Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2021

BÀI XUÂN ÂM LỊCH TÂN SỬU Cất cánh trên nương đồi cà phê Đạ K’Nàng

Ghi chép VĂN VIỆT

Kết hợp chuyển giao công nghệ bón phân với phun thuốc sinh học bằng máy bay không người lái, Công ty TNHH MTV Thương mai Dịch vụ sản xuất xuất nhập khẩu công nghệ Đình Nguyên (gọi tắt là Công ty Đình Nguyên) tại xã Liên Hà, Lâm Hà đã tạo bước đột phá về giảm tối đa chi phí nhân công, vật tư đầu vào; tăng năng suất, chất lượng sản phẩm thu hoạch và lợi nhuận cho người nông dân
.

Gần đến 12 giờ trưa một ngày cuối năm 2020, phóng viên đến gặp Chi hội trưởng nông dân thôn Đạ Pin (xã Đạ K’Nàng, Đam Rông) Trần Thị Tho giữa không gian đầy ắp cà phê phơi trên sân và đóng bao sắp lớp bên hiên nhà. Lúc này chị Tho cùng chồng, con và khoảng gần 10 nhân công tập trung thu hái cà phê ở giữa nương đồi cách xa nhà ở đến gần một cây số. Lâu sau chị Tho trở ra từ khu vườn với vẻ thấm mệt nhưng phấn khởi: “ Hộ gia đình chúng tôi đã thu trên 3ha diện tích cà phê hơn 10 ngày, ước khoảng 20 tấn tươi. Dự kiến thu hoạch gần một tháng nữa mới xong, tổng sản lượng phải từ 70 tấn tươi trở lên. Nếu so với năm ngoái thì sản lượng năm nay tăng ít nhất 5 tấn cà phê tươi, thành 1,2 tấn cà phê nhân…”


Nguyên nhân tăng sản lượng cà phê năm nay được chị Tho cho biết nhờ thay đổi biện pháp canh tác theo hướng hữu cơ bền vững từ 8 năm về trước. Quy trình được cung cấp vật tư và chuyển giao kỹ thuật từ Công ty Đình Nguyên tại xã Liên Hà, huyện Lâm Hà. Theo đó với các dòng sản phẩm phân bón hữu cơ nhập khẩu độc quyền từ các nước có nền nông nghiệp hàng đầu trên thế giới, Công ty Đình Nguyên chọn vườn cà phê chị Tho xây dựng mô hình chuyển sang sử dụng 50% phân bón hữu cơ với 50% phân bón vô cơ trong 3 năm đầu để đất “làm quen” với điều kiện sinh trưởng mới. Năng suất trong 3 năm này sẽ giảm xuống 10%. Từ 3- 5 năm tiếp theo giảm từ 75% rồi 100% lượng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật, thay vào đó sử dụng lượng phân bón hữu cơ và thuốc sinh học với tỷ lệ phù hợp nhất.

“ Với định suất đầu tư trong gói vật tư phân bón, thuốc sinh học, công bơm thuốc...của Công ty Đình Nguyên theo giá thị trường cả năm 2020 là 30 triệu đồng/ha cà phê. Đến nay, vườn cà phê gia đình chúng tôi đã vượt mức 5 tấn nhân/ha. Tính ra đã giảm 50% chi phí so với  đầu tư canh tác bằng biện pháp hóa học. Chưa kể đến lợi ích mang lại từ việc bảo vệ bền vững môi trường… ”, chị Tho chia sẻ.

Từ việc chuyển đổi thành công quy trình canh tác cà phê hữu cơ, với nhiệm vụ Chi hội trưởng nông dân thôn Đạ Pin, chị Tho đã nhiệt tình hướng dẫn nông dân trong vùng thực hành từng bước hiệu quả trên từng vườn cà phê của mình. Vườn cà phê của hộ ông Mai Minh Châu cách vườn cà phê của chị Tho khoảng hơn 2 cây số là một ví dụ. Phóng viên đến thăm vườn ở đây và được anh Châu cho biết đã sử dụng các dòng phân bón hữu cơ của Công ty Đình Nguyên từ 7 năm trước- sau khi tìm hiểu, trao đổi và tiếp cận kỹ thuật sản xuất từ mô hình của hộ gia đình chị Trần Thị Tho. Đến nay, anh


Châu đã hoàn chỉnh quy trình canh tác hữu cơ trên diện tích 1ha cà phê của mình và đã chuyển giao có kết quả trên 1ha cà phê của hộ gia đình người con đầu. “Không chỉ tăng giá trị thu nhập, sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc phòng trừ bệnh hại cây cà phê của Công ty Đình Nguyên rất tiện lợi với loại bao 5 kg, 10kg di chuyển trên vườn. Trên diện tích 1ha cà phê bón các loại phân hóa học trước đây phải mất 2 công lao động/ngày. Nay 1ha sử dụng phân bón hữu cơ Đình Nguyên chỉ cần 1 công lao động với 2 giờ đồng hồ… ”, anh Châu thông tin.

Cũng trên địa bàn thôn Đạ Pin, xã Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông), nhà nông K’Brông (sinh năm 1968)- người áp dụng phương pháp hữu cơ trong năm đầu tiên trên vườn cà phê của mình nói chậm rãi:  “Cà phê của hộ gia đình chúng tôi có tất cả 3ha bước vào thu hoạch hơn 2 tuần qua ước được 90 bao, mỗi bao 50kg nhân. Dự kiến thu hoạch chừng 2 tuần nữa là xong, năng suất trung bình gần 3 tấn nhân/ha. Trong đó so với năm ngoái có riêng 1ha giảm chừng 10% sản lượng, nhưng nhờ đầu tư phân bón hữu cơ và thuốc sinh học thay thế phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, nên đã tiết kiệm khoảng 40% nguồn vốn đầu tư…”

Thì ra, anh K’Brông chỉ mới sử dụng thử nghiệm phân bón và thuốc sinh học chăm sóc trên 1ha trên tổng số 3ha diện tích cà phê của mình. Việc giảm năng suất cà phê năm đầu do chuyển đổi từng phần dinh dưỡng vô cơ sang hữu cơ trong đất, khiến cây chưa thể thích nghi nhanh được. Phải kiên trì chăm bón hữu cơ thêm vài vụ mùa nữa mới đột phá tăng năng suất cà phê bền vững. Khi cán bộ kỹ thuật của Công ty Đình Nguyên giải thích điều này, anh K’Brông thật lòng: “ Vậy thu hoạch xong vụ cà phê năm nay thì năm tới, hộ gia đình chúng tôi tiếp tục áp dụng canh tác hữu cơ trên 2ha cà phê còn lại…”   


Còn Chi hội trưởng Trần Thị Tho tổng hợp số liệu đến gần hết năm 2020 có tổng số 25 hộ/90 hộ nông dân trong thôn Đạ Pin tăng năng suất, lợi nhuận từ cây cà phê nhờ áp dụng phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ của Công ty Đình Nguyên. Mỗi hộ canh tác từ 1- 3ha. “ Trong năm 2020, hộ gia đình chúng tôi tiếp tục được Công ty Đình Nguyên thử nghiệm thành công việc bón phân, bơm thuốc bằng công nghệ máy bay không người lái trên toàn bộ diện tích 3ha cà phê. Nhiệm vụ Chi hội trưởng của tôi là phổ biến kết quả thử nghiệm này cho nông dân trong địa bàn thôn của mình… ”, chị Tho nói thêm.

Thực tế vào đầu tháng 9/2020, phóng viên đã chứng kiến công nghệ máy bay không người lái P-Globalcheck của Công ty Đình Nguyên điều khiển phun thuốc trên diện tích 3ha cà phê của hộ gia đình chị Trần Thị Tho khá ngoạn mục. Đây là khu vườn cà phê với địa hình nương đồi thoai thoải, máy báy không người lái cất cánh bay lượn nhiều vòng khuất tầm nhìn mới phun thuốc đều khắp vườn, thời gian cả thảy 30 phút với 3 lượt bay. Sau đó qua đánh giá cho thấy, với dung tích bình chứa 30 lít dung dịch phun thuốc, bón phân, máy bay không người lái P-Globalcheck với mỗi lượt bay đã tiết kiệm khoảng 2.000 lít nước so với bơm phun thủ công; công suất vận hành tối đa đến 40ha/ngày; tỷ lệ thẩm thấu từ 95- 97%. Trao đổi với anh Nguyễn Đình Quý, Giám đốc Công ty Đình Nguyên thì từ năm 2021 trở đi, tất cả hộ gia đình liên kết canh tác cà phê hữu cơ ở xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông đều được công ty này cung cấp toàn bộ phân bón hữu cơ, thuốc sinh học, quy trình kỹ thuật và dịch vụ phun thuốc, bón phân bằng máy bay không người lái với trọn gói 30 triệu đồng/ha/năm. Đồng thời thu mua toàn bộ sản lượng cà phê của nông dân theo cơ chế giá thị trường hoặc thỏa thuận chốt giá trước đầu năm. Như vậy nông dân có thể tính toán trước khoản lợi nhuận mỗi năm để yên tâm sản xuất cà phê bền vững, lâu dài…


“Hiện tại Công ty Đình Nguyên chúng tôi đang liên kết 100hộ nông dân sản xuất khoảng 100ha cà phê hữu cơ bền vững trên địa bàn xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông. Khả năng diện tích này còn nhân rộng trong những năm tới. Bởi vậy chúng tôi đang lên phương án thành lập các Tổ Hợp tác sản xuất để tiến tới thành lập HTX sản xuất cà phê hữu cơ theo chuỗi liên kết ổn định từ cung cấp vật tư phân bón, thuốc sinh học đến kỹ thuật  canh tác bón phân, phun thuốc bằng máy bay và thu hoạch, sơ chế, chế biến, tiêu thụ theo hợp đồng lâu dài…”, Giám đốc Nguyễn Đình Quý nêu kế hoạch của công ty mình.

Phóng viên đem ý tưởng của Công ty Đình Nguyên trao đổi với Chủ tịch UBND xã Đạ K’Nàng Nguyễn Bá Nhân. Anh Nhân đánh giá đây là ý tưởng tốt vì hướng vào quyền lợi song hành giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp. “Toàn xã Đạ K’Nàng có tổng diện tích cà phê 4.500ha. Trong đó Công ty Đình Nguyên mới xây dựng liên kết sản xuất theo hướng hữu cơ khoảng 100ha. Bởi vậy UBND xã Đạ K’Nàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để Công ty Đình Nguyên mở rộng quy mô chuyển giao công nghệ sản xuất cà phê bền vững, hiện đại theo nhu cầu chính đáng của nông dân địa phương trong thời gian tới…. ”, Chủ tịch xã Nguyễn Bá Nhân nêu quan điểm.

THÁNG 2/2021