tấn.

Chưa kể trên 250 cơ sở sơ chế nhỏ lẻ, quy mô hộ cá thể với công suất mỗi năm khoảng 109.941 tấn cà phê nhân. Ngoài ra toàn tỉnh Lâm Đồng còn có 88 cơ sở chế biến trái cây các loại với sản lượng hơn 11.133 tấn thành phẩm/năm; 2 công ty chế biến điều với quy mô 3.100 tấn thành phẩm/năm; 31 cơ sở, doanh nghiệp thu mua, sơ chế, chế biến 883 tấn mắc ca thành phẩm…Ghi nhận chung ở các doanh nghiệp trong nước đang chiếm ưu thế trụ cột trong hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, đóng góp bình quân khoảng 60% vào tổng giá trị xuất khẩu nông sản trực tiếp toàn tỉnh Lâm Đồng…

Tuy nhiên cũng theo nhận định của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng, công nghiệp chế biến nông sản vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, các mặt hàng rau, củ quả, hoa đưa vào chế biến, bảo quản còn thấp so với sản lượng hàng năm. Cùng với đó, tình hình tiêu thụ các mặt hàng chủ lực khác như cà phê, chè gặp khó khăn; các sản phẩm hoa xuất khẩu chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 10% sản lượng) do chưa đáp ứng được các thông lệ quốc tế về chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó (ngoài sản phẩm chuối Laba), hầu hết các sản phẩm cây ăn quả trong tỉnh Lâm Đồng chưa được  xuất khẩu chính ngạch đi các nước. Sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm khoảng 15-30%. Phần lớn các doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu đảm bảo về số lượng, chất lượng. Tổn thất sau thu hoạch còn lớn (15-20%) do thiếu cơ sở vật chất bảo quản đáp ứng yêu cầu…

“Đáng nói ở mô hình liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản hướng đến mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu đã được thực hiện trong thời gian qua, nhưng chưa thực sự trở thành một hệ thống chặt chẽ nên tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa, sản phẩm không tiêu thụ hết tại một số thời điểm vẫn còn xảy ra đối với một số mặt hàng dẫn đến sản xuất chưa thật sự bền vững, nguy cơ không cạnh tranh được với sản phẩm do địa phương khác sản xuất hoặc sản phẩm nhập khẩu cùng loại là rất lớn. Vấn đề tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là xuất khẩu nông sản còn hạn chế vẫn là điểm nghẽn lớn nhất đối sản xuất nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng hiện nay cần tập trung tháo gỡ…”, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đánh giá.

Nâng cao chất lượng nông sản phục vụ công nghiệp chế biến

Để sản xuất nông nghiệp gắn kết hơn nữa với công nghiệp chế biến, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục quy hoạch lại vùng sản xuất tập trung các cây trồng chủ lực gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu thông qua mở rộng các mô hình liên kết tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cung cấp cho công nghiệp chế biến. Phấn đấu  mỗi năm tăng ít nhất 10% số chuỗi, số hộ tham gia và 20% giá trị nông sản tiêu thụ. Đến năm 2025 có 265 chuỗi liên kết với 26.700 hộ tham gia, nâng tỉ lệ tiêu thụ nông sản qua chuỗi đạt 50% giá trị nông sản toàn tỉnh. Riêng diện tích đất canh tác có ít nhất tỷ lệ 33% được cấp các chứng nhận quốc tế và trong  nước về an toàn thực phẩm, sản xuất bền vững, hữu cơ. Tỉ lệ các mẫu nông sản được kiểm nghiệm đáp ứng tiêu chuẩn an toàn đạt trên 98%.  Tỉ lệ nông sản được sơ chế trên 80%, chế biến đạt 25% tổng sản lượng; giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 13%. Trên 70% các cơ sở chế biến xuất khẩu áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến, hệ thống quản lý chất lượng (ISO, HACCP, FSSC, 5S...).

Trong cả giai đoạn 2021- 2025, từng bước giảm tình trạng các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhà xuất khẩu chủ yếu nông sản thô, chưa qua chế biến, không theo chính ngạch…Củng cố, phát triển các mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả cả về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; tiếp tục hỗ trợ nâng tổng số hợp tác xã nông nghiệp toàn tỉnh Lâm Đồng đạt trên 400 đơn vị với hơn 10.000 thành viên, trong đó có trên 80% hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh Lâm Đồng đạt 180 sản phẩm, 100% sản phẩm OCOP được gắn tem truy xuất nguồn gốc. Tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước theo hướng hiện đại, xây dựng thương mại điện tử, tổ chức hội thảo, hội chợ trực tiếp và trực tuyến... Sản lượng, giá trị xuất khẩu nông sản tăng bình quân hàng năm từ 14- 15%/năm; đưa kim ngạch xuất khẩu nông sản của tỉnh Lâm Đồng đến 2025 đạt trên 600 triệu USD, tăng gấp 2 lần so với năm 2020. Sử dụng hiệu quả các thương hiệu, nhãn hiệu nông sản của tỉnh Lâm Đồng đã được cấp chứng nhận, đặc biệt có 50% sản lượng rau, hoa, cà phê Arabica được cấp quyền sử dụng thương hiệu “ Đà Lạt- Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

Giải pháp trọng tâm đến năm 2025 đạt các mục tiêu nêu trên, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục phát huy lợi thế từng vùng sinh thái, chú trọng nâng cao chất lượng nông sản phục vụ công nghiệp chế biến và đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, quốc tế. Đồng thời hiện đại hóa công nghệ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong chế biến và bảo quản nông sản đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. 

Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các giải pháp ứng dụng thương mại điện tử phù hợp để quảng bá tiêu thụ nông sản; tham gia tham quan, khảo sát tìm kiếm thị trường, tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước, phát triển thương mại điện tử trong giao dịch mua bán nhằm đẩy mạnh xuất khẩu…/.

THÁNG 8/2021