Thứ Tư, 14 tháng 11, 2018

Thương hiệu nông sản Đà Lạt - gắn phát triển với bảo hộ


VĂN VIỆT
Để nâng cao uy tín, hiệu quả thương hiệu nông sản Đà Lạt trên thương trường trong và ngoài nước, các cơ quan quản lý nhà nước địa phương đã và đang triển khai các giải pháp trọng tâm, đồng bộ, đạt mục tiêu gắn phát triển với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của mình.

Hàng năm tổ chức từ 3- 4 chương trình kết nối giao thương
Trong thời gian gần đây, việc bổ sung, điều chỉnh quy chế Chợ Nông sản Đà Lạt không được phép lưu trữ, kinh doanh các mặt hàng nông sản có xuất xứ ngoài địa phương Đà Lạt và các huyện phụ cận đã thu hút sự quan tâm của các cơ quan truyền thông trong nước. Đây là biện pháp nhằm bảo vệ giá trị và uy tín thương hiệu nông sản Đà Lạt, kết quả sau 2 tháng triển khai, tình trạng lưu trữ, kinh doanh, rửa trộn đất đỏ Đà Lạt trên mặt hàng khoai tây nhập từ nơi khác về đã khắc phục, các hộ tiểu thương kinh doanh nông sản nhập nội ở đây cơ bản thực hiện đầy đủ cam kết của mình.
Trước đó, trong nhiều năm liên tục, chính quyền thành phố Đà Lạt thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan áp dụng hàng loạt biện pháp hành chính để bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt như: kiểm tra, kiểm soát hóa đơn chứng từ, kiểm dịch thực vật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nhãn mác hàng hóa…đối với nông sản các loại nhập về Đà Lạt; qua đó xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
“Gắn với bảo hộ, hậu kiểm và quản lý khi lưu thông trên thương trường là công tác phát triển thương hiệu nông sản Đà Lạt vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh của địa phương. Bởi vậy, hàng năm, UBND thành phố Đà Lạt phối hợp các ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng tổ chức từ 3- 4 chương trình kết nối giao thương, xúc tiến thương mại tại các thị trường trong nước như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Khánh Hòa…Ngoài ra còn tiến hành đăng ký bảo hộ thương hiệu nông sản Đà Lạt tại một vài thị trường tiềm năng ở nước ngoài… ”, Phòng Kinh tế Đà Lạt cho biết.
7 giải pháp cho thương hiệu “Đà Lạt- Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”
Nhìn lại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận độc quyền nhãn hiệu rau Đà Lạt gần 10 năm và nhãn hiệu hoa Đà Lạt hơn 8 năm, UBND thành phố Đà Lạt đã cấp quyền sử dụng cho gần 445 đơn vị sản xuất trên diện tích 1.000ha rau và hoa trên địa bàn Đà Lạt và các huyện phụ cận. Kết quả các HTX Anh Đào, Xuân Hương, Tân Tiến, Công ty Đà Lạt GAP…đã gắn nhãn hiệu độc quyền “Rau Đà Lạt” trên sản phẩm thu hoạch, cung cấp cho hệ thống siêu thị, nhà hàng, khu công nghiệp đứng chân trong đô thị lớn cả nước, đạt tổng sản lượng bình quân 100 tấn/ngày.  So với trước khi cấp nhãn hiệu độc quyền “Rau Đà Lạt”, doanh thu sản xuất từ các đơn vị này tăng khoảng 30% sản lượng và 15% giá trị. Cụ thể giá trị bình quân trên 1ha đất sản xuất rau, hoa cao cấp gắn nhãn hiệu chứng nhận độc quyền địa danh Đà Lạt trong những năm gần đây đạt từ 700 triệu đồng/ha rau/năm và 850 triệu đồng/ha hoa/năm.
Đến cuối năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tiếp tục cấp Chứng nhận bảo hộ thương hiệu “Đà Lạt- Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho sản phẩm rau, hoa, cà phê và du lịch canh nông. Qua hơn một năm thực hiện chức năng quản lý nhà nước, UBND thành phố Đà Lạt đã cấp Giấy Chứng nhận sử dụng nhãn hiệu “Đà Lạt- Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho 57 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm hoa và 14 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các loại rau trên địa bàn Đà Lạt và các vùng phụ cận
Để tiếp tục nâng cao giá trị thương hiệu “Đà Lạt- Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” từ nay đến năm 2020, chính quyền thành phố Đà Lạt đã và đang triển khai giải pháp xúc tiến thương mại, tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ rau, hoa, cà phê Arabica thông qua các kênh bán lẻ hiện đại, hệ thống siêu thị trong nước và xuất khẩu. Riêng sản phẩm “du lịch canh nông”, chính quyền Đà Lạt mở rộng các tour lữ hành, đưa đón, hướng dẫn khách tham quan, trải nghiệm kết hợp quảng bá sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao Đà Lạt.
Bên cạnh đó, chính quyền thành phố Đà Lạt triển khai 7 giải pháp phát triển thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” gắn với việc quản lý, bảo hộ độc quyền. Đó là: lựa chọn doanh nghiệp tiêu biểu để hỗ trợ; tổ chức trưng bày; hậu kiểm sản phẩm sử dụng nhãn hiệu; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại thị trường tiềm năng; xây dựng mối quan hệ thân thiện với người tiêu dùng; hình thành các mô hình sản xuất liên kết; tăng cường hợp tác quốc tế trong sản xuất và phân phối nông sản.
tháng 11/2018