Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2018

Đưa rau Đà Lạt sang xứ Hàn


VĂN VIỆT
Với quy trình canh tác thủy canh chuyển đổi công nghệ hiện đại, Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc đã trở thành đối tác tin cậy của doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng, của các doanh nghiệp nước ngoài nói chung trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nhiều  loại xà lách cao cấp gắn nhãn hiệu “Rau Đà Lạt”.

Nghiêm ngặt chất lượng rau VietGAP Đà Lạt
Một ngày tháng 3 năm 2018, tôi đến Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc trên đường Nguyên Tử Lực, Đà Lạt khi nhận tin chuyến hàng 4.500kg xà lách vừa đến thị trường Hàn Quốc sau gần 10 ngày vận chuyển bằng đường biển. Anh Tô Quang Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc cho hay, chuyến hàng này thực hiện theo hợp đồng đã ký kết hơn 2 tháng trước. Cụ thể, bên tiêu thụ  (bên A, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Myoung Sung, Hải Phòng), bên sản xuất (bên B, Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc, Đà Lạt). Hai bên thống nhất các điều khoản chính trong hợp đồng như: Bên A đặt hàng bên B sản xuất xà lách đạt tiêu chuẩn VietGAP xuất khẩu sang Hàn Quốc. Giao nhận hàng tại kho sơ chế và đóng gói ở Đà Lạt, giá mỗi ký xà lách 33.000 đồng. Bên B đặt tiền cọc 40%  giá trị hàng hóa cho bên A. Còn lại 60%, bên B thanh toán trong ngày xuất hàng.
Theo Giám đốc Tô Quang Dũng, để triển khai hoàn thành các điều khoản cơ bản trong hợp đồng vừa nêu, Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc phải chủ động tuân thủ nhiều quy trình sản xuất thực nghiệm, kiểm nghiệm mẫu sản phẩm, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch, kiểm dịch thực vật…khá nghiêm ngặt theo các tiêu chuẩn chất lượng quy định. Trước hết về yêu cầu cơ sở vật chất “Trường Phúc” đáp ứng ngay từ đầu với 1.700m2/6.000m2 diện tích hệ thống thủy canh hồi lưu nhà kính theo công nghệ châu Âu, được thực hành theo tiêu chuẩn VietGAP; nguồn giống xà lách đưa vào sản xuất có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhập khẩu về từ Hà Lan. “Để đi vào ký kết chính thức hợp đồng sản xuất và tiêu thụ các loại xà lách cao cấp, phía Hàn Quốc đã cử đoàn cán bộ kỹ thuật qua khảo sát trang trại Trường Phúc, lấy mẫu đất, mẫu nước và mẫu sản phẩm rau thử nghiệm đưa về các trung tâm khoa học của 2 nước Việt Nam và Hàn Quốc để phân tích các tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Sau khi có kết quả an toàn, Trường Phúc mới tiến hành các công đoạn từ xuống giống sản xuất cho đến khi thu hoạch, sơ chế, đóng gói đều được sự giám sát thường xuyên, chặt chẽ của phía đối tác Hàn Quốc... ”, Giám đốc Dũng cho biết.
Tiềm năng thị trường mùa Đông xứ Hàn
Mùa đông trên xứ kim chi Hàn Quốc thường kéo dài từ tháng 1 đến tháng 3, thời tiết lạnh giá có thể xuống thấp đến âm độ, nhiều vùng nông nghiệp thường bất lợi cho việc sản xuất các loại rau xanh. Trong khi thời điểm này ở Đà Lạt và các vùng phụ cận với thời tiết dịu mát, ít mưa, nên rất thuận lợi để mở rộng diện tích trồng rau nhà kính đạt năng suất và chất lượng cao. Nắm bắt cơ hội cầu vượt cung ở xứ Hàn, trang trại Trường Phúc đã năng động tìm kiếm, kết nối đối tác xuất khẩu các loại rau xà lách thủy canh Đà Lạt 4 chuyến hàng đầu tiên trong đầu năm 2017, gồm 3 chuyến bằng đường hàng không và 1 chuyến bằng đường biển. Khối lượng hàng xuất khẩu chuyến ít nhất là 550kg, chuyến nhiều nhất là 5.000kg. Uy tín được tạo dựng nhanh chóng, đến tháng 3 năm 2018, Trường Phúc tiếp tục triển khai thành công hợp đồng xuất khẩu chuyến rau xà lách mới với 4.500kg như trên. Hạch toán trừ mọi chi phí đầu tư sản xuất, bảo quản sau khu hoạch, vận chuyển và các loại phí kiểm dịch thực vật, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm…, tính trung bình mỗi chuyến hàng rau xà lách Đà Lạt xuất khẩu sang Hàn Quốc mang về  khoản lãi cho Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc từ 30- 35% trên doanh thu, cao hơn 10- 15% so với tiêu thụ trong nước.
Hiện tại một vài đối tác Singapore đang tiếp xúc, đặt vấn đề thu mua các loại xà lách thủy canh của Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc, hy vọng từ nay đến cuối năm 2018 sẽ có thêm các hợp đồng xuất khẩu rau Đà Lạt mới được triển khai. Lúc đó, Trường Phúc cần hợp tác nhiều hộ nông sản xuất theo chuỗi liên kết mới đủ khối lượng hàng cung ứng theo hợp đồng. Nhân cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu rau Đà Lạt của mình đang phát triển khả quan, Giám đốc Tô Quang Dũng đề xuất ngành nông nghiệp Lâm Đồng sớm đầu tư hệ thống máy lạnh công nghệ mới để hạ nhiệt rau bảo quản sau thu hoạch, nhằm rút ngắn thời gian từ 20 giờ đồng sơ chế trong kho lạnh hiện nay xuống còn khoảng 2 giờ đồng hồ, từ đó giúp doanh nghiệp và hộ nông dân giảm giá thành và tăng năng lực cạnh tranh sản phẩm các loại rau Đà Lạt trên thị trường quốc tế./.THÁNG 3/2018