Thứ Hai, 20 tháng 8, 2018

“Hai đàn bò” với bước chuyển tích cực


VĂN VIỆT
“Hai đàn bò” thịt, bò sữa Lâm Đồng tiếp tục chuyển dịch cơ cấu theo quy mô tập trung, phù hợp với nhu cầu thị trường tiêu thụ. Nhiều mô hình chăn nuôi theo kỹ thuật mới đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đang khuyến khích mở rộng trên địa bàn.

Bò thịt, bò sữa đều tăng đàn
Thống kê của Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho biết, tổng đàn bò sữa toàn tỉnh Lâm Đồng đến nay đạt khoảng 20.000 con, tăng hơn 17% so với 3 năm trước, chủ yếu tăng đàn tự nhiên. Số lượng bò sữa nhiều nhất tập trung ở huyện Đơn Dương (gần 12.500 con); tiếp theo ở thành phố Bảo Lộc (gần 1.700 con); còn lại ở huyện Đức Trọng (4.500 con) và huyện Lâm Hà (1.000 con). Bình quân năng suất 20 lít sữa tươi/con/ngày (khoảng 6.000 lít/chu kỳ/con), tổng sản lượng sữa tươi ước đạt 200 tấn/ngày, tăng 25% so với năm 2015.
Và tổng đàn bò thịt trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng đạt hơn 87.000 con. Trong đó, phát triển khá hiệu quả ở các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Cát Tiên, Đạ Tẻh, mỗi huyện chăn nuôi từ 8.550 con đến 16.480 con. Còn lại 3 huyện Lâm Hà, Di Linh, Đạ Huoai chăn nuôi từ 4.450 con đến gần 7.400con. So với 2015, tổng đàn bò thịt tăng gần 38%, đàn bò lai tăng 7%. “Thông qua các chương trình, dự án lồng ghép từ nhiều nguồn vốn hỗ trợ khác nhau, bò thịt nuôi tại tỉnh Lâm Đồng đang phát triển gồm các giống lai Sind, Kobe (Wagyu), BBB, Brahman, Droughmaster, Red Angus và bò vàng địa phương. Đây là các nguồn gien để lai tạo, tăng nhanh số lượng và chất lượng đàn bò thịt cao sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới…”, Sở NN&PTNT Lâm Đồng đánh giá.
Riêng 2 năm triển khai đề án phát triển đàn bò thịt cao sản vừa qua, tỉnh Lâm Đồng còn đạt những kết quả tích cực như: xây dựng 10 mô hình chăn nuôi bò thịt cao sản (10 con bò cái lai/mô hình) giống Red Angus và BBB trên địa bàn 07 huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên. Đến nay, đã sinh sản 50 con bê lai cao sản; số bò cái còn lại hầu hết đang mang thai. Đồng thời hỗ trợ cho 52 hộ nghèo và cận nghèo ở các huyện Đam Rông, Lâm Hà, Đức Trọng và Cát Tiên chăn nuôi 52 con bò cái Zêbu, hiện đã có 30 con bò cái sinh sản và 22 bò cái đang mang thai.
Tương tự với đàn bò sữa sau 2 năm tập trung triển khai đề án trên địa bàn Lâm Đồng đã xây dựng 05 mô hình cơ giới hóa chăn nuôi bò sữa tại các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Di Linh và thành phố Bảo Lộc. Đó là hỗ trợ các hệ thống máy trộn thức ăn, máy liên hợp phục vụ trồng, chế biến thức ăn thô xanh cho các hộ chăn nuôi từ 20 bò sữa trở lên....
Chăn nuôi theo quy mô tập trung
Cũng theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, toàn tỉnh Lâm Đồng có 05 doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa quy mô tổng đàn hơn 3.800 con. Bên cạnh đó có gần 1.300 hộ gia đình chăn nuôi có quy mô trên 10 con bò sữa/hộ và vẫn đang tiếp tục đầu tư tăng đàn. Hiện nay 3 đơn vị thu mua sữa tươi và chế biến tiêu thụ với 14 trạm hoạt động ổn định trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Trong đó doanh nghiệp ký hợp đồng trực tiếp với từng hộ chăn nuôi hoặc hợp đồng thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác, đạt  tổng sản lượng thu mua sữa khoảng 70% ở Công ty Vinamilk (08 trạm); 15% ở Công ty Sữa cô gái Hà Lan (03 trạm);  10% ở Công ty Dalatmilk (03 trạm) và 5% còn lại tiêu thụ tự do tại địa phương.
Về chăn nuôi bò thịt ở Lâm Đồng “đang chuyển dần từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang tận dụng trồng cỏ chăn nuôi thâm canh với quy mô từ 5-10 con/hộ đang chiếm tỷ lệ khá lớn trong kinh tế hộ gia đình ở địa phương. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều hộ chăn nuôi đã áp dụng quy trình kỹ thuật vỗ béo bò thịt trước khi xuất bán nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cạnh tranh trên thị trường…”, báo cáo của ngành nông nghiệp Lâm Đồng nhận định.
Phát huy những kết quả nêu trên, dự kiến đến năm 2020, Lâm Đồng tăng tổng đàn bò sữa lên khoảng 23.000 - 25.000 con (tổng sản lượng sữa khoảng 90.000 - 100.000 tấn/năm). Đồng thời phát triển bò thịt cao sản với quy mô tổng đàn trên 100.000 con (sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng trên 10.000 tấn), trong đó nâng số lượng bò lai cao sản lên 30.000 - 35.000 con, tập trung cho các giống Red Angus, Droughmaster, BBB, Brahman…
Để đạt mục tiêu tăng số lượng “hai đàn bò” đến năm 2020, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục triển khai các chính sách khuyến khính doanh nghiệp đầu tư mở rộng trạm thu mua sữa tươi, xây dựng nhà máy chế biến tại các địa phương. Mặt khác, doanh nghiệp cần chủ động liên kết với hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại và hộ gia đình trên địa bàn để triển khai các giải pháp kỹ thuật chăn nuôi mới nhằm tăng cao hơn nữa trọng lượng và chất lượng thịt bò trước khi xuất bán cạnh tranh trên thị trường./.
THÁNG 8/2018