Thứ Tư, 19 tháng 6, 2019

Lan tỏa nhiều điểm sáng liên kết mới


VĂN VIÊT
Được khuyến khích phát triển thông qua cơ chế, chính sách phù hợp, các vùng nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục xuất hiện nhiều điểm sáng liên kết mới, mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng, tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm gia tăng hiệu quả kinh tế từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ

Giữa tháng 6/2019, phóng viên tham quan vườn đương quy 10.000m2 của nông hộ Huỳnh Thị Lệ Ảnh ở thôn An Hiệp, xã Liên Hiệp, Đức Trọng khi chuẩn bị đi vào thu hoạch. Đây là khu vườn đương quy đã 14 tháng tuổi chuyển đổi từ cây cà phê, tọa  lạc bên đường bê tông thuận tiện xe ô tô vào ra, cách Quốc lộ 27 chỉ khoảng một cây số. Rảo bước vô giữa những luống cây đương quy với cảm nhận mùi hương dược liệu tỏa lên thơm nồng, phóng viên được lương y Nguyễn Minh Tiến thông tin: “ Toàn bộ diện tích 10.000m2 cây đương quy của nông hộ bà Huỳnh Thị Lệ Ảnh được sản xuất tuân thủ theo quy trình kỹ thuật liên kết với Công ty TNHH Đà Lạt thảo dược Minh Quân, ước tổng sản lượng thu hoạch khoảng 35 tấn củ tươi …” Theo đó, từ đầu năm 2018, nông hộ Huỳnh Thị Lệ Ảnh đã đạt được thỏa thuận với Công ty TNHH TNHH Đà Lạt thảo dược Minh Quân (cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu tại xã N’Thol Hạ, Đức Trọng) sản xuất 10.000m2 cây đương quy theo hình thức bao tiêu toàn bộ sản phẩm thu hoạch. Sau đó, bà Ảnh quyết định phá bỏ toàn bộ 10.000m2 diện tích cà phê hơn 20 năm tuổi để chuyển sang trồng đương quy do Công ty TNHH TNHH Đà Lạt thảo dược Minh Quân cung cấp  cây giống và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất. Đến nay với sản lượng 35 tấn củ tươi đương quy theo ước tính của lương y Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Công ty TNHH TNHH Đà Lạt thảo dược Minh Quân nói trên, nông hộ Huỳnh Thị Lệ Ảnh sẽ đạt tổng doanh thu hơn 1 tỷ đồng. So sánh lợi nhuận cây đương quy ở vụ mùa đầu tiên cao hơn gấp khoảng 15 lần so với trồng cà phê trên cùng diện tích đất.
Tìm hiểu được biết, Công ty TNHH TNHH Đà Lạt thảo dược Minh Quân thành lập hơn hai năm qua đã xây dựng chuỗi giá trị liên kết khoảng 100 nông hộ trong tỉnh Lâm Đồng đến các tinh Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, tổng diện tích trên dưới 100ha trồng các loại cây dược liệu đương quy, sâm hành, xuyên khung, đan sâm, cát cánh, đẳng sâm…Bình quân mỗi tuần, Công ty TNHH Đà Lạt thảo dược Minh Quân bao tiêu khoảng 20 tấn dược liệu tươi các loại của nông hộ liên kết. Trong đó chiếm tỷ lệ 50% sản lượng sấy khô cung cấp cho các các đối tác trong nước; 50% sản lượng còn lại được bào chế tại Công ty TNHH Đà Lạt thảo dược Minh Quân với dòng sản phẩm thuốc đông y, trà túi lọc, ngâm rượu…phân phối theo đơn đặt hàng. Hiện tại vùng nguyên liệu dược liệu của Công ty TNHH Đà Lạt thảo dược Minh Quân đang tiếp tục liên kết với nông dân mở rộng diện tích trên địa bàn các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương…
Cùng thời điểm thành lập Công ty TNHH Đà Lạt thảo dược Minh Quân, Hợp tác xã Thủy canh Việt, Đà Lạt đang nổi lên một điểm sáng liên kết với 07 thành viên, canh tác 30ha các loại rau nhà kính công nghệ cao. Đi vào hoạt động, Hợp tác xã áp dụng công nghệ 4.0 sản xuất rau, củ, quả các loại như: hệ thống điều khiển tưới tiêu qua nền vạn vật kết nối Internet; thu thập những dữ liệu về điều kiện môi trường (nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, lượng mưa…) kết hợp với nguồn dữ liệu về sinh học của cây trồng (đường kính thân cây, diện tích lá, độ dài lóng cây,…) để đưa ra quyết định về lượng phân bón cần thiết cho cây, về chế độ tưới cũng như liều lượng tưới để cây sinh trưởng và phát triển hiệu quả nhất. Đến nay với các sản phẩm rau công nghệ cao đặc trưng như cà chua, ớt ngọt, dâu tây, dưa lưới…, Hợp tác xã Thủy canh Việt, Đà Lạt với thương hiệu Vietponics cạnh tranh tích cực trên hệ thống siêu thị các thành phố lớn trong nước.
“Hàng năm Hợp tác xã Thủy canh Việt tạo công ăn việc làm cho 20 nhân viên toàn thời gian và thuê thêm lao động thời vụ với mức lương bình quân 5-6 triệu đồng/tháng. Với thương hiệu Vietponics, năm 2018 Hợp tác xã Thủy canh Việt được vinh danh trong báo cáo của Bain & Company (Công ty tư vấn quản lý nằm trong top 3 thế giới của Mỹ) về vấn đề tích hợp công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp của khu vực Đông Nam Á...”, Báo cáo của cơ quan chức năng  Lâm Đồng cho biết.
Đáng kể với điểm liên kết mới thành lập vào năm 2018 đã đạt sản lượng bình quân một tháng 70 tấn hạt macca thành phẩm cung cấp theo nhu cầu thị trường, đó là Hợp tác xã liên kết macca Macadamia Di Linh. Với tổng vốn điều lệ chỉ hơn 500 triệu đồng, Hợp tác xã đã phát huy chức năng hoạt động cung cấp cây giống, tổ chức sản xuất, trồng và thu mua, chế biến hạt macca. Đến nay, Hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư máy móc, nhà xưởng, mở rộng quy mô sản xuất, hình thành chuỗi liên kết với 33 hộ thành viên, các tổ hợp tác và nhiều hộ nông dân khác trên địa bàn các huyện Đức Trọng, Lâm Hà và thành phố Bảo Lộc. Ngoài các lao động do hộ thành viên tự thuê mướn, Hợp tác xã còn tổ chức sơ chế, thu mua, đóng gói tập trung tại chỗ với 10 lao động địa phương có công ăn việc làm ổn định, thu nhập từ 5- 6 triệu đồng/ tháng. Dự kiến trong thời gian tới Hợp tác xã tiếp tục tổ chức liên kết chế biến thêm các mặt hàng khác như kẹo macca, tinh dầu macca theo nhu cầu thị trường...
Theo đánh giá của cơ quan chuyên trách ngành nông nghiệp Lâm Đồng, các điểm liên kết mới nói trên đã và đang lan tỏa nhiều vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, góp phần giúp nông hộ chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp, tạo giá trị gia tăng đối với từng diện tích đất của mình./.
THÁNG 6/2019