Thứ Ba, 6 tháng 3, 2018

Mùa hoa bơ hy vọng


VĂN VIỆT
Nhà nông Hoàng Văn Túc ở xã Tà Nung, Đà Lạt đang đón mùa hoa bơ năm 2018 ngày ngày phủ trắng trên 2ha diện tích xen canh cà phê, hy vọng những mùa thu hoạch mới tăng nhanh doanh thu, góp phần chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho nhiều nông hộ khác ở trong và ngoài địa phương.

Khi bơ cổ thụ ra…hoa bói
Định cư trên thôn 4, xã Tà Nung, Đà Lạt gần 30 năm, nhà nông Hoàng Văn Túc đã tự tìm tòi nghiên cứu, ghép cải tạo, ươm ghép hàng trăm cây bơ các loại giống mới và hàng chục cây bơ cổ thụ từ hơn 30 năm tuổi, cùng sinh trưởng xen canh trên tổng diện tích cà phê khoảng 2ha. Tuy nhiên, theo thời gian phát triển của kỹ thuật nhân trồng các loại giống bơ mới đạt năng suất và giá trị kinh tế cao, những giống bơ truyền thống dần dần thu hẹp thị phần và giá cả hạ xuống thấp theo quy luật cạnh tranh cung- cầu. Hạch toán trên diện tích 2ha bơ ghép xen canh cà phê, trước đây khoảng 5 năm, hộ gia đình ông Túc đạt tổng lợi tức từ 700- 800 triệu đồng/năm. Nhưng con số này, 5 năm về sau giảm xuống còn 400- 500 triệu đồng; và đang có chiều hướng giảm sâu trong những năm tới, nếu vẫn duy trì diện tích chuyên canh với giống bơ cũ.
 “Để ổn định diện tích cây bơ thì không còn cách nào khác là phải mở rộng ghép cải tạo mầm chồi giống mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu. Bởi vậy, hộ gia đình chúng tôi đã chủ động khảo sát nhiều vùng chuyên canh bơ trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng để tuyển chọn mua về nhiều loại cây ghép, mầm chồi đầu dòng đạt chất lượng và giá trị kinh tế cao nhất để tái canh lần lượt trong diện tích bơ xen canh 2ha cà phê của mình ở xã Tà Nung, Đà Lạt…”, nhà nông Hoàng Văn Túc chia sẻ.
Dẫn tôi đến bên cây bơ cổ thụ đang trổ hoa bói, đậu trái bằng đầu đũa từng chùm trên cành, ông Túc cho biết đây là cây bơ hơn 30 năm tuổi, được ghép 200 mầm chồi giống bơ 034 bản quyền ở Lâm Đồng vào tháng 05/2017. Với cách chăm sóc tự chọn lọc kinh nghiệm trên diện tích đất của mình, ông Túc dự kiến đến tháng 5/2018 cây bơ ghép giống 034 này bước vào mùa vụ thu hoạch đầu tiên với khoảng 100kg, nhân với giá thị trường 150.000 đồng/kg, thành tổng doanh thu 15 triệu đồng. Thu hoạch từ năm thứ 4 trở đi, sản lượng và doanh thu cây bơ ghép cổ thụ tăng lên từ 3- 4 lần. So sánh với doanh thu cây bơ sáp cổ thụ giống địa phương Đà Lạt trước khi ghép cải tạo thì doanh thu mới sẽ nhân lên đến gấp 10 lần.
 Đi thêm vài chục mét ở phần vườn đối diện, phóng viên được tiếp xúc một cây bơ cổ thụ của ông Túc ghép với chồi giống bơ cao cấp của Mỹ, chen chúc những trái bói phát triển mỗi ngày, hứa hẹn bội thu ngay vụ mùa đầu trong vài tháng tới. Mùa bơ năm ngoái, giống bơ Mỹ bán bằng giá giống bơ 034 của Lâm Đồng, dự báo thị trường còn giữ mức giá cao trong thời gian dài, bởi sản lượng chỉ mới đáp ứng một phần năng lực thu mua của các thương lái và nhu cầu sử dụng của khách hàng địa phương cũng như khách hàng du lịch.
Cộng lại vào mùa bơ năm 2018, nhà nông Hoàng Văn Túc thu trái bói khoảng 25 cây bơ cổ thụ ghép mầm chồi giống bơ 034 của Lâm Đồng và các giống bơ cao cấp của Mỹ trên đất Tà Nung, Đà Lạt. Nếu đạt sản lượng năm đầu 100kg/cây, ông Túc thu về “đầu tay” tổng sản phẩm bơ cổ thụ ghép khoảng gần 400 triệu đồng.   
Bơ “thuần hóa” trên đất Đà Lạt
Bên cạnh ghép cải tạo những giống bơ mới nêu trên, nhà nông Hoàng Văn Túc còn giữ lại “nguyên bản” ít nhất 5 cây bơ cổ thụ, giống ngoại nhập được “thuần hóa” trên đất Tà Nung, Đà Lạt trên dưới 30 năm tuổi. Đây là loại bơ sáp cho trái cả chính vụ và trái vụ trong năm, khách du lịch trong và ngoài nước rất thích thưởng thức tại chỗ, sau đó mua về làm quà đặc sản. “Trong tháng 10 và tháng 11/2017 vừa qua, mỗi cây bơ cổ thụ thu hoạch trái vụ từ 300- 400kg, bán giá trung bình 50.000 đồng/kg, thu về 15- 20 triệu đồng… ”, ông Túc nói.
Với mục đích bảo tồn và phát triển cân đối nguồn gien bơ truyền thống của Đà Lạt đã “thuần hóa” nói trên, trong một năm vừa qua, ông Túc đã chọn hạt mầm chất lượng cao để ươm thành hàng trăm cây con rồi ghép với mầm chồi của chính cây bơ cổ thụ, cho ra một thế hệ bơ mới “non trẻ”, sạch bệnh và hứa hẹn lập đỉnh năng suất mới cho những mùa sau. Triển vọng sau 3 năm tới, khu vườn cà phê 2 ha của nhà nông Hoàng Văn Túc ở xã Tà Nung, Đà Lạt hàng năm vừa được che bóng chắn gió, vừa cho những mùa hoa trắng sữa thụ phấn, đậu trái thơm ngon đặc biệt phục vụ người tiêu dùng, mang lại giá trị kinh tế ngày càng cao hơn. Có thể xem đây là một mô hình khảo nghiệm thành công mới để nông dân quanh vùng tham quan, trao đổi và áp dụng phù hợp với điều kiện đất đai hiện có của mỗi hộ gia đình./.
THÁNG 3/2018