Thứ Năm, 18 tháng 8, 2022

Viết nông nghiệp với nhà báo Asean

VĂN VIỆT

Sau nhiều tháng thâm nhập thực tế đồng rau Đà Lạt và các huyện phụ cận, tôi đã thực hiện loạt 6 bài "Đâu rồi hoa lợi hữu cơ" để "đặt lên bàn" của Hội đồng Giám khảo Cuộc thi viết về nông nghiệp với các nhà báo Asean. Đó là một dấu ấn đặc biệt nhất trong nghề phóng viên gần ba thập niên của tôi tại Báo Lâm Đồng- cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Lâm Đồng.

Câu chuyện bắt đầu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Trung ương phối hợp tổ chức Cuộc thi báo chí toàn quốc viết về nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2017- 2020, tôi quyết định tham gia với đề tài “chắt lọc” các nguồn thông tin hoạt động của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, đồng thời hệ thống lại “nguồn vốn chất liệu” trong quá trình lâu năm tác nghiệp, thu thập trên khắp vùng nông nghiệp của 12 huyện, thành trong tỉnh Lâm Đồng. 

Thời điểm này nhìn tổng thể bức tranh nông nghiệp toàn quốc thì nông nghiệp Lâm Đồng với địa hình sinh thái đa dạng các tiểu vùng chuyên canh rau, hoa khu vực thành Đà Lạt cùng các huyện phụ cận; xuống khu vực cao nguyên Di Linh với bạt ngàn cây công nghiệp chè, cà phê, dâu tằm, cây ăn quả; các huyện phía Nam gồm Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên chuyên canh sầu riêng, các loại cây quả và các cánh đồng lúa, nếp quanh năm bội thu trên nền đất phì nhiêu. Trong đó điểm sáng nhất trong các điểm sáng này là nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau, hoa Đà Lạt với nhiều chứng nhận an toàn theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, không chỉ thu hút đầu tư mạnh dạn của nhà nông địa phương mà còn hấp dẫn nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Kết quả loạt 5 bài “Rau, hoa công nghệ cao- nhân rộng bằng cách nào ?” tôi đã nhập cuộc xử lý liền mạch thông tin và được đăng tải vào những ngày cuối tháng 8/2017 trên Báo in và Báo Điện tử Lâm Đồng, phản ánh những kinh nghiệm từ thực tiễn đồng rau, hoa để soi chiếu, tổng hợp, bổ sung chính sách hỗ trợ nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng, đồng thời giúp cho ngành Nông nghiệp các tỉnh, thành trong cả nước tham khảo áp dụng phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương. Cụ thể gồm 5 bài “Rau thả đọt, dâu treo trên không”; “ Giảm gần phân nửa số ngày canh tác”; “ Khi hoa cần vốn và giống bản quyền”; “ Giải pháp chuỗi liên kết và phát triển thương hiệu”; “ 3 giai đoạn và 6 bài học kinh nghiệp”, tôi gửi dự thi và thuyết phục được Hội đồng Giám khảo Cuộc thi báo chí toàn quốc viết về nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tổng hợp số điểm chấm đoạt Giải B (không có giải A) thể loại Báo Điện tử.   

Sau khi tôn vinh, trao chứng nhận các tác giả trong nước đoạt giải, trong đó có Giải B của tôi trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội vào năm 2018, Ban Tổ chức tiếp tục phát động Cuộc thi báo chí viết về nông nghiệp đối với các nhà báo khu vực 10 nước cộng đồng Asean. Tôi trở về lại miền thông tin Nam Tây Nguyên và tiếp tục tư duy đề tài trên cơ sở dữ liệu từ nguồn lao động quá khứ của mình. Nhưng lần này ở “sân chơi” lớn hơn, bởi tầm vóc nông nghiệp 10 nước Asean tác động nền nông nghiệp toàn cầu. Như Thái Lan với các chính sách đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thiết lập hệ thống bảo hiểm rủi ro nông nghiệp cho tất cả nông dân, tích hợp nhiều hoạt động trên đơn vị diện tích đất canh tác, đã tạo động lực để tăng năng suất, chất lượng và giá trị nông sản cạnh tranh thị trường thế giới. Hoặc như Malaysia có nền nông nghiệp phát triển mạnh mẽ trong khu vực Asean, đặc biệt các vùng chuyên canh cây cọ dầu, cao su gắn với chế biến công nghiệp hiện đại, tạo ra dòng sản phẩm xuất khẩu đứng đầu thế giới. Ngoài ra Campuchia với nền nông nghiệp đang trỗi dậy với các loại sản phẩm cây trồng ngày càng mở rộng thị trường xuất khẩu như lúa gạo, cao su, hạt điều, chuối, bắp…Tất cả thành tựu nông nghiệp nổi bật của các nước Asean là nguồn đề tài giá trị thông tin cao, lôi cuốn bạn đọc thông qua kỹ năng xử lý, thể hiện các thể loại tác phẩm báo chí của nhà báo Asean. Trong khi tỉnh Lâm Đồng chỉ là 1 trong 63 nền nông nghiệp địa phương trong cả nước, nên tôi xây dựng đề tài mang tính điển hình trong định hướng phát triển toàn cầu – đề tài về phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Tôi thiết kế đề cương loạt 6 bài viết về nông nghiệp hữu cơ Lâm Đồng với đề tài “Đâu rồi hoa lợi hữu cơ” rồi liên hệ lên lịch tiếp xúc hiện trường sản xuất của các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng các nông hộ ở thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương, huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà. Khoảng hơn 3 tháng liên tục, tôi mới tập hợp xong tư liệu rồi “diễn đạt” thành loạt 6 bài này đăng trên Báo in Lâm Đồng vào giữa tháng 9/2019. Sau đó gửi dự thi với các nhà báo khu vực 10 nước Asean, tôi được Hội đồng Giám khảo chọn vào vòng Chung khảo và quyết định trao tặng Giải Khuyến Khích vào năm 2020.

Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng và triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ bước đầu xác định các vùng sinh thái, xây dựng mô hình, hỗ trợ cấp Chứng nhận hữu cơ, xây dựng quy trình sản xuất hữu cơ trên từng loại cây trồng…Hiện đang còn nhiều nhóm giải pháp triển khai đồng bộ và mạnh mẽ hơn nữa để không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hữu cơ nói riêng, nâng cao vị thế của nông nghiệp Lâm Đồng trên thương trường khu vực Asean và quốc tế nói chung, vì vậy tôi tiếp tục xuống đồng làm nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động tăng tốc hơn nữa về lĩnh vực này bằng tác phẩm báo chí của mình trên Báo Lâm Đồng, tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Lâm Đồng- cơ quan của tôi công tác gần ba thập niên đã qua./.

THANG 8/2022