Thứ Ba, 5 tháng 3, 2019

Nâng cao giá trị gia tăng ở ngành nông nghiệp


VĂN VIỆT
Từ nay đến hết năm 2019, ngành nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục triển khai các nhóm giải pháp đồng bộ, thiết thực và hiệu quả, nhằm nâng cao giá trị gia tăng theo chủ đề hành động "xây dựng nền nông nghiệp thông minh, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới…"

Chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả
Theo Sở Nông nghiệp &PTNT Lâm Đồng, giải pháp trọng tâm đến hết năm 2019 của toàn ngành nông nghiệp Lâm Đồng là điều chỉnh lại cơ cấu cây trồng để tăng giá trị sản xuất khoảng 5,2%, đạt giá trị thu nhập bình quân 180 triệu đồng/ha/năm. Bởi vậy, toàn ngành đặt mục tiêu chuyển đổi 1.600ha đất trồng cây điều kém hiệu quả cùng 550ha lúa một vụ để chuyển sang các cây trồng khác phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khả năng tưới tiêu, mang về năng suất và hiệu qảu kinh tế cao hơn. Cụ thể với cây lúa ở địa bàn các huyện Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên tiếp tục được rà soát, giữ lại diện tích lúa đặc sản, lúa chất lượng cao, đồng thời chuyển những diện tích lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng rau, hoa, dâu tằm…Tương tự với cây điều tập trung chủ yếu ở các vùng nông nghiệp phía Nam Lâm Đồng được tiếp tục thâm canh những diện tích có khả năng tăng năng suất hơn 9 tạ/ha. Diện tích cây điều hiện sinh trưởng đang địa hình đất dốc, không đảm bảo các điều kiện các điều kiện chăm sóc cần thiết, phải chuyển sang trồng các loại cây ăn quả, cây dứa và các loại cây lâm nghiệp khác. Riêng cây cà phê tiếp tục tái canh khoảng 7.000ha già cỗi, phấn đấu đạt năng suất trung bình hơn 33 tạ/ha trong niên vụ 2019- 2020. Hoặc cây chè duy trì khoảng 12.400ha để tập trung áp dụng công nghệ cao trong sản xuất giống, chăm sóc đạt chất lượng sản phẩm hơn 15 tấn/ha/năm.
Đặc biệt, ngành nông nghiệp Lâm Đồng thông qua chỉ tiêu đạt được đến cuối năm 2019 đối với 2 loại cây trồng chủ lực rau, hoa trên địa bàn lần lượt diện tích và năng suất là 67.440ha với 2,4 triệu tấn và 8.890ha với gần 3,4 tỷ cành. Và giải pháp trọng tâm nhằm đạt được các chỉ tiêu này là “ Tiếp tục  ứng dụng công nghệ cao vào phát triển sản xuất, trong đó chú trọng hỗ trợ sử dụng các giống rau, hoa chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về bản quyền. Từng bước định hướng, quy hoạch lại hệ thống phục vụ sản xuất, bảo vệ cảnh quan môi trường…” Ngoài ra theo cơ cấu cây trồng được điều chỉnh đến cuối năm 2019, cây ăn quả, cây dâu tằm và cây dược liệu các loại đều tăng diện tích và năng suất trên cơ sở chuyển đổi từ diện tích cây trồng kém hiệu quả như nêu trên. Đó là tăng diện tích cây ăn quả lên 17.300ha, trong đó hình thành những vùng sản xuất sầu riêng, bơ chất lượng cao ở Bảo Lộc, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên; ổn định diện tích cây hồng đặc sản ở Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương. Hoặc cây dâu tằm phát triển lên 6.800ha, tập trung ở các khu vực đất bãi bồi ven sống, suối, chiếm khoảng 80% tổng diện tích sản xuất các giống dâu lai đạt năng suất và chất lượng cao. Và cây dược liệu mở rộng diện tích lên 455ha, đạt sản lượng 12.800 tấn, chủ yếu trồng luân canh, xen vụ với các loại cây trồng khác.
Gắn với ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất
“Gắn chuyển đổi cơ cấu cây trồng với phát triển, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất phù hợp, nhằm cải thiện chất lượng và nâng cao sức cạnh tranh theo chuỗi giá trị sản phẩm. Phấn đấu trong năm 2019, diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao toàn tỉnh Lâm Đồng đạt 56.900ha, tăng 2.400ha so với năm 2018. Riêng diện tích đạt tiêu chí cấp chứng nhận hữu cơ khoảng 300ha. Và có ít nhất 40 cơ sở, doanh nghiệp trong tỉnh Lâm Đồng ứng dụng công nghệ IoT trong sản xuất khoảng 200ha cây trồng các loại…”, Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng cho biết thêm.
Cùng với đó, những giải pháp trọng tâm tiếp tục được ngành nông nghiệp Lâm Đồng phối hợp với các ngành chức năng khác ở địa phương để xây dựng, thành lập mới 53 hợp tác xã, 33 tổ hợp tác, nâng lên tổng số đơn vị hợp tác xã và tổ hợp tác lần lượt là 280 và 303. Trong đó đạt 30- 35% đơn vị hoạt động khá và giỏi, thu nhập bình quân của người lao động ở đây tăng thêm 10% so với năm 2018. Đặc biệt số lượng đơn vị kinh tế hợp tác này cùng với các lực lượng doanh nghiệp làm nòng cốt để hình thành mới khoảng 20 chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản từ nay đến cuối năm 2019. Từ đó góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người năm 2019 ở nông thôn Lâm Đồng đạt từ 64- 65 triệu đồng; giảm nghèo với tỷ lệ chung từ 1,5% đến 2%, riêng tỷ lệ vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo từ 2- 3%. /.
THÁNG 3/2019