Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2022

5 bài học kinh nghiệm phát triển nông nghiệp công nghệ cao

VĂN VIỆT

Qua 19 năm phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Lâm Đồng đã tạo sụ chuyển biến mạnh mẽ, đúc kết thành 5 bài học kinh nghiệm thiết thực để tiếp tục triển khai đạt nhiều thành tựu hơn nữa trong thời gian tới.

Thống kê đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có trên 63.896 ha diện tích sản xuất đáp ứng các tiêu chí công nghệ cao, chiếm 21% diện tích đất canh tác. Trong đó có 7 vùng nông nghiệp công nghệ cao và 13 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao được công nhận. Giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt bình quân 400 triệu đồng/ha, chiếm tỷ trọng khoảng 35 - 40% giá trị sản xuất toàn ngành. Nhiều mô hình áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ thông minh đạt doanh thu trên 3 tỷ đồng/ha/năm.  

Bên cạnh công nghệ nhà kính, nhà lưới, tưới tự động...; các quy trình canh tác thủy canh, khí canh (65 ha), thông minh (377 ha), đã từng bước ứng dụng hiệu quả trên những vùng nông nghiệp công nghệ cao Lâm Đồng. Hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có 56 cơ sở nuôi cấy mô thực vật, sản lượng 72 triệu cây giống các loại phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu….

Từ những thành tựu nổi bật trong 19 năm qua, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đúc kết 5 bài học kinh nghiệm phát huy hiệu quả sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới.  

Thứ nhất, phải thường xuyên, đồng bộ trong công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp của nhà nước; đặc biệt tập trung tuyên truyền nhân rộng mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao.

Thứ hai, xác định doanh nghiệp và hợp tác xã là lực lượng tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ cao vào sản xuất; nông dân là chủ thể xây dựng, phát triển các vùng chuyên canh nông nghiệp công nghệ cao.

Thứ ba, phát huy lợi thế cạnh tranh của từng loại cây trồng, vật nuôi phù hợp tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, từng vùng sinh thái. Không phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo phong trào khi chưa có thị trường tiêu thụ.  

Thứ tư, tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính, khoa học công nghệ để chuyển giao nông dân nhanh chóng áp dụng vào thực tế sản xuất.

Thứ năm, Việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải dựa trên các liên minh sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng. Người sản xuất phải gắn kết với nhau cùng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật canh tá, cùng tạo ra khối lượng sản phẩm đồng đều về chất lượng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu…

tháng 8/2022