Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

Viết báo tỉnh lẻ, đoạt giải quốc gia

VĂN VIỆT
Tôi làm phóng viên Báo Lâm Đồng đã bằng nửa số tuổi ba mươi lăm năm thành lập. Những năm chưa chạm được tay với lô gô giải báo chí toàn quốc, tôi tự vo tròn trong suy nghĩ của mình rằng làm báo tỉnh lẻ ( hay  gọi là báo địa phương) thì khó “bắt” những đề tài có sức lan tỏa vượt ra ngoài đến các tỉnh bạn. Nhưng khi được trao trong tay Chứng nhận giải báo chí toàn quốc đầu tiên, tôi mới tâm đắc hơn lời của một nhà báo về hưu đã nói trên một diễn đàn nghiệp vụ báo chí rằng những đề tài báo chí lớn thường “khởi động” từ thực tiễn ở cơ sở…

Giải báo chí quốc gia trao vào dịp 21.6.2012 vừa qua, tôi được lãnh Chứng nhận “ Chung khảo” của Hội đồng Giải báo chí quốc gia với tác phẩm “Bốn mùa đan áo gửi ra Trường Sa”. Đây là tác phẩm tôi tác nghiệp tại địa bàn thành phố Đà Lạt trong thời gian tiếp cận những hoạt động nổi bật của phong trào “Lâm Đồng cùng cả nước hướng về Trường Sa”. Nhưng thực tình thì đề tài này đến với tôi hết sức tình cờ. Lần đó, tôi đến 2 cơ sở đen len của Hữu Hòa ( sau này là HTX Hữu Hòa) nằm ở đường Phan Chu Trinh  và đường Trấn Quý Cáp, phường 9, Đà Lạt để nghe, cảm nhận và thẩm thấu được phần nào những nghị lực vượt lên chính mình của những người phụ nữ đan len tật nguyền ở đây. Người thì vẫn hoạt động được đôi tay, đôi chân nhưng lại bị phủ bóng đen hoàn toàn cả đôi mắt. Người thì bị bại liệt cả hai chân, bại liệt cả nửa thân người…Tất cả họ đã cùng tựa vai sát cánh vào nhau, chia việc cho nhau phù hợp với những phần lao động còn lại của cơ thể từng người khiếm khuyết.
Người dẫn đầu một con tàu đan len tật nguyền tật nguyền mới “hạ thủy” là chị Vũ Thị Kim Hòa đã năm mươi tuổi, cũng là một phụ nữ bị bại liệt nặng một chân từ thưở nhỏ. Rồi nhờ với một động lực của tình người đồng cảnh, những người thợ len nữ tật nguyển đã từng bước duy trì, phát triển nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra, không chỉ nuôi sống được bản thân mình, mà còn góp thêm chi phí trang trải cho người thân, cho gia đình mình và đặc biệt đã góp thêm những sản phẩm áo len, mũ len, bao tay len, tất len gửi ra bộ đội Trường Sa theo từng mùa thời tiết trong năm. Tìm hiểu đến đoạn “cao trào” này, tôi thực sự cảm xúc và cảm kich dâng cao đặc biệt trước tấm lòng của người phụ nữ thợ len khuyết tật Đà Lạt với bộ đội Trường Sa. Vậy là tôi để hết tâm trí chuyên sâu thu thập, lĩnh hội về những công việc “hướng về Trường Sa” của người khuyết tật. Bài phóng sự “Bốn mùa đan áo gửi ra Trường Sa ” lên mặt báo sau đó đã  tạo được những hiệu ứng tích cực từ trong tỉnh Lâm Đồng đến phạm vi quốc gia. Được Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng chọn dự thi, “Bốn mùa đan áo gửi ra Trường Sa” được “trúng tuyển” vào nhóm 156/1.268 tác phẩm toàn quốc vào chung khảo.  
Cũng đạt chung khảo giải báo chí quốc gia vào năm 2006, tác phẩm “Người ôm kho báu Tây Nguyên” của tôi được thực hiện trong một dịp không hẹn trước khi về phường Lộc Phát, thị xã Bảo Lộc ( nay là thành phố Bảo Lộc). Hình ảnh một người đàn ông 64 tuổi ( tên Đỗ Văn Toàn) bấy giờ với nước da đen bóng, mái tóc xoăn dài phủ đầy bụi bặm, ngồi khoan thai trên chiếc “ngựa sắt” dạn dày, đã thôi thúc tôi dừng lại khám phá. Mới hay “ …hơn một phần tư thế kỷ rong ruổi khắp thâm sơn cùng cốc, ông đã sưu tập cả ngàn hiện vật đặc trưng bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên… ” ( trích tác phẩm).
Nhưng với tác phẩm “Từ thưở xung phong đi mở đất… ” đoạt giải C toàn quốc viết về 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội của tôi lại được lập “đề cương” trước 2 tuần. Hôm đó chỉ còn hơn 2 tuần nữa là hết hạn nộp bài dự thi về Hội Nhà báo Việt Nam, anh Lê Văn Tòa, Chủ tịch Hội Nhà báo Lâm Đồng gợi ý với tôi hãy về huyện Lâm Hà viết về cuộc sống của những người Hà Nội trên quê mới hơn ba mươi năm. Ngay ngày hôm sau, tôi quyết định chọn thị trấn Nam Ban của huyện Lâm Hà để xây dựng bài phóng sự. Rất may gặp được Chủ tịch thị trán Nam Ban, anh Thái Văn Mai là người chính gốc Hà Nội theo cha mẹ vào đây từ lúc mới lên mười. Ký ức từ một đứa trẻ đến trường cấp một, cấp hai giữa rừng đối hoang vu, khi lớn lên vào cấp ba ra học ở trường trung tâm huyện mới có con đường lớn từng ngày mở rộng, đã nâng dần nhận biết trong Mai về những giọt mồ hôi, giọt nước mắt và có cả những giọt máu của thế hệ cha mẹ mình xây đắp nên. Rồi xuống Sài Gòn học đại học nông nghiệp bốn năm, nhận bằng ra trường là gặp nhiều doanh nghiệp đón mời về làm việc với mức lương hấp dẫn. Mai nói lời cám ơn để chia tay Sài Gòn rồi quyết định trở về lại quê Nam Ban thực hiện ước mơ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông là góp phần sức lực, trí tuệ của minh để tiếp bước thế hệ đi trước xây dựng quê  hương mới ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn…Câu chuyện từ Chủ tịch thị trấn, Thái Văn Mai càng kể càng lôi cuốn tôi ghi chép. Và từ Chủ tịch Mai, những nhân tố điển hình của một thời khăn gói từ Hà Nội xung phong vào Lâm Đồng mở đất, ngày nay đã tiếp tục thích ứng với sự năng động trong sản xuất kinh doanh, tạo lập cơ ngơi giàu có, nuôi con trưởng thành học lên đến cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, thể hiện phong cách truyền thống thanh lịch, hào hoa, cần mẫn, sáng tạo không ngừng của người Hà thành…
Tôi trở về Đà Lạt vào tối cùng ngày với chiếc sổ tay đầy tràn chất liệu của cuộc sống người Hà Nội hôm qua, hôm nay ở đất Nam Ban, Lâm Hà. Trong ngày hôm sau, tôi hoàn thành bài phóng sự “Từ thưở xung phong đi mở đất…”  Báo đăng xong, nộp ra Hà Nội dự thi vẩn còn thừa nhiều ngày nữa mới hết hạn. Đến ngày 04/10/2010, tôi được lên sân khấu lớn Hà Nội nhận giải C viết về 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội trong niềm vinh dự và hạnh phúc vô cùng. Nay nhân kỷ niệm 35 năm thành lập Báo Lâm Đồng, ngồi kể lại những đóng góp vài giải báo chí quốc gia của nghề phóng viên, tôi muốn được sắp xếp thành những hành trang của mình để bước tiếp cuộc đời làm báo tỉnh lẻ đã lựa chọn đầy sôi động luôn đón chờ ở phía trước. 
Đà Lạt 19/8/2012