Thứ Hai, 18 tháng 9, 2023

Ngành Nông nghiệp với 3 nhóm giải pháp tăng trưởng

VĂN VIỆT

Trong 3 năm cùng lúc triển khai 3 nhóm giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và phát triển chuỗi nông sản an toàn, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã cơ bản đạt các mức tăng trưởng theo mục tiêu đề ra.

Giảm gần 8.500 ha diện tích sản xuất kém hiệu quả

Theo hướng phát huy lợi thế so sánh từng vùng sản xuất, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục chuyển đổi, cơ cấu phù hợp sinh trưởng hiệu quả đối với từng cây trồng chủ lực. Trong 3 năm vừa qua, bình quân mỗi năm toàn tỉnh tăng 0,5% diện tích gieo trồng, trong đó hệ số gieo trồng cây hằng năm tăng từ 2,11 lần năm 2021 lên 2,19 lần trong năm 2023. Đến năm 2023 diện tích gieo trồng toàn tỉnh đạt 396.830 ha, tăng 3.117 ha so với năm 2021. Sản lượng cây trồng chủ lực gồm rau (gần 3 triệu tấn); hoa (4 tỷ cành); cà phê (gần 545.340 tấn); chè (gần 166.300 tấn); sầu riêng (hơn 86.460 tấn), bơ (hơn 71.860 tấn). Tính chung 3 năm qua, toàn tỉnh tái canh, ghép cải tạo và trồng mới cà phê (26.373 ha); chuyển đổi trên đất lúa kém hiệu quả (9.436 ha); trồng tái canh, ghép cải tạo điều (gần 383 ha); chuyển đổi cây trồng trên đất điều kém hiệu quả (5.034 ha); chuyển đổi trên đất khác (hơn 6.966ha). Kết quả diện tích sản xuất kém hiệu quả đến năm 2023 còn 40.998 ha, giảm gần 8.500 ha so với năm 2021.

“Trong cơ cấu giá trị sản xuất nội bộ ngành chăn nuôi, đàn trâu bò chiếm 16%, đàn heo chiếm 36%, đàn gia cầm chiếm 38% và động vật khác chiếm 10%.  Ngành chăn nuôi đã từng bước chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi tăng tỷ trọng trang trại chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ cao theo hướng an toàn sinh học, hữu cơ, bảo vệ môi trường sinh thái. Qua đó hình thành các chuỗi liên kết hoạt động hiệu quả gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm sữa tươi, heo, gà thịt, gà trứng …”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhận định.  

Theo đó, các doanh nghiệp sử dụng máy liên hợp, phối trộn khẩu phần thức ăn chăn nuôi hoàn chỉnh theo phương pháp TMR; sử dụng robot chuyển thức ăn tự động tại các trại chăn nuôi để hạn chế công lao động; sử dụng máy vắt sữa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả kinh tế. Tại Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt và Công ty Cổ phần sữa Việt Nam sử dụng hệ thống thiết bị tự động rotary công suất mỗi lần vắt sữa khoảng 40 con bò, đồng thời gắn chíp điện tử cho 3.700 con bò sữa để theo dõi tình trạng ăn uống, nghỉ ngơi, bệnh tật để kịp thời điều chỉnh chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý phù hợp…

100% sản phẩm được kiểm soát tiêu chuẩn chất lượng

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục triển khai cả về chiều rộng và chiều sâu. Từ năm 2021 đến nay đã công nhận mới 6 vùng và 5 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, tổng diện tích 66.150 ha, tăng 3.042 ha. Những hình thức canh tác ứng dụng khoa học kỹ thuật đa dạng và hiệu quả như: tưới nhỏ giọt kết hợp châm phân tự động, thủy canh, màng phủ PE chống tia UV, nhà kính tích hợp công nghệ châu Âu…Đặc biệt với hơn 630 ha ứng dụng công nghệ thông minh trong canh tác giảm 10- 20% thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học; giảm 30-50% lượng nước tưới và nhân công, tăng thêm lợi nhuận 15-20%.

Ước đến hết năm 2023, tổng diện tích trồng trọt được cấp giấy Chứng nhận hữu cơ toàn tỉnh 1.500 ha (tăng 340 ha so với năm 2021), tổng sản lượng ước đạt hơn 2.500 tấn/năm. Ngoài ra có 1.045 con bò sữa đạt chứng nhận hữu cơ với sản lượng khoảng 5.200 tấn sữa mỗi năm. Toàn tỉnh phát triển 233 chuỗi nông sản an toàn với trên 22.800 hộ sản xuất 33.000 ha (500.000 tấn/năm), chăn nuôi 1.050.000 con (170.000 tấn/năm); sản lượng nông sản đạt tỷ lệ 73%  qua sơ chế, chế biến, 100% kiểm soát tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.

Kết quả 3 nhóm giải pháp “vận hành”nêu trên, diện tích đất sản xuất kém hiệu quả (dưới 50 triệu đồng/ha) giảm từ 16,5% năm 2021 còn 13,6% vào cuối năm 2023; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất tăng bình quân từ 10% mỗi năm, năm 2023 đạt giá trị 245 triệu đồng/ha, tăng 20,2% so với năm 2021.

Tăng trưởng của toàn ngành Nông nghiệp Lâm Đồng trong 3 năm qua cao hơn tăng trưởng chung toàn quốc. Cụ thể tăng 4,79% (năm 2021), 6,46% (năm 2022) và 5,18% (năm 2023).  Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chuyển dịch đúng theo hướng, ước đến hết năm 2023, chiếm 38,46% trong cơ cấu kinh tế toàn tỉnh. Trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp Lâm Đồng với tỷ lệ trồng trọt 82%, chăn nuôi 16%, dịch vụ chiếm 2 %.

tháng 9/2023