VĂN
VIỆT
Trong
dòng người du xuân tâm linh ở vùng đất kinh thành Đồ Bàn xưa, tôi trở lại khu
di tích kiến trúc chùa Thập Tháp hơn ba thế kỷ, thong dong giữa một vùng sơn thủy
hữu tình...
Vùng
đất kinh thành Đồ Bàn quê tôi trước đây nằm trên địa giới huyện An Nhơn, nay là
thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Từ huyện quê lên thị xã với tốc độ đô thị hóa
nhà cao tầng, biệt thự, đường giao thông và các cơ sở hạ tầng khác ở khu dân
cư, nhưng An Nhơn vẫn luôn đặc biệt chú trọng bảo tồn những công trình giá trị
kiến trúc xưa bên cạnh việc tôn tạo, mở rộng công trình kiến trúc mới. Vào mùa
xuân hàng năm nói riêng, bốn mùa quanh năm nói chung, những ngôi chùa cổ kính thu hút ngày càng nhiều khách du lịch khắp nơi
đến ngoạn cảnh, ngưỡng vọng. Trong đó tiêu biểu như di tích kiến trúc chùa Thập
Tháp, tọa lạc địa phận phường Nhơn Thành của thị xã An Nhơn này.
“
Chùa Thập Tháp, Di tích kiến trúc nghệ thuật thế kỷ 19 được Bộ Văn hóa công nhận
xếp hạng Di tích Quốc gia, ngày 01/01/1990. Cấm mọi hành vi xâm phạm Di tích.”,
tấm bia đá dựng ngay đầu đường vào khu di tích chùa Thập Tháp nhắc nhớ mọi người
nâng cao ý thức bảo vệ công trình kiến trúc nghệ thuật đã trải qua hơn 3 thế kỷ
thăng trầm của lịch sử. Trước khi bước vào cổng chùa vãng cảnh xuân, du khách
thường dừng lại bên hồ sen rộng 500m2 chụp hình lưu niệm, đón nhận làn
hơi nước mát rượi, cầu mong một năm mới an bình viên mãn. Một khách xuân là người
sinh ra lớn lên và định cư trên đất Đồ Bàn An Nhơn, Bình Định cho biết, hồ sen
vào xuân đâm chồi nẩy lộc, phát triển mới những phiến lá xanh nổi dập dềnh trên
mặt hồ. Đợi đến hè sang, sen nở bung những đài hoa màu hồng, trắng, xanh, hương
thơm thuần khiết lan tỏa khắp không gian rộng lớn của ngôi chùa.
Du
xuân vào chùa Thập Tháp qua cánh cổng bề thế bên hồ sen, du khách nhìn về hướng
đông thu vào tầm mắt dãy núi Thiên Đỉnh Sơn nhấp nhô phía chân trời. Hướng tây
là một nhánh sông Kôn Bình Định bình yên chảy xuôi về biển. Hướng Nam hiện lên
bầu trời ngọn tháp Cánh Tiên và đến gần đó chạm tay vào những bức thông điệp thời
gian từ mảnh ghép thành quách, đền đài, phù điêu…của thành Đồ Bàn “phát lộ” từ
lòng đất trầm tích.
“Trải qua lịch sử hơn 300 năm với 15 vị hòa
thượng thuộc 9 đời trụ trì, chùa Thập Tháp đã trở thành một công trình kiến
trúc Phật giáo có quy mô bề thế. Chùa được xây dựng trên một khu đất hình mai
rùa có chu vi gần 1 km. Chùa được bao quanh bằng lớp tường mới xây dựng lại.
Tam Quan với hai trụ cao và to, trên đỉnh đắp tượng sư tử, hai mặt trong ngoài
có đề đôi câu đối. Chùa Thập Tháp có kiến trúc kiểu chữ Khẩu, bao gồm 4 khu vực
chính: Khu chính điện có diện tích khoảng 400m2, khu phương trượng
khoảng 130m2, khu tây đường khoảng 120m2, và khu đông đường
khoảng 150m2, được nối với nhau bằng một sân rộng có trồng nhiều cây
cảnh…”, một tài liệu cho biết.
Theo
đó, tên chùa Thập Tháp khai sinh từ năm 1683 do vị thiền sư đầu tiên là Nguyễn
Thiều dùng vật liệu gạch, đá của 10 ngôi tháp Chàm ngã đổ tự nhiên để xây dựng
tại chỗ. Những vị thiền sư kế tục sau đó tu bổ thành một quần thể kiến trúc
hoàn chỉnh vào đầu thế kỷ 20. Xuân này bước vào những năm cuối của thập niên thứ
2 thuộc thế kỷ 21, bên những cội sứ vươn cành nở hoa trắng tinh là những hàng
mái ngói thâm nâu, lợp theo kiến trúc âm dương giao hòa. Trên đỉnh mái ngói được
chiêm ngưỡng hình viên ngọc châu khổng lồ đặt chính giữa song long đối diện.
Dâng
hương lễ Phật trước chánh điện chùa Thập Tháp, nguyện cầu an lạc năm mới, “du
khách tôi” thong thả dưới bóng xanh hàng tre, tùng dương, ngập đầy muôn sắc hoa
cúc, vạn thọ, mai vàng, mai tứ quý, thược dược…, ngồi nghỉ chân bên khu vườn 24
bảo tháp cổ kính nhiều tầng khác nhau, xây dựng trong các thời điểm của thế kỷ
19 và thế kỷ 20. Tất cả đã nhuộm màu thời gian phủ từng lớp rêu phong bụi đất
phù sa đồng bằng Nam Trung Bộ, đưa du khách tìm về miền quá khứ thấm đẫm chất
văn hóa đa dạng, nghệ thuật kiến trúc độc đáo để chiêm ngưỡng, khám phá và mãi
mãi trân trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị nguồn cội của mình…/.
AN NHƠN- DA LAT THÁNG 3/2018