Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2022

Chuyển đổi măng tây trên đất cà phê

VĂN VIỆT

Sau nhiều năm chủ động tìm kiếm giải pháp chuyển đổi, ông Nguyễn Văn Đóa quyết định chọn lựa cây măng tây về trồng thành công trên diện tích cà phê lâu năm theo mô hình hợp tác xã, kết quả tăng giá trị thu nhập đột phá trên đơn vị diện tích đất ở xã Nam Hà, huyện Lâm Hà.

Vùng nông nghiệp xã Nam Hà, huyện Lâm Hà với những diện tích cây cà phê hàng chục năm già cỗi trước nhu cầu bức thiết được chuyển đổi sang cây trồng giá trị kinh tế cao hơn, đã thôi thúc ngày càng nhiều nông dân kết nối nhiều nơi trong nước để tiếp cận, đưa về các nguồn giống mới có khả năng thu hoạch sản phẩm lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Trong đó vào năm 2019, ông Nguyễn Văn Đóa là một trong những nông dân đi tiên phong thay thế cây cà phê bằng cây măng tây trên từng diện tích trồng thử nghiệm vài trăm mét vuông của mình, sau đó dần dần bổ sung quy trình kỹ thuật từng giai đoạn rồi chuyển giao, nhân rộng lên đến 10 ha trên địa bàn. Ông Đóa kể lại: “Lúc đó, hộ gia đình tôi vừa thu hoạch xong niên vụ cà phê 2018- 2019 đạt năng suất lên đến 5 tấn/ha. Tuy nhiên với doanh thu này, gia đình tôi thâm canh 2 ha cà phê cũng chỉ đủ trang trải chi tiêu trong cuộc sống hàng ngày; việc tích lũy đầu tư mở rộng sản xuất hàng năm rất khó khăn. Bởi vậy hộ gia đình tôi bàn bạc thống nhất chuyển đổi cùng lúc 2 ha cà phê sang trồng chuyên canh cây măng tây…”

Theo đó, thông qua một doanh nghiệp trong nước nhập khẩu hạt giống chất lượng cao từ Mỹ và các nước châu Âu, ông Đóa đã mua hạt giống cây măng tây trên 2 ha diện tích đất cà phê ngoài trời nói trên, mật độ trung bình 20.000 cây/ha. Sau một năm sinh trưởng theo quy trình chăm sóc bằng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học phòng trừ sâu bệnh như: bón cân đối các lượng phân chuồng oai mục, phân trùn quế; các loại nấm đối kháng có ích, toàn bộ diện tích 2 ha măng tây của ông Đóa bước vào thời kỳ kinh doanh hiệu quả. Cụ thể năng suất thu hoạch măng tây của ông Đóa mỗi ngày từ 8- 12 kg/1.000m2, năm đầu tiên thụ hoạch khoảng 200 ngày/năm. Năm thứ 2, cải thiện chế độ dinh dưỡng, thu hoạch tăng lên 240 ngày/năm. Năm thứ 3, xây dựng nhà kính che nắng, chắn gió, ngăn chặn dịch hại xâm nhập để chuyên canh măng tây, tăng lên số ngày thu hoạch lên khoảng 280 ngày/năm. Tính theo giá thị trường tiêu thụ măng tây 65.000 đồng/kg thời điểm cuối tháng 10/2022, ông Đóa đạt doanh thu trung bình 600.000 đồng/1.000m2/ngày. Hạch toán sơ bộ trừ tất cả chi phí mỗi năm, ông Đóa đạt lợi nhuận hơn 1,2 tỷ đồng/ha măng tây.


Đáng nói sau năm đầu tiên chuyển đổi hiệu quả trồng cây măng tây trên đất cà phê của mình, ông Nguyễn Văn Đóa đã vận động thành lập Hợp tác xã (HTX) Măng tây xanh Langbiang tại xã Nam Hà, huyện Lâm Hà với tất cả gần 10 thành viên tham gia. Kết quả đến nay đã đạt 10 ha tổng diện tích chuyển đổi từ cà phê sang trồng măng tây liên kết với HTX Măng tây xanh Langbiang do ông Nguyễn Văn Đóa làm giám đốc, trong đó có 3 ha nhà kính với hệ thống tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân hữu cơ tự động hàng ngày. Ông Đóa cho biết để đảm bảo quy trình công nghệ chăm sóc cây măng tây đạt năng suất trung bình vừa nêu, mức đầu tư xây dựng nhà kính hoàn thiện khoảng 1,5 tỷ đồng/ha. Tính ra chỉ sau hơn một năm thu hoạch măng tây là thu hồi được nguồn vốn đầu tư ban đầu này.

Hiện tại còn khoảng 7 ha măng tây ở xã Nam Hà, huyện Lâm Hà đang canh tác ngoài trời gặp nhiều khó khăn về phòng chống các loại bệnh gây hại, dẫn đến năng suất và hiệu quả sản xuất kinh doanh gặp nhiều hạn chế, thậm chí có cả khu vực 3 ha diện tích thu hoạch không đáng kể. HTX Măng tây xanh Langbiang đang đánh giá toàn bộ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này để thống nhất các giải pháp khắc phục, tháo gỡ.

Có thể những giải pháp cấp thiết của HTX Măng tây xanh Langbiang là vận động thành viên huy động các nguồn vốn của mình kết hợp với nguồn vốn hỗ trợ liên kết để xây dựng nhà kính cho cây măng tây chủ động kiểm soát dịch bệnh, ứng dụng khoa học công nghệ mới trong quá trình chăm sóc, ổn định năng suất thu hoạch và lợi nhuận hàng năm tương tự diện tích măng tây của giám đốc Nguyễn Văn Đóa và các hộ thành viên khác trong HTX. Về lâu dài, bên cạnh giải pháp nhà kính, HTX Măng tây xanh Langbiang tiếp tục tìm kiếm nguồn giống măng tây nhập khẩu mới phù hợp sinh trưởng trong điều kiện thay đổi khí hậu, thời tiết ngoài trời ở xã Nam Hà, huyện Lâm Hà để phát triển theo từng khu vực chuyên canh quy mô lớn hơn trên địa bàn.  

THÁNG 11/2022