Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2023

Đa dạng hóa sinh kế giảm nghèo ở Lạc Dương

VĂN VIỆT

Thông qua giải pháp đa dạng hóa sinh kế phù hợp gắn với dạy nghề cho lao động nông thôn, chuyển giao áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, huyện Lạc Dương đã nhân rộng sản xuất hiệu quả các loại cây trồng và vật nuôi chủ lực, góp phần nâng cao thu nhâp và giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương.  

Theo kết quả rà soát cuối năm 2022, toàn huyện Lạc Dương còn 448 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,8%, giảm 2,8% so với cuối năm 2021. Và ước đến ngày 31/12/2023, toàn huyện Lạc Dương còn 224 hộ nghèo, giảm 2,9% so với cuối năm 2022.  Trong đó hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022 còn 444 hộ nghèo, năm 2023 còn 224 hộ, giảm lần lượt so với cùng kỳ 3,8% và 4,5%.

Để giảm rõ rệt tỷ lệ hộ nghèo vừa nêu, huyện Lạc Dương trong giai đoạn năm 2021-2023 triển khai chương trình vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh cho 114 lượt hộ nghèo (hơn 17,7 tỷ đồng); 1.131 lượt hộ cận nghèo (gần 90,5 tỷ đồng); 278 lượt hộ mới thoát nghèo (gần 24,5 tỷ đồng). Đặc biệt triển khai giải pháp đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo tại thị trấn Lạc Dương, các xã Đạ Chais, xã Lát và xã Đưng K’Nớ trong năm 2023, các cơ quan, đơn vị đã hỗ trợ đầu tư sản xuất nâng cao thu nhập cho các hộ thụ hưởng chính sách giảm nghèo gồm: UBND huyện Lạc Dương (345 triệu đồng); Sở Xây dựng Lâm Đồng (200 triệu đồng); các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của huyện Lạc Dương (105 triệu đồng); các Ban xây dựng Đảng huyện Lạc Dương (20 triệu đồng); các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp và Kinh tế và Hạ tầng (20 triệu đồng)…

“Các ngành và các địa phương trong huyện Lạc Dương thường xuyên cung cấp thông tin việc làm, dạy nghề, phổ biến mô hình giảm nghèo thành công, nêu gương hộ nghèo, người nghèo tự lực thoát nghèo...Đến nay, toàn huyện Lạc Dương đạt tỷ lệ 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; 100% người nghèo, cận nghèo trong độ tuổi lao động được đào tạo, tập huấn và định hướng nghề nghiệp theo nhu cầu;  100% cán bộ được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án về giảm nghèo...”, theo đánh giá của UBND huyện Lạc Dương.

Theo đó, thông qua các nguồn vốn đầu tư, tổ chức lớp tập huấn, dạy nghề cho lao động nông thôn, các nông hộ thụ huởng chính sách giảm nghèo trong huyện Lạc Dương đã áp dụng khoa học công nghệ mới đối với sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng nông sản an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cụ thể với mô hình thâm canh cây cà phê đã áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến như bón phân cân đối, tỉa cành tạo tán, phòng trừ sâu bệnh hại, kỹ thuật thu hái, bảo quản, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm thu hoạch. Qua đó thúc đẩy hình thành và phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống của người sản xuất. Với mô hình chăn nuôi có chuồng trại chăm sóc và nuôi dưỡng, tiêm phòng đầy đủ và tăng cường giám sát dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, toàn huyện Lạc Dương đã tăng cả về số lượng, chất lượng đàn vật nuôi trên địa bàn...

Từ những giải pháp đa dạng sinh kế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi chủ lực gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật mới sản xuất nông nghiệp giai đoạn năm 2021- 2023, huyện Lạc Dương nhận định phần lớn hộ nghèo đã phát huy tự lực, tự cường vươn lên, tích cực học nghề, học tập kinh nghiệm, chủ động vay vốn ưu đãi đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập để thoát nghèo bền vững.

Đến nay hệ thống giao thông trên địa bàn huyện Lạc Dương đã có sự phát triển tương đối đồng bộ, các tuyến đường trục xã và các tuyến Quốc lộ 27C, ĐT 722 qua địa phận huyện Lạc Dương đã được quan tâm đầu tư, xây dựng, tạo điều kiện phát triển kinh tế nói chung, phát triển sản xuất nông nghiệp nói riêng, góp phần thuận lợi để triển khai hiệu quả hơn giải pháp đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo trong thời gian tới.  

THÁNG 9/2023