Thứ Năm, 13 tháng 6, 2019

Quản lý rừng giáp ranh- những giải pháp tích cực


VĂN VIỆT
Được giao quản lý gần 22.000ha rừng giáp ranh 2 huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận và Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đơn Dương đã triển khai những giải pháp phối hợp tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ, giảm thiểu đáng kể tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp so với cùng kỳ năm trước.

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đơn Dương do UBND tỉnh Lâm Đồng làm chủ sở hữu, được thành lập vào tháng 6/2010. Được giao quản lý gần 22.000ha rừng phân bố trên 30 tiểu khu, trải dài địa bàn 6 xã Lạc Xuân, Ka Đô, Pró, Ka Đơn, xã Tu Trathị trấn D'Ran, thuộc huyện Đơn Dương. Ranh giới hành chính của các khu vực rừng giáp ranh phía Đông với huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận; phía Nam với huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Với nhiệm vụ trọng tâm đặt lên hàng đầu là công tác quản lý bảo vệ và phòng chống cháy rừng, công ty đã chủ động tổ chức tuần tra bình quân 4 đợt/tháng/người, ghi chép vào sổ nhật ký đầy đủ diễn biến khu vực rừng nhận khoán. Cụ thể cả năm 2018 và 5 tháng đầu năm 2019, công ty tổ chức tuần tra hơn 1.500 đợt với gần 12.180 lượt người tham gia. Trong đó tuần tra các khu vực rừng giáp ranh 484 đợt huy động gần 5.000lượt người tham gia. Qua đó, đã phát hiện 16 vụ xâm phạm hơn 2ha rừng, thu hồi khối lượng lâm sản thiệt hại gần 20m3 trong năm 2018. Và 5 tháng đầu năm 2019 lập biên bản 7 vụ phá rừng, khai thác, vận chuyển, cất giữ lâm sản trái pháp luật, tổng khối lượng lâm sản thu giữ hơn 3m3, ngăn chặn xâm lấn rừng trái phép trên diện tích khoảng 22.000m2...
 “Đáng kể trong công tác phòng, chống chày rừng mùa khô năm 2018 và năm 2019 trên địa bàn rừng quản lý đã xảy ra một số điểm cháy nhỏ, chủ yếu do người dân vô ý gây ra. Nhờ tuần tra phát hiện sớm, công ty đã huy động đông đủ lực lượng nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, sử dụng các phương tiện, vật tư đã chuẩn bị trước, kết quả đã chữa cháy kịp thời, không để gây ảnh hưởng lớn tài nguyên rừng...”, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đơn Dương nhận định.
Đến nay, bằng các nguồn vốn ngân sách tỉnh Lâm Đồng, liên doanh liên kết, vốn Dự án FLITCH, trồng rừng thay thế, trồng lại rừng sau khai thác trắng rừng trồng …, công ty đã trồng mới hơn 2.100ha rừng thông ba lá. Kết quả đã phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tăng độ che phủ rừng trên toàn địa bàn huyện Đơn Dương, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Riêng năm 2018, công ty trồng mới hơn 25ha rừng sau khai thác trắng; chăm sóc hơn 131ha diện tích rừng trồng năm 2, 3, 4 theo quy trình kỹ thuật lâm sinh hiện hành, đạt tỷ lệ thành rừng hơn 85%. Trong năm 2019, công ty đã xây dựng hồ sơ thực hiện trồng rừng vào mùa mưa, chăm sóc rừng trồng sau khai thác trắng trên tổng diện tích gần 11,6ha.
Bên cạnh đó, trong năm 2018 và 5 tháng đầu năm 2019, công ty đã hợp đồng với các đối tác tại địa phương tiến hành gia công, chế biến gỗ khai thác trắng và tỉa thưa rừng trồng. Theo đó, gỗ nguyên liệu đưa vào chế biến gần 6.075m3; gỗ thành phẩm sau khi chế biến 3.545 m3 (tỷ lệ xẻ 58%); tiêu thụ hơn 1.130 m3 gỗ khai thác trắng và 2.125m3 gỗ tỉa thưa. Doanh thu từ hoạt động chế biến gỗ hơn 11 tỷ đồng, chiếm 60% tổng doanh thu của công ty.
“Hoạt động khai thác chế biến lâm sản từ rừng trồng của công ty đã hướng đến mục tiêu ổn định lâu dài và bền vững. Đồng thời tiếp tục góp phần tạo công ăn việc làm, ổn định thu nhập cho người dlao động địa phương”, báo cáo của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đơn Dương đánh giá.
Tuy nhiên, cũng theo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đơn Dương, Công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn được giao nói chung, khu vực rừng giáp ranh với huyện Đơn Dương nói riêng còn đối diện phía trước với nhiều khó khăn về giao thông, liên lạc, tình trạng xâm hại rừng vẫn diễn biến phức tạp…Để giảm thiểu đến mức thấp nhất về số vụ vi phạm và diện tích rừng thiệt hại, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đơn Dương tiếp tục triển khai các giải pháp phối hợp cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật về quản lý, phát triển, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trong cộng đồng dân cư. Mbên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần sớm xem xét, giải quyết dứt điểm các vụ việc vi phạm lấn chiếm, san ủi đất lâm nghiệp trái phép, nhằm tăng tính răn đe và giáo dục chung.
Riêng các đối tượng cầm đầu, xúi giục, kích động phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, thách thức, đe dọa, chống người thi hành công vụ…, các cơ quan pháp luật của huyện Đơn Dương và của tỉnh Lâm Đồng nhanh chóng phối hợp điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật. Và cần thiết xem xét, bổ sung chế tài ràng buộc trách nhiệm cao hơn đối với hộ nhận khoán khi để xảy ra tác động tiêu cực vào rừng.
Ngoài ra, chính quyền các địa phương trong huyện Đơn Dương cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các nhóm giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân sống phụ thuộc vào rừng, từ đó hạn chế tối đa tình trạng vào rừng lấn chiếm đất, chặt phá cây rừng trái pháp luật trên địa bàn trong thời gian tới./.
THANG 6/2019