Thứ Năm, 7 tháng 9, 2023

Phát triển kinh tế nông nghiệp từ hoạt động phối hợp

VĂN VIỆT

Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng và tổ chức Hội Nông dân các cấp trong tỉnh với nhiều hình thức phối hợp thiết thực, đã góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới với nhiều thành tựu trên địa bàn.

Thống kê giai đoạn năm 2018- 2023, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng phối hợp cùng Hội Nông dân các cấp trong tỉnh triển khai hơn 1.500 cuộc vận động nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản lâu dài. Đồng thời tổ chức gần 480 lớp tập huấn, hội thảo, chuyển giao kỹ thuật sản xuất mới cho hơn 300.000 lượt hội viên nông dân, qua đó hỗ trợ cấp Chứng nhận sản xuất 1.000ha VietGAP cho 400 nông hộ. Bên cạnh đó hướng dẫn nông dân sản xuất đáp ứng tiêu chí gắn thương hiệu “Đà Lạt- Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”; xây dựng và sử dụng các nhãn hiệu độc quyền về dâu tây Đà Lạt, hồng Đà Lạt, quýt Đơn Dương, củ năng Pró, đăng ký cấp mới gần 160 mã số vùng trồng và 19 mã cơ sở đóng gói. Đặc biệt đã nhân rộng 200 mô hình điểm về ứng dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất.  

Tính đến tháng 9/2023, toàn tỉnh có 233 chuỗi liên kết với 180 doanh nghiệp, 95 hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở nhỏ lẻ và hơn 31.000 nông hộ tham gia. Tổng số có 425 hợp tác xã nông nghiệp, tăng 252 hợp tác xã so cùng kỳ năm 2018.  Các mặt hàng chủ lực sản xuất liên kết như rau, hoa, cà phê, chè, lúa, trái cây, cá nước lạnh…, chiếm 35% tổng sản lượng nông sản toàn tỉnh. Thống kê hết năm 2022, giá trị xuất khẩu nông sản chiếm 48% tỷ trọng xuất khẩu toàn tỉnh với 5 mặt hàng chủ lực rau, hoa, cà phê, chè và hạt điều. Thị trường xuất khẩu nông sản Lâm Đồng chiếm phần lớn ở Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Asean, châu Âu…  

Riêng Chương trình OCOP triển khai toàn tỉnh đến nay có 11 sản phẩm 5 sao, 104 sản phẩm 4 sao, 123 sản phẩm 3 sao. Chủ thể sản phẩm OCOP gồm 75 doanh nghiệp, 27 hợp tác xã, 5 tổ hợp tác, 33 trang trại, cơ sở, nông hộ. Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo hơn 70%, giảm tỷ lệ thất nghiệp của lao động nông thôn xuống còn 0,27%.

“Tổ chức Hội Nông dân các cấp trong tỉnh luôn đi đầu phối hợp với ngành Nông nghiệp huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng nông thôn. Đáng kể Hôi Nông dân tỉnh đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hội viên vay 1.500 tỷ đồng  giai đoạn năm 2018- 2023 để đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp tích hợp đa giá trị, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng nông thôn mới văn minh, thịnh vượng, tiệm cận với đô thị, giàu bản sắc văn hóa dân tộc…”, theo đánh giá của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng.

Từ hoạt động phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng giai đoạn năm 2018- 2023, ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng, triển khai và nhận rộng diện tích sản xuất 86.000ha theo quy trình quản lý chất lượng đồng bộ 4C, UTZ, Rainforest; 7.566ha theo tiêu chuẩn nông sản an toàn GlobalGAP, VietGAP; 1.415 ha Chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ. Tính bình quân tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp tỉnh mỗi năm đạt tỷ lệ 5,6%, chiếm tỷ trọng 38,46% trong cơ cấu kinh tế toàn tỉnh. Tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp khoảng 328.000ha, diện tích gieo trồng hàng năm hơn 411.000 ha. Trong đó đạt 66.150 ha diện tích ứng dụng công nghệ cao, 630 ha diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông minh, giá trị trên đơn vị diện tích đất canh tác khoảng 245 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân đầu người nông thôn năm 2023 hơn 56 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn 1,94%.   

Kết quả ước đến hết năm 2023, toàn tỉnh công nhận 109/111 xã nông thôn mới. Trong đó có 57 xã nông thôn mới nâng cao, 23 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh có 7 huyện, thành đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Dự kiến đến năm 2025, 5 huyện còn lại trong tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Riêng 2 huyện Đạ Tẻh và Đơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Đức Trọng hoàn thành huyện nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa. Tỉnh Lâm Đồng được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới./.

THANG 9/2023