Phóng sự VĂN VIỆT
Vợ tên Thiện, chồng tên Trường hơn hai
mươi năm rời ruộng lúa, với trình độ văn hóa chưa hết trung học cơ sở, nhờ “thuận
vợ thuận chồng” đã tự “chế biến” giống cà phê ghép tên Thiện Trường hiện diện nhiều
vùng cà phê trọng điểm của Lâm Đồng nói riêng, thâm nhập những thị trường tiềm
năng cây giống Tây Nguyên nói chung.
Đồi đá đỏ, địa chỉ xanh
Gần mười năm trước, anh Lê Chí Sỹ đón tôi ở phố Bảo
Lộc chạy mấy chục cây số đường đất cùng vào khu đồi đá đỏ, thuộc địa phận thôn
7, xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm tiếp cận không gian cà phê ghép bình tuyển tại
chỗ, chủ nhân là nhà nông Lưu Công Bình (sinh năm 1967), gốc gác làm ruộng lúa miền
Tây Nam Bộ.
Lúc này, anh Lê Chí Sỹ với vai trò Chủ tịch Hội Nông
dân xã Lộc Quảng dẫn “nhà báo tôi” về vườn ươm ghép cây cà phê “bản địa” quy mô
hộ gia đình của anh Lưu Công Bình nói trên, mong muốn góp thêm khuyến cáo chọn
giống tái canh cà phê cho nông dân địa phương.
Gặp nhà nông Phạm Văn Mạnh cùng thôn vườn ươm Lưu Công
Bình đến mua mắt ghép bổ sung trên vườn cà phê hơn 1,5ha của mình. Tôi phỏng
vấn nhanh: “Vì sao quyết định mua mắt ghép cà phê của nhà nông Lưu Công Bình ? ”
Ông Mạnh trả lời cũng khá nhanh : “Giống cà phê ghép của Lưu Công Bình ra hoa
thụ phấn tỷ lệ tương đối cao, ngay cả những lúc thời tiết mưa bất thường. Quá
trình sinh trưởng, cây cà phê tự do phát tán cành lá vừa đủ đề kháng các loại
bệnh rỉ sắt, mọt đục cành, rệp sáp…”
Để tăng độ xác thực, ông Mạnh mời tôi đến khu
vườn tận mắt ngắm nhìn những cây cà phê ghép giống Lưu Công Bình năng suất cao.
Chiếc xe máy chạy trên đường đá ong màu nâu đỏ lắc lư hồi lâu mới dừng lại giữa
rẻo đồi cà phê xanh mướt mát. Bấy giờ đã tháng 8 trong năm, vào mùa mưa cao điểm
trồng mới hoặc ghép cải tạo cà phê và là lúc cây cà phê kết tạo hạt nhân. Ông
Mạnh bảo tôi bước vào cụm cây cà phê gần nhất bên đường mòn dày cộm lớp đá ong
đỏ, tự tay nhấc lên những cành cây đeo kín trái xanh căng tròn rất thích mắt.
Ông Mạnh hào hứng: “ Vườn cà phê ghép giống Lưu Công Bình của gia đình tôi qua 2
năm thu bói đạt 4- 4,5tấn/ha. Dự báo thu hoạch vụ chính năm tới đạt từ 7,5 tấn
đến 8 tấn/ha…”
Tôi so sánh năng suất cây cà phê Lộc Quảng, Bảo Lâm
lúc đó trung bình hơn 2 tấn/ha. Nhưng từ những gốc cây cà phê giống cũ, sau 3
năm ghép mắt ghép của Lưu Công Bình đã cho năng suất lập đỉnh gấp 4 lần.
Thiện Trường
6 tấn/ha vừa quen vừa lạ.
Gần đến mười năm qua đi, trong những chuyến theo Đoàn
Công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát các nương đồi cà
phê Bảo Lộc, Bảo Lâm của tỉnh Lâm Đồng, tôi thường xuyên “mắt thấy tai nghe” những
mô hình ghép cải tạo cà phê giống Thiện Trường đạt năng suất đến 8 tấn/ha, cá
biệt diện tích đạt đến 9 tấn/ha. Rồi trên danh sách của Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn Lâm Đồng hiện lên hộ gia đình đại diện tham gia các lễ hội Ngày
Cà phê Việt Nam, Lễ hội Cà phê Buôn Mê Thuột…đều có tên Lưu Công Bình, đã thôi
thúc tôi vượt đường xa trở lại đồi đá đỏ.
Mười năm các cung đường chính từ đô thị Bảo Lộc vào đồi
đá đỏ huyện Bảo Lâm đều phủ mới chất liệu nhựa nóng. “Cứ dừng lại một vườn cà
phê bên đường Bảo Lộc- Bảo Lâm, hỏi vườn ươm cà phê Thiện Trường, người ta sẽ
chỉ dẫn đến nơi thuận tiện nhất….”- chủ vườn Lưu Công Bình “bật mí” với tôi.
Thì ra đến mốc thời gian tháng 4/2017, đa số nông dân
trồng cà phê ở vùng Bảo Lộc, Bảo Lâm đã gọi vườn ươm giống Thiện Trường thay
thế tên vườn ươm Lưu Công Bình như mười năm trước tôi vào đây. Cảnh cũ đồi đá
ong giờ vẫn nguyên vẹn, còn mật độ cây cà phê ghép Thiện Trường đã tôn tạo đậm nét
màu xanh trù phú, chỉ chừa các lối mòn cho xe tải nhỏ vận chuyển vật tư nông
nghiệp và sản phẩm cà phê thu hoạch.
Đang tất bật với kỹ thuật ghép cây cà phê Thiện Trường
cung cấp theo đặt hàng của nông dân trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng vào mùa mưa
2017, nên chủ nhân Lưu Công Bình bàn giao nhanh cho chị Nguyễn Thị Thiện, vợ
anh để giúp tôi kết nối với chủ nhân của những vườn cà phê cũ, năng suất mới. Như
vườn cà phê ghép giống Thiện Trường của ông Phạm Văn Mạnh ở thôn 7, xã Lộc
Quảng, Bảo Lâm, đã tăng năng suất thu hoạch niên vụ 2016- 2017 chạm mốc 8
tấn/ha, đúng với dự báo mười năm trước. Ông Mạnh phấn khởi : “ Mười năm qua,
tôi chuyển giao kỹ thuật ghép giống cà phê Thiện Trường cho con trai canh tác
3ha, vụ mùa vừa rồi thu được 7,5 tấn đến 8 tấn/ha, cao hơn 3,5- 4 lần thu hoạch
diện tích cà phê cũ, chưa ghép. Riêng tôi đã trồng mới thêm 1,5ha giống ghép
100% Thiện Trường, mùa vụ năm 2018 sẽ bắt đầu thu bói…”
Ở khu trung tâm xã Lộc Quảng, Bảo Lâm, tôi được trò
chuyện với anh Nguyễn Thế Hiển (sinh năm 1976), chủ Cửa hàng điện nước gia dụng
Diễm Hiển. Anh Hiển cởi mở: “ Bên cạnh kinh doanh hàng điện nước gia dụng, gia
đình tôi thâm canh cây cà phê ghép giống Thiện Trường hơn 1ha. Gần mười năm
ghép gốc cây cà phê vối giống cũ với mầm chồi cà phê Thiện Trường, có năm gặp
rủi ro thời tiết mưa nắng thất thường vẫn thu được 5- 6 tấn/ha. Mùa mưa năm
2016, gia đình tôi phả bỏ thêm 0,5ha diện tích cà phê già cỗi và đã trồng mới
100% giống cây cà phê ghép Thiện Trường… ”
Lại hỏi vì sao sử dụng giống cà phê Thiện Trường,
“Hiển điện nước” trao đổi kinh nghiệm: “ Đất Lộc Quảng nhiều đá ong, khi trồng
giống cà phê ghép Thiện Trường sinh trưởng khá đạt yêu cầu, ít xuất hiện sâu
bệnh. Từng chồi, lá và cành cây khép tán vừa đủ, không tốn nhiều công cắt cành,
tỉa tán, năng suất năm thứ 4 trở đi tăng dần từ 6 tấn đến 8 tấn/ha. Nếu có thêm
đất ở Lộc Quảng, Bảo Lâm, tôi cũng chọn giống cà phê ghép Thiện Trường để trồng
thuần mới, tăng thu nhập cho gia đình…”
Cách đồi đá đỏ khoảng bốn cây số, vườn cà phê của nhà
nông trẻ Trần Bảo Lộc (sinh năm 1990) ở thôn 5, xã Lộc Quảng, Bảo Lâm ghép
giống Thiện Trường làm điểm trên từng diện tích một, hai ngàn mét vuông mỗi
năm, từ đó bổ sung dần quy trình kỹ thuật thích ứng, đến nay đạt tổng diện tích
tái canh 1,8ha. Trần Bảo Lộc đánh giá: “Ưu điểm giống cà phê Thiện Trường đạt
năng suất 6 tấn/ha, kích thước trái to hơn các giống cà phê vối thông thường. Nhưng
cần lưu ý giống cà phê Thiện Trường với mật độ trồng thuần ổn định khoảng
1.200cây/ha, bón phân cân đối, phun thuốc phòng trừ đúng thời điểm các loại
bệnh nấm hồng, rệp sáp, rầy nâu, tuyến trùng…”
Hoặc cách vườn ươm Thiện Trường, xã Lộc Quảng khoảng
hai mươi cây số, “ông tám tấn” Lê Quang Linh (thu hoạch cà phê mỗi năm đạt 8
tấn/ha) ở xã Lộc Đức cùng huyện Bảo Lâm cho rằng: “Chăm sóc giống cà phê Thiện
Trường có thể đạt 9 tấn/ha nếu áp dụng kỹ thuật thả đọt tự nhiên gắn với các phương
pháp bón phân, tưới nước, theo dõi chặt chẽ bệnh hại phát sinh theo từng mùa khí
hậu…”
Thiện Trường
gắn liền “mắt ghép bánh tẻ”
Đến đầu giờ chiều tháng 4/2017, tôi vào trong vườn ươm
0,3ha trên đồi đá đỏ Lộc Quảng, Bảo Lâm qua hướng dẫn của chủ nhân Lưu Công
Bình (tên thường gọi là Trường). Chị Nguyễn Thị Thiện (sinh năm 1974), vợ anh Trường đã ra vườn sau
giờ cơm trưa quây quần khoảng 10 công nhân nam, nữ trong dây chuyền cắt ghép,
chăm sóc, xuất bán từng khay cây giống cà phê cho khách hàng.
“Bây giờ diện tích cà phê Thiện Trường ghép tên vợ
chồng chúng tôi tạo lập trên đồi đá ong được 5ha. Trong đó gồm 0,3ha vườn ươm
ghép và 0,2ha cây khai thác mắt ghép. Còn lại 4,5ha mỗi năm thu 6 tấn/ha trở
lên. Nhìn lại đã hơn 22 năm từ quê Hậu Giang lên sinh sống với cây cà phê đất
xã Lộc Quảng, Bảo Lâm này…”- anh Trường tâm sự. “ Chắc khó kể hết những vất vả,
thiếu thốn mà vợ chồng chúng tôi trải qua…”- chị Thiện đang cắm cúi cắt bỏ
những đọt chồi héo trong “ mắt ghép bánh tẻ”- tiếp lời kể của chồng.
Thực ra vợ chồng Thiện- Trường tần tảo nhiều năm làm
thuê cuốc cỏ, bón phân, tưới nước, cắt cành cà phê trên đất Bảo Lộc, Bảo Lâm
đầu những năm chín mươi của thế kỷ trước. Về sau gom góp và huy động một số vốn
mua mấy hecta đất trồng chè hạt trên đồi đá ong Lộc Quảng, Bảo Lâm khuất lấp giữa
um tùm cỏ tranh. Thể hiện quyết tâm vượt lên đói nghèo, Thiện- Trường chuyển
đổi cây chè hạt sang trồng cây cà phê vối đạt thu nhập khá hơn, nhưng mới chỉ
là kết quả hướng đến ban đầu.
Đầu những năm 2000, ngành nông nghiệp huyện Bảo Lâm
đưa mầm chồi cà phê vối cao sản từ các tỉnh Bắc Tây Nguyên về hướng dẫn nông
dân ghép vào gốc cà phê vối địa phương trên dưới 20 năm tuổi. Hộ gia đình
Thiện- Trường được ưu tiên cung cấp vài chục mầm chồi ghép mô hình. Chừng 3 năm
sau, những cây cà phê ghép sống sót với tỷ lệ không quá 20%, sinh trưởng tốt
nhất đã đạt năng suất lên 2- 2,5 tấn/ha. “Có những chồi ghép sau 15 ngày chuyển
nhanh màu xanh sang màu đen rồi héo rục. Đúng lúc này, phong trào thay thế cây chè
hạt sang cây chè cành địa phương bằng phương pháp giâm cành “mắt bánh tẻ” (mầm
chồi dưới mắt lá) mới vừa triển khai, khiến tôi liên hệ khả năng áp dụng cho
cây cà phê….”- Trường nhớ lại.
Ít ai nghĩ rằng, nhờ ý tưởng tự liên hệ “mắt bánh tẻ”
cây chè cành với cây cà phê vối trong vườn nhà, vợ chồng Thiện- Trường đã tạo
thành một “công dân cà phê mới” cạnh tranh hiệu quả cao trên thương trường cây
giống tái canh cà phê ở nhiều vùng cà phê Lâm Đồng và Tây Nguyên đầu những năm
2010 đến giờ.
Đạt kết quả sáng kiến khả quan, Trường luôn sẵn lòng trình
bày kỹ thuật ghép “mắt bánh tẻ” cây cà phê tâm huyết của mình: “ Trong những
khu vườn cà phê vối giống cũ tọa lạc xung quanh đồi đá đỏ Lộc Quảng, Bảo Lâm, tôi
chọn “mắt bánh tẻ” của cây đạt năng suất cao nhất ghép với gốc cây khỏe mạnh
nhất. Chăm sóc 3 năm sau thu hoạch chính vụ, tôi tiếp tục chọn cây có năng suất
cao nhất để gieo hạt thành cây thực sinh. Và thực hành ghép cây thực sinh với
“mắt bánh tẻ” tốt nhất của cây đã ghép lần đầu, nuôi dưỡng thành cây giống 100%
mang tên Thiện Trường… ”
Trong 5 năm gần đây, doanh thu cây giống cà phê Thiện
Trường tăng khá nhanh, Trường chưa tập hợp con số thống kê chính xác, chỉ biết
rằng đã có lợi nhuận xây mới căn nhà ở trung tâm xã Lộc Quảng, Bảo Lâm diện
tích hơn 600 m², tổng giá trị cả đất và nhà
khoảng 4 tỷ đồng; chưa kể trang bị thêm xe tải vận chuyển, dựng nhà kính chăm
sóc cây giống cà phê công nghệ cao hơn.
Đặc biệt đang đầu tư hoàn thành 1.000m² vườn thực nghiệm sản xuất cà phê ghép Thiện
Trường mật độ 440 cây. Kế hoạch sang năm thứ 3 sẽ thu chính từ 2- 3kg/cây, tổng
sản lượng trung bình 1 tấn/1.000m². Mong muốn những
năm tới sẽ chuyển giao quy trình cho những hộ nông dân ở Lộc Quảng, Bảo Lâm có
ít diện tích đất, nhưng vẫn đạt thu nhập cao từ cây cà phê Thiện Trường.
Tôi phản
ánh những điều mắt thấy, tai nghe, tay với tay tiếp xúc, chân bước chân hòa
mình giữa vùng cà phê Thiện Trường đồi đá đỏ vào tháng 4/2017 với anh Lê Chí
Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Quảng, Bảo Lâm mười năm trước, thì nhận được
ngay những phản hồi: “ Tôi đã chuyển sang nhiệm vụ Phó Chủ tịch xã Lộc Quảng,
Bảo Lâm từ năm 2015. Ước tính cả xã Lộc Quảng có khoảng 1.300ha cà phê thì
chiếm 70% diện tích ghép giống Thiện Trường, đạt năng suất chia đều 5- 6
tấn/ha. Riêng vườn cà phê nhà tôi đang giai đoạn kinh doanh 0,7ha ghép giống
Thiện Trường, thu tổng cộng 6 tấn niên vụ 2016- 2017. Hiện gia đình tôi ghép
mới thêm 0,3ha giống cà phê Thiện Trường trong mùa mưa tới… ”
Khi viết bài phóng sự này giữa phố hoa Đà Lạt, tôi mở
mạng xã hội tham khảo tỷ lệ 30% trên tổng diện tích 27.000ha cà phê toàn huyện
Bảo Lâm đã ghép giống Thiện Trường thu 5- 7 tấn/ha. Và mở rộng tầm nhìn ra xa
hơn, hiện lên giống cà phê ghép Thiện Trường đánh dấu cộng mới về những vùng
đất ngoài tỉnh Lâm Đồng như Bình Phước, Đồng Nai, Vũng Tàu…/.
THÁNG 4/2017