Thứ Ba, 5 tháng 7, 2022

Phát triển nông nghiệp hữu cơ- ghi nhận bước đầu

VĂN VIỆT

Qua hai năm triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng bước đầu xác định các vùng, khu vực để xây dựng mô hình và từng bước chuyển giao, nhân rộng trên địa bàn.

Sản xuất hữu cơ trên các địa bàn tiềm năng

Theo khảo sát tại huyện Lạc Dương, hiện tại với 8.400 ha diện tích đất sản xuất các loại cây trồng ở đây thì có đến 1.150 ha sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao. Đánh giá thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích đất ở huyện Lạc Dương tính đến giữa năm 2022 gần 320 triệu đồng/ha/năm canh tác thông thường, 500- 800 triệu đồng/ha rau và 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha hoa canh tác trong nhà kính. Toàn huyện Lạc Dương có 2 doanh nghiệp nông nghiệp được cấp Chứng nhận sản xuất theo quy trình hữu cơ quốc tế gồm Công ty TNHH Lanbian VF Dâu rừng với sản phẩm phúc bồn tử đỏ, đen chất lượng cao; Công ty TNHH Jan’S với với các sản phẩm rau, củ, quả tươi và đặc biệt sản phẩm bột cần tây chế biến sấy lạnh.

Bên cạnh đó, huyện Lạc Dương đang có nhiều doanh nghiệp phát triển công nghệ chế biến nông sản theo các chứng nhận an toàn thực phẩm. Như đối với sản phẩm cà phê, Công ty TNHH Bình Hạnh, xã Đạ Sar sơ chế 7.000 tấn hạt nhân/năm; Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ K’Ho rang xay  5- 6 tấn/năm; Hợp tác xã cà phê Arabica Chappi rang xay 2.000 tấn/năm ở xã Đạ Chais…Ngoài ra Hợp tác xã Minh Thọ Organic chế biến 1.000 lít rượu vang phúc bồn tử/năm; Công ty cổ phần Nguyên Long chế biến mỗi 3- 5 tấn nấm hương ăn liền mỗi năm…  

 Với số liệu trên cho thấy, huyện Lạc Dương đã từng bước tận dụng tiềm năng, lợi thế về nguồn đất cao nguyên, khí hậu ôn hòa để phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ gắn với chế biến và tiêu thụ trên thị trường. Hiện tại huyện Lạc Dương đã có 4 khu, 1 vùng được quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời cùng với thành phố Đà Lạt, các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên tập trụng phát triển nông nghiệp hữu cơ trong giai đoạn năm 2020- 2025 của tỉnh Lâm Đồng. Tính chung trên các huyện, thành này, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng điều tra với 45 chỉ tiêu về diện tích sản xuất, năng suất, sản lượng, các loại chứng nhận, vùng sản xuất lân cận, tình hình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn, thuốc phòng trừ bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nguồn nước sử dụng, nguồn nhân lực… phù hợp với sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn. Qua 300 phiếu khảo sát trên diện tích gần 794 ha gồm diện tích trồng trọt gần 667ha, chăn nuôi 127 ha. Thu thập thông tin 32% tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận với các tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP, UTZ, 4C…; 93,2% tổ chức cá nhân có nhu cầu sản xuất nông nghiệp hữu cơ… 

Xây dựng 17 quy trình sản xuất hữu cơ 

Dựa trên dữ liệu phân tích mẫu đất, nước, không khí và điều tra 300 phiếu tại các tổ chức, cá nhân, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã xây dựng và hoạch định các vùng sản xuất hữu cơ phù hợp từng loại cây trồng, vật nuôi trên từng địa bàn huyện, thành trong tỉnh Lâm Đồng. Qua đó xây dựng 17 quy trình về sản xuất hữu cơ đối với các loại cây trồng vật nuôi chủ lực như rau ăn lá, rau ăn quả, rau ăn củ, củ năng, lúa, chè, cà phê vối, cà phê chè, sầu riêng, bơ, chuối, mắc ca, atiso, nấm rơm, đương quy, chăn nuôi bò sữa, bò thịt, gà đẻ trứng. Kết quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã ban hành quy trình canh tác hữu cơ một số loại cây trồng, vật nuôi chủ lực theo Quyết định số 759/QĐ-SNN, ngày 29/12/2021.

Đáng kể đến nay, Trung tâm Khuyến nộng Lâm Đồng đã xây dựng và triển khai 8 mô hình sản xuất hữu cơ trên địa bàn với các loại cây trồng khác nhau. Cụ thể HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Hưng Phát, xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai (10 ha sầu riêng); HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Hưng Phát, xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên (10 ha lúa); Tổ hợp tác Cà phê hữu cơ Đỗ Tùng, xã Hòa Bắc, huyện Di Linh (5,6 ha cà phê); Công ty TNHH Mắc ca Việt, xã Hòa Trung, huyện Di Linh (5 ha mắc ca); HTX Măng tây Langbiang, xã Nam Hà, huyện Lâm Hà ( 4,8 ha măng tây); HTX Củ Năng,  xã Próh, huyện Đơn Dương (2 ha củ năng); Công ty TNHH Trồng trọt - Thương mại Kim Bằng, phường 7, Đà Lạt (1 ha rau ăn củ); Công ty cổ phần Nguyên Long, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương (0,5ha nấm hương).

Các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đều áp dụng đúng quy trình hướng dẫn, sử dụng các loại vật tư đầu vào phù hợp; không sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, sử dụng nguồn nước sạch để tưới; thực hiện ghi chép nhật ký sản xuất, thu gom xử lý rác thải trong quá trình sản xuất, tạo vùng đệm cách ly với sản xuất xung quanh... Từ nay đến cuối năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng tiếp tục theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật, đánh giá hiệu quả kinh tế và hỗ trợ hoàn thành các tiêu chí cấp giấy Chứng nhận sản xuất hữu cơ .”, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết.

THÁNG 7/2022