Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

Đưa “mắt rồng” lên núi

Phóng sự VĂN VIỆT
Không dừng lại ở việc ổn định lâu dài với cây cà phê, nông dân xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng đã lặn lội xuống nhiều huyện, thành trong tỉnh Bình Thuận, tìm về những giống cây “mắt rồng” tốt nhất để chuyển đổi, tạo hướng đột phá làm giàu.  

HẸN ĐI TÌM “RỒNG”
Tháng 5 vào hè, đất miền cao Nam Hà, Lâm Hà nắng vàng óng ả, “sưởi ấm” cho trái cây “mắt rồng” vừa giữ đủ nước, vừa tạo thêm chất mật ngọt đặc trưng. Theo cuộc hẹn trước, ông Tạ Quang Việt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Hà, đưa tôi đi vòng qua những triền đồi cây “mắt rồng” cả chục hecta của xã. Gặp nông dân Trần Mạnh Trữ, chủ vườn 3.000m2 “mắt rồng” ở thôn Hai Bà Trưng, được biết những ngày hè nóng nhất ở đây cũng chỉ tương đương với những ngày đầu xuân ở xứ cát Bình Thuận. Bởi vậy, cây “mắt rồng” đưa từ Bình Thuận lên Nam Hà- một vùng phụ cận của cao nguyên Đà Lạt trồng từ khoảng 5 năm qua, đã đơm hoa, kết trái với chất lượng hoàn toàn khác biệt. Đoạn nói xong, ông Trữ đưa tay hái mấy trái “mắt rồng” từ trên “cây nhà, lá vườn” xuống mời khách thưởng thức tại chỗ. Cầm một trái nặng trịch trong tay, tôi bóc từng phần thớ vỏ rồi cắn ăn tươi theo chỉ dẫn của ông Trữ. Màu đỏ tím từ bên ngoài vỏ đến bên trong ruột đã tạo cảm giác hấp dẫn từ đầu. Khi ăn đến hết phần ruột trái cuối cùng, các vị ngọt dày, chua thanh, mát lạnh…đọng lại thật lâu nơi đầu lưỡi. “ Có thể điều chỉnh các vị ngọt, mát, chua… của trái “mắt rồng” theo các cách chăm bón khác nhau. Nhưng đây là các vị hòa trộn được người tiêu dùng trong các địa phương thuộc tỉnh Lâm Đồng ưa chuộng nhất… ”- ông Trữ đúc kết.
Để có một “vị tròn” của trái “mắt rồng” Nam Hà hôm nay, ông Trữ đã cùng với ông Phẩm – một người láng giềng– lặn lội xuống miệt biển Bình Thuận nhiều ngày đêm để dò hỏi, tìm giống cây từ những người hoàn toàn không có mối quen biết nào. Ông Trữ kể: “Đó là những ngày cuối năm 2009, hai chúng tôi ( ông Trữ và ông Phẩm- PV) hẹn nhau đón xe đò xuống huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận để tìm giống thanh long ruột đỏ ( còn gọi là cây “mắt rồng” ruột đỏ) về thay thế một phần diện tích cà phê. Lúc đó, xem truyền hình thấy nông dân nhiều nơi trong nước trồng thanh long ruột đỏ mang lại đời sống kinh tế khá cao, hai chúng tôi nghĩ rằng, thanh long đã sống được xứ nóng khắc nghiệt thì chắc xứ núi khí hậu ôn hòa ở vùng phụ cận Đà Lạt như xã Nam Hà cũng sẽ bám rễ lên xanh…” Những suy nghĩ, những lời tâm sự chất phác của ông Trữ, ông Phẩm qua nhiều ngày sau đó đã tạo được thiện cảm của những người chủ vườn thanh long ruột đỏ cần tìm. Họ đã nhiệt tình chọn những hom giống tốt nhất rồi “cầm tay chỉ việc” toàn bộ quy trình canh tác, từ cách xuống giống đến cách nuôi dưỡng ra hoa, đậu trái và bảo quản sau thu hoạch. Mừng như bắt được vàng, hai nhà nông Trữ- Phẩm đã tuyển lựa hàng trăm hom giống “mắt rồng” khỏe mạnh nhất chuyển lên xe đò chở về Nam Hà, khoanh vườn cát hàng chục mét vuông để giâm ươm tạo rễ. Kế tiếp hơn một tuần lễ, hai ông Trữ- Phẩm đã  phá bỏ “sạch sẽ” 3.000m2 cà phê kinh doanh, cải tạo thành các cấp đất bậc thang và đổ bê tông từng hàng trụ ngay ngắn, thẳng tắp. Một tháng sau nữa, mỗi chân trụ bê tông đã “cố định” xong 4 hom giống “mắt rồng” bao quanh.
ĐỘT PHÁ “MẮT RỒNG”
Tôi đo ướm từng trụ “mắt rồng” đều có chiều cao ngang bằng ngực mình, trụ cách trụ đến năm, sáu bước chân. Đây là kích thước chuẩn mà ông Trữ học được từ nông dân Bình Thuận, riêng ở Lâm Đồng khác hơn là mưa nhiều, đất có độ ẩm cao nên phải “khơi thêm” nhiều đường rãnh thoát nước. “Trụ cao 1,8m, chôn sâu dưới đất 0,5m, trụ cách trụ 3 m, mỗi chân trụ được trồng 4 hom “mắt rồng”, cả thảy 1.000m2 có 120 trụ… ”- ông Trữ thuộc lòng. Nhưng nếu kể khổ thì hồi mới trồng “mắt rồng”, ông Trữ đã lắm phen “lên bờ xuống ruộng”. Như lúc cây từ 3 tháng tuổi trở lên bỗng héo vàng chết hàng loạt từ 7- 10%; rồi đàn bọ cánh cứng ùn ùn xuất hiện cắn phá nụ hoa, búp trái vừa mới non nhu nhú...Đến hơn một năm sau, “mắt rồng” ra trái bói, ông Trữ phải đóng vào bao chở trên chiếc xe máy, chạy khắp chợ lớn, chợ nhỏ trong xã Nam Hà để mời mọi người ăn thử và tự định giá mua chỉ bằng một nửa giá “mắt rồng” từ Bình Thuận đưa lên. Qua năm thứ 2 trở đi, mùa “mắt rồng” thu rộ, ông Trữ buộc phải bán dạo trên hầu hết các xã của huyện Lâm Hà. “ Đầu tiên ai cũng ngờ ngợ ở xã Nam Hà trồng được trái “mắt rồng” mọng nước, ngọt thơm như vậy. Nay thì thương lái tìm đến tận vườn thu mua, số lượng trái chín bao nhiêu cũng bán hết trong ngày …”- ông Trữ vui mừng.
Bây giờ “mắt rồng” ruột đỏ ở vườn ông Trữ đã tăng lên 3.000m2, vườn ông Phẩm với 3.500m2, hàng năm mỗi trụ cây thu từ 50 – 60 kg, khá cao so với năng suất trung bình của cả nước. Đầu tháng 5/2014, giá bán “mắt rồng” ở xã Nam Hà chỉ trên dưới 25.000 đồng/kg, thấp hơn 13.000 đồng/kg so với “mắt rồng” cùng loại ở Bình Thuận, nhưng ước tính trong một năm vừa qua, nhà nông Trữ đã thu lãi khoảng 100 triệu đồng/1.000m2, cao gấp nhiều lần so với trồng cà phê. Tôi đến thăm vườn “mắt rồng” rộng 2 ha của hộ bà Thìn, cách vườn ông Trữ chừng 15 phút xe máy. Bà Thìn nói : “ Gia đình tôi phá bỏ 2 ha cà phê để trồng mới “mắt rồng ” hơn 1 năm qua, chuẩn bị thu trái mùa đầu. Nguồn giống, kỹ thuật đều nhờ ông Trữ cung cấp, hướng dẫn nên “mắt rồng” phát triển đạt yêu cầu gần như 100%.  Năm sau bắt đầu thu hoạch vụ chính, mỗi ký “mắt rồng” chỉ cần giá bán 10.000 đồng trở lên là sống thoải mái hơn cà phê rất nhiều; nếu còn giữ với giá 25.000 đồng như hiện nay thì việc làm giàu sẽ đến gần hơn…. ”  

Đứng trên đồi cao nhìn bao quát một vùng nguyên liệu “mắt rồng” mới ở xã Nam Hà xanh ngan ngát, ông Tạ Quang Việt, Chủ tịch Hội Nông dân xã này đánh giá: “Đáng ghi nhận cho ông Trữ, ông Phẩm là 2 người nông dân năng động tìm giống cây “mắt rồng” đưa về xã Nam Hà, giới thiệu rộng rãi cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, mở hướng đột phá làm giàu. Chúng tôi đang vận động thành lập Tổ Hợp tác để phát triển bền vững cây “mắt rồng” này ở địa phương… ” Tiễn tôi ra về, ông Trữ còn tiết lộ rằng ông đang tích cực tạo hom giống “mắt rồng” để cung cấp cho nông dân ở các xã lân cận trồng mới 5.000m2 trong tháng tới. Và ông Việt, Chủ tịch Hội Nông dân xã này cũng nói thêm: “ Giống “mắt rồng” ruột đỏ của xã Nam Hà đã nhân rộng lên hàng chục hecta trên toàn địa bàn huyện Lâm Hà…”./. THÁNG 5/2014