Thứ Năm, 8 tháng 5, 2014

Vườn – chuồng mới ở Đưng K’Nớ

VĂN VIỆT
Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng vừa hoàn thành nhiều mô hình vườn - chuồng mẫu theo kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi mới, đồng thời chuyển giao rộng rãi đến bà con đồng bào dân tộc thiểu số xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững ở địa phương.

Đưng K’Nớ là một xã nghèo của huyện Lạc Dương, chiếm hơn 97,7% số dân là đồng bào thiểu số bản địa, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Với trồng trọt, bà con tập trung canh tác các loại cây trồng chính như cà phê catimor với 411ha ( trong đó có 361 ha kinh doanh, đạt sản lượng 80 tạ tươi/ha/năm); lúa gieo trồng cả năm 65ha ( năng suất 10tạ/ha); rau đậu các loại khoảng 5ha…Với chăn nuôi, bà con đã phát triển tổng đàn bò 220con, đàn heo 506 con, tổng đàn gia cầm 2.300con. Điều tra của Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng cho thấy: Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân ở xã Đưng K’Nớ là 1,18ha/hộ, chia ra thành mỗi lao động chính canh tác 0,46ha để đảm bảo đời sống cho 2,5 người trong gia đình. Do địa hình đất nông nghiệp có độ dốc lớn, quy mô sản xuất còn manh mún, trình độ canh tác chưa cao; bên cạnh đó việc chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ, lẻ, chủ yếu là nuôi heo, bò, gà thả rông, thiếu kiểm soát dịch bệnh, không đảm bảo vệ sinh chuồng trại, nên hiệu quả kinh tế vườn – chuồng mang lại cho hộ gia đình còn nhiều hạn chế.
Nhằm từng bước nâng cao giá trị vật nuôi và cây trồng trong từng hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Đưng K’Nớ, từ đầu năm 2012, Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng triển khai cùng lúc 4 mô hình mẫu sản xuất và chăn nuôi ở quy mô hộ gia đình. Kết quả với 10 hộ thực hiện mô hình thâm canh cây cà phê, mỗi hộ tham gia 0,3ha vườn cà phê có tuổi từ 12 – 15 năm, đạt năng suất bình quân 8.790kg tươi/ha niên vụ năm 2012 – 2013 và 9.740kg tươi/ha niên vụ 2013- 2014, tăng lần lượt là 7,06% và 18,64%  so với niên vụ năm 2011- 2012. Mô hình vườn mẫu cà phê ở đây áp dụng các kỹ thuật mới về tỉa cành, tạo tán, vệ sinh vườn cây sạch sẽ; bón phân, bơm thuốc trừ sâu, thuốc điều hòa sinh trưởng…đúng liều lượng. Tiếp theo là mô hình ủ phân vi sinh với 10 hộ dân thu gom sẵn 20 tấn vỏ cà phê, đồng thời được cung cấp đủ lượng men vi sinh Bio – Asti (do Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng sản xuất) cùng các loại vật tư khác như super lân, ure, kali clorua, vôi bột, cám, đường vàng, bạt phủ…Sau 100 ngày ủ qua các quy trình kỹ thuật đảo trộn, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm…thích hợp, 20 tấn vỏ cà phê đã “thu hoạch” 15,76 tấn phân hữu cơ vi sinh, đem bón trở lại vườn cà phê phát triển khá xanh tốt trong một vụ mùa mới.    
Tương tự mô hình chăn nuôi gà thả vườn ở xã Đưng K’Nớ được triển khai 2 đợt, sau 5 tháng nuôi đạt trọng lượng bình quân từ 1,6 – 1,72kg/con, tỷ lệ gà con nuôi sống đạt từ 82 – 89%. Có tất cả 14 hộ gia đình tham gia mô hình, mỗi hộ nuôi từ 25 – 30 con. Người nuôi gà ở đây được cung cấp giống gà Tam Hoàng 01 tháng tuổi, được hướng dẫn xây dựng chuồng trại đảm bảo các điều kiện về vệ sinh môi trường, cho gà ăn các loại cám sạch, gà được tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine phù hợp với từng độ tuổi…Cuối cùng là mô hình chăn nuôi heo địa phương với 10 hộ gia đình ở xã Đưng K’Nớ được chọn tham gia. Với 5 con heo giống ( 4 con cái và 1 con đực, trọng lượng bình quân 8,1kg/con), 10 hộ gia đình - mỗi hộ chăn nuôi theo kỹ thuật mới, sau 6 tháng đã đạt trọng lượng từ 28 – 30kg/con. Tính chung từ khi thả nuôi vào tháng 9/2012 đến nay, số hộ chăn nuôi mô hình đã phát triển đàn heo sinh sản mới 219 con; xuất bán heo thịt 22 con với tổng trọng lượng 660 kg hơi…     
Kỹ sư của Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng, anh Nguyễn Văn Quang cho biết thêm: Sau 2 năm xây dựng các mô hình vườn- chuồng mẫu ở xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương, Trung tâm đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ cho 300 lượt hộ nông dân tham gia. Đặc biệt, Trung tâm đã hoàn thành các lớp đào tạo 10 kỹ thuật viên cơ sở làm lực lượng nòng cốt để tiếp tục chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình mẫu vườn - chuồng mới cho người nông dân trên địa bàn xã Đưng K’Nớ trong trước mắt và trong lâu dài…./.

THANG 5/2014