VĂN VIỆT
Tại Hội nghị quốc tế
bàn về giải phát triển cà phê đặc sản Tây Nguyên tổ chức mới đây tại Buôn Ma
Thuột, tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, vùng sinh thái
ở Đà Lạt và Lạc Dương với độ cao 1.500m so với mặt biển là một yếu tố bất biến
để phát triển các nguồn giống cà phê Arabica đạt năng suất, chất lượng xuất khẩu
theo chuỗi giá trị toàn cầu.
Kết thúc niên vụ cà phê năm 2018- 2019, phóng viên liên hệ với
anh Nguyễn Văn Sơn, chủ vườn cà phê Arabica rộng 4ha ở khu vực giáp ranh xã Tà
Nung, Đà Lạt, được biết năng suất niên vụ 2018- 2019 thu được khoảng 5 tấn
nhân. Khu vườn này hiện có 15.000 cây cà
phê Arabica đặc sản, được anh Sơn thâm canh từ năm 2005 đến nay. Trong đó có 2.000
cây giống Typica đã sinh trưởng tại vườn từ hơn 30 năm trước. Còn lại 13.000
cây thuộc các giống Bourbon, Caturra, Caturai và Pacamara được anh Sơn tuyển chọn
nguồn giống từ các khu vực sinh thái đặc trưng của cả vùng Tây Nguyên, đưa về
canh tác phù hợp với khí hậu trên độ cao 1.500m của Đà Lạt. Đáng nói trong số
những giống cà phê đặc sản này, anh Sơn đã chọn 2 mẫu gửi sang Hiệp hội Cà phê
Hoa Kỳ để kiểm định. Kết quả đạt 90 điểm/100 điểm- vượt hơn 10 điểm chuẩn, nên
được công nhận chất lượng cà phê đặc sản thế giới.
“Toàn bộ quy trình canh tác cà phê đặc sản của trang trại
chúng tôi đều theo quy trình dinh dưỡng phân bón hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng
thuốc bảo vệ thực vật, tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật có lợi sinh sôi
trong đất. Khi thu hái đều bằng tay, chọn lựa từng trái chín, bóc vỏ sơ chế và
phơi khô hạt nhân trong nhiệt độ tự nhiên của ánh nắng mặt trời. Nhờ vậy, chất
lượng cà phê chè đặc sản của trang trại chúng tôi luôn được người tiêu dùng
trong nước chọn lựa tiêu dùng. Giá bán một ký cà phê đặc sản hạt nhân của trang
trại niên vụ vừa qua trên dưới 600.000 đồng …”, chủ nhân Nguyễn Văn Sơn cho biết.
Theo đó, nếu so sánh trong niên vụ 2018- 2019 vừa qua thì giá
cà phê chè Arabica đặc sản của anh Sơn cao hơn 18 lần cà phê robusta và khoảng
12 lần so với các giống cà phê chè Arabica thông thường. Với các phương pháp
canh tác đặc biệt trên các giống cà phê chè đặc biệt vừa nêu, trang trại của
anh Sơn hàng ngày đều đón tiếp nhiều khách quốc tế tham quan, nghiên cứu, trong
đó chiếm nhiều nhất là khách đến từ châu Âu và châu Mỹ. “ Khách quốc tế đến
tham quan và đặt hàng tiêu thụ nhưng chưa thể đáp ứng. Bởi sản lượng hạt nhân
cà phê đặc sản hàng năm của trang trại chúng tôi phải ưu tiên cung cấp cho thị
trường trong nước…”, anh Sơn nói thêm.
Cách trang trại của anh Nguyễn Văn Sơn khoảng 10km, phóng
viên đến Tổ Dân phố Bờ Nơ C, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương để tiếp xúc cận
cảnh các cây cà phê chè Bourbon đầu dòng vừa được Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn Lâm Đồng công nhận. Tại khu vườn của nông hộ anh K’Bẻo, 3 cây cà phê
chè đầu dòng Bourbon có chiều cao khoảng 3m, tán phủ rộng khoảng hơn 2,5m, đang
bung nở hoa trắng dày đặc trên cành. Theo anh K’Bẻo, trong khu vườn 500m2
bên nhà ở của mình, gia đình anh được nguồn vốn nhà nước hỗ trợ trồng hàng trăm
cây cà phê chè từ hơn 25 năm trước. Gia đình anh chăm sóc theo các biện pháp
thông thường, bón phân cân đối mỗi năm 2 đợt vào tháng 4 và tháng 10, làm sạch
cỏ, đắp bồn gốc cây bằng cuốc, xẻng; tưới bằng nước trời mưa hàng năm...Trong
niên vụ 2018- 2019 vừa qua, gia đình anh K’Bẻo thu hái trong 3 cây cà phê
Arabica giống Bourbon trong vườn đều đậu trái chín căng tròn, màu nâu đỏ, bóc vỏ
tỏa ra mùi hương thơm đặc trưng. Đem các hạt nhân cà phê Arabica này bán cho cơ
sở chế biến K’HO Coffee bên cạnh nhà, kết quả tiếp tục xác định chất lượng khác
biệt, nên đã thu mua với giá gấp đôi giá hạt nhân cà phê Arabica thông thường. Và giữa tháng 02/2019, tất
cả 3 cây cà phê Arabica này của anh K’Bẻo xác định là giống cà phê Bourbon, được
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng công nhận thuộc giống cây cà
phê đầu dòng.
Đối diện với khu vườn cà phê Arabica của anh K’Bẻo ở Bờ Nơ C,
thị trấn Lạc Dương nói trên còn có khu vườn của anh Na Sê rộng 2.000m2,
trong đó có 1 cây cà phê chè Bourbon cũng vừa được Sở Nông nghiệp và phát triển
nông thôn công nhận và cây đầu dòng. Na Sê cho biết, trong năm vừa qua, hộ gia
đình anh đã chọn cây Bourbon này để ươm hạt nhân giống gần 100 cây con trồng mới
thay thế số cây già cỗi trong vườn. Tương tự cũng từ 3 cây cà phê đặc sản
Bourbon của mình, hộ anh K’Bẻo cũng đã gieo ươm trồng mới thành công 500 cây giống
trên diện tích đất vườn tại khu vực Lán Tranh, xã Đưng K’Nớ, thuộc cùng địa bàn
huyện Lạc Dương.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, trong 14
cây cà phê chè vừa được công nhận cây đầu dòng gồm 5 cây cà phê Bourbon và
Typica ở thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương; 9 cây còn lại thuộc giống Typia
đang chăm sóc ở xã Trạm Hành, thành phố Đà Lạt. Đây là nguồn giống cà phê chè đặc
sản chất lượng cao, mở ra triển vọng nhân giống tái canh tăng năng suất và chất
lượng sản phẩm trên vùng độ cao trên dưới 1.500m gắn thương hiệu “Đà Lạt- kết
tinh kỳ diệu từ đất lành”./.
THÁNG 3/2019