Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

Tìm cây cho đất

Bút ký VĂN VIỆT
Đưa tôi một bó rau củ hồi từ vườn ươm, chủ vườn Lê Hữu Phan nói vui: “Hàng độc và lạ đấy. Cứ đưa lên khứu giác hãy biết !” Chỉ vừa cầm bó rau củ hồi lên tay, đã tỏa một mùi hương thơm nồng sảng khoái đến lạ. Mới hay đây là một giống rau nhập từ Hà Lan, giống mới nhất trong những giống mới nhất do anh Phan đưa hạt về gieo ươm lên cây khỏe tốt, rồi cung cấp, hướng dẫn cho người nông dân Đà Lạt trồng bán thu lợi nhuận cao trong vài năm vừa qua.  

Cùng “chen vai thích cánh” với hàng dãy vườn ươm bên đường Hồ Xuân Hương, Đà Lạt, vườn ươm rộng 3.500 mét vuông đang bước sang năm thứ mười bốn của anh Lê Hữu Phan được xem là vườn ươm cây giống rau thuộc hàng “lão làng” lâu nhất ở đây, từng nếm trải những ngọt bùi, đắng cay theo những bước thăng trầm. Cột mốc ghi nhớ từ năm 1985, nhận lại diện tích 3.500 mét vuông từ Tập đoàn Sản xuất nông nghiệp Chi Lăng, anh Phan cùng gia đình quần quật ngày đêm phát quang cỏ dại phủ dày, rồi lặn lội tìm kiếm thuê mướn các phương tiện từ cơ giới đến thô sơ để đắp đất, tạo luống mới cho rau bám rễ. Nhu cầu có hoa lợi sinh sống cấp thiết nên đắp được luống đất nào thì đưa ngay xuống cây giống rau đến đó. Cuốc và cuốc; hết ban, lật đến xới, đắp thành mỗi vông đất; lam lũ, kiên trì đến hai năm sau, thửa vườn 3.500 mét vuông mới ra “bờ xôi ruộng mật” là vườn rau. “ Có vườn sản xuất, cứ ba, bốn, thậm chí đến năm tháng mới thu được lứa rau bán mua gạo ăn. Nhiều đêm tôi cứ ước được tìm thấy giống cây rau mới ngắn hạn hơn và cho ra năng suất nhiều hơn, sẽ đưa về trồng nghên cứ, hoàn chỉnh kinh nghiệm rồi nhân rộng cho người nông dân láng giềng của tôi…”- Lê Hữu Phan trở về những trăn trở của mình từ những năm cuối thập niên 80 đến gần cuối thập niên 90 của thế kỷ  trước.  
Theo thời gian, những trăn trở của Lê Hữu Phan rồi cũng được tìm thấy bằng tay, bằng mắt, bằng chính công việc vườn đất của mình trong cơ hội Đà Lạt trải thảm đỏ mời gọi đón tiếp nhà đầu tư nước ngoài ngày một nhiều. Một lần hay tin một công ty từ Hà Lan xây dựng và phát triển sản xuất rau giống và công nghệ mới tại Đà Lạt, anh Phan tìm ngay đến ký kết được hợp đồng. Theo đó, hai giống rau mới là cần tây và xà lách Mỹ lần đầu đi vào triển khai trồng trên 3.500 mét vuông đất của anh Phan với phương thức: Nhà doanh nghiệp nước ngoài cung cấp giống, kỹ thuật, phân bón, tiêu thụ sản phẩm; nhà nông Phan có đất và công lao động, được hưởng toàn bộ lượng rau sản xuất ra. Cách thỏa thuận này doanh nghiệp nước ngoài được lợi ở phần thực nghiệm giống mới trên đất mới Đà Lạt; phía nhà nông Phan thì gần như nắm hết “phần cán”, nếu thất bại trắng thi chỉ bị mất công. Nhưng kết quả thì gần như đạt  yêu cầ đặt ra: Cần tây và xà lách Mỹ chỉ trồng chưa đầy 2,5 tháng đã thu hoạch, rút ngắn thời gian 15 ngày trồng và  giá bán còn cao hơn từ 15%- 20% so với giống rau cùng loại đang trồng ở Đà Lạt bấy giờ. Anh Phan không quên: “Điều vui sướng lớn nhất của tôi sau một lứa rau lúc này không chỉ là đạt năng suất, đạt giá mà đã tiếp cận được phương pháp ươm giống mới của công ty nước ngoài này…”
Quả tình nhà nông Lê Hữu Phan đã không mấy khó khăn khi tiếp cận với kỹ thuật ươm hạt giống trên vỉ xốp có giá thể là đất mùn của Lâm Đồng. Trong khi nông dân Đà Lạt xưa nay chỉ biết gieo hạt xuống đất, chờ cây con phát triển có rễ nhiều thì nhổ lên trồng ra vườn. Thật bất tiện và bất lợi vì tỷ lệ cây rau sống chỉ chiếm 60% đến 70%, lại mang theo nhiều mầm bệnh từ đất trồng các loại cây rau vừa thu hoạch, năng suất và chất lượng đạt ở giới hạn nhất định. Ngược lại việc ươm giống trên giá thể vỉ xốp đất mùn thì tỷ lệ cây rau đưa ra trồng ngoài đồng rau sống, phát triển tốt trên từ 95% đến 99%. Từ đây, nhà nông Phan tiếp tục lần theo địa chỉ cung ứng đất mùn của Lâm Đồng, một loại đất sạch bệnh, giàu chất hữu cơ do sự phân hủy trăm năm, ngàn năm của cây lá rừng tự nhiên. Đồng thời tìm mua về hơn 20 ngàn hạt giống rau của Nhật gồm xà lách, bắp sú, cải thảo để gieo ươm. Gieo xong từng hạt giống mới xuống giá thể mới, tâm trạng háo hức, phấn chấn của nhà nông Phan ùa đến mỗi ngày, từ lúc trông thấy mầm cây nhú lên đến lúc thấy từng chiếc lá non xanh hé mở. Nhưng mọi điều đầu tiên đâu dễ thuận buồm như vậy. Cây giống đang lên cao chỉ hơn gang tay sau một tuần thì bỗng nhiên rũ  lá, cong ngọn xuống trên từng vỉ xốp rồi lan ra chết trắng hàng loạt, thiệt hại lên đến hơn 50%. Lại tất tả đi gặp các chuyên gia của công ty nông nghiệp nước ngoài trình bày hiện trạng thì mới vỡ lẽ: Đất mùn ở Lâm Đồng với độ ẩm khá cao, do anh Phan tưới nước hàng ngày khá nhiều khiến cây giống bị chết úng. “Dẫu sao, còn 50% số cây giống mới còn lại, gia đình tôi trồng trên 500 mét vuông trong vườn, đạt năng suất theo yêu cầu khoảng 3 tấn. Đưa các sản phẩm rau Nhật trồng mới ở  Đà Lạt thâm nhập ra thị trường trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng đều được nhận những phản hồi tích cực, khách hàng rất ưa chuộng…”- nhà nông Phan kể.
Năm 1998, nhà nông Lê Hữu Phan bước lên xây dựng nhà kính vườn ươm, xây dựng từng phần đến đầu năm 2000 mới hoàn thành trên 3.500 mét vuông, chính thức chuyển hẳn từ nhà nông chuyên canh trồng rau thương phẩm sang nhà nông chuyên gieo ươm và trồng thực nghiệm các loại giống rau cao cấp mới nhập từ nước ngoài. Tính riêng hơn một thập niên qua, nhà nông Phan sản xuất bán hàng tháng từ 300 ngàn đến 500 ngàn cây giống mới với trên chục giống khác nhau, giúp cho nông dân trồng, làm giàu trên đất Đà Lạt. Cứ tính ở mặt mặt bằng giá trung bình với giống cây xà lách Mỹ do anh Phan cung cấp, 01 sào đất chỉ mua hết 1,6 triệu tiền cây giống. Chăm sóc đúng kỹ thuật ( không mấy phức tạp) đến 2,5 tháng thu hoạch từ 5 tấn đến 6 tấn rau tươi, trừ mọi chi phí vật tư, phân bón và kể cả trừ công lao động của chính chủ đất, đạt lãi ròng trên dưới 30 triệu đồng. Hoặc như giống rau cần tây từ Mỹ được gieo ươm từ vườn ươm anh Phan, đem trồng 01 sào đất ngoài trời trong 2,5 tháng thu được 10 ngàn bụi cây. Giá trung bình trong năm 2011 mỗi bụi cây 8 ngàn đồng, nhân lên đạt tổng thu là 80 triệu đồng. Trừ hết vốn đầu tư và công lao động, lãi thu về ít nhất là 40 triệu đồng. Lợi nhuận cao hơn khi trồng trong nhà kính giống ớt ngọt Chi Lê ươm từ vườn ươm của anh Phan. Ớt ngọt này trồng 3,5 tháng  bắt đầu thu hoạch liên tục cho đến 10 tháng sau. Thời điểm cuối năm 2011, giá mỗi ký ớt ngọt 15 ngàn đồng, trồng 01 sào thu lãi trên dưới 80 triệu đồng. Chưa tính lúc giá chạm đỉnh mỗi ký ớt ngọt lên đến 20- 25 ngàn đồng, người trồng xem như trúng đậm – lãi trên dưới trăm triệu đồng mỗi sào.  
Đến những ngày cuối năm 2011, nhà nông Lê Hữu Phan đang hoàn chỉnh quy trình ươm và sản xuất giống ớt ngọt mới mua về từ Hà Lan. Dự kiến qua những tháng đầu năm 2012, anh Phan bán rộng rãi giống ớt mới này cho bà  con nông dân Đà Lạt. Và còn nữa, đó là giống lơ xanh bông nhỏ mua từ Nhật, giống xà lách bắp tím mua về từ Mỹ…cũng đang gieo ươm, trồng thành công ở vườn ươm anh Phan, chờ thêm một thời gian hoàn tất kỹ thuật canh tác sẽ chuyển giao cho nông dân địa phương.  “Thị trường cạnh tranh rất công bằng. Vườn giống rau nào không uy tín, kém chất lượng thì người nông dân sẽ vĩnh viễn quay lưng không đến mua nữa. Với vườn ươm của mình, nông dân đã tin tưởng mua giống về sử dụng hiệu quả mười mấy năm qua, mình luôn tâm niệm không được phụ lòng tin ấy… ”  Thực hiện đúng tâm niệm này, nhà nông Lê Hữu Phan gieo ươm mỗi lứa cây giống mới  nào đều được người sản xuất Đà Lạt đặt hàng mua trước. Người mua về sản xuất đạt lãi cao, người gieo giống theo đó đạt doanh số và lợi nhuận tăng lên xứng đáng với hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đã xây được biệt thự bạc tỷ, sắm được ô tô riêng, nuôi hai con học đại học đều từ 3.500 mét vuông đất vườn ươm, nhà nông Lê Hữu Phan thật lòng: “ Tôi sinh ra ở Đà Lạt, học hết lớp mười hai thì ở nhà làm vườn rau vì không có điều kiện học lên đại học. Không học được lên cao, tôi phải nỗ lực mọi sức mình để tự học hỏi, đúc kết những kỹ thuật mới từ những hạt mầm cây gieo ươm giống mới rồi chia sẻ kinh nghiệm với nông dân Đà Lạt, góp phần cùng nông dân Đà Lạt chuyển đổi cây trồng giá trị kinh tế cao hơn để bước lên làm giàu…”./.
Đà Lạt Tết Dương lịch 2012