Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2022

Phòng chống thiên tai cần hiệu quả hơn

VĂN VIỆT

Triển khai công tác phòng, chống thiên tai những tháng còn lại của năm 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đãchủ trì hội nghị trực tuyến toàn tỉnh, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan cần tích cực, chủ động hơn với các phương án đã xây dựng và thông qua.

Thực hiện phương châm “ bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng”

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tình Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong năm 2021 xuất hiện nhiều đợt mưa lớn, có nơi lượng mưa trong 12 giờ lên đến 160mm, gây lũ trên các hệ thống sông Cam Ly, Đa Nhim, Đa Dâng, Đồng Nai. Trong đó đáng kể trên sông Cam Ly tại trạm Thanh Bình, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng xảy ra lũ báo động cấp I đến xấp xỉ cấp II; 9 đợt xấp xỉ báo động cấp III đến trên cấp III. Trên sông Đa Nhim và Đồng Nai đã xuất hiện các đợt mưa lớn, các hồ thủy điện được yêu cầu vận hành điều tiết cắt giảm lũ cho vùng hạ du. Ngoài ra còn xảy ra 16 đợt lốc xoáy và mưa đá, 5 trận sét đánh, làm 2 người chết, 1 người bị thương.  

Tổng hợp thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong năm 2021 trên địa bàn Lâm Đồng ước giá trị khoảng 85 tỷ đồng. Tương ứng với các thiệt hại cụ thể như: 1.784 ha cây trồng; 20 ha nhà kính, nhà lưới; 1,2 ha ao cá; chết hơn 700 con gia cầm, gia súc; hư hỏng gần 380 căn nhà’ sạt lở 120m kênh mương…

Tiếp theo trong những tháng đầu năm 2022, thiên tai trên địa bàn Lâm Đồng gây tổng thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng, bao gồm 438 ha cây trồng, 2 ha nhà kính, 1 ha ao cá, 54 căn nhà, 4 trường học, 1 cầu giao thông. Các loại hình thiên tai xuất hiện trong thời gian này như: 4 đợt mưa lớn, 2 đợt lốc xoáy, 1 đợt mưa đá, 1 đợt lốc xoáy…

“Trong những năm qua, toàn hệ thống chính trị từ tỉnh Lâm Đồng đến địa phương đã vào cuộc quyết liệt, thường xuyên chỉ đạo tham mưu ứng phó, khắc phục hậu quả, kịp thời có các giải pháp chính xác, hiệu quả, thực hiện phương châm “ bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng”,  đã giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản, góp phần sớm ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất của người dân”, theo đánh giá của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Đảm bảo an toàn hồ đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi

Kết quả năm 2021, tỉnh Lâm Đồng được Ban Chỉ đạo quốc gia và phòng chống thiên tai và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc xếp hạng 12/63 tỉnh, thành phố về công tác phòng, chống thiên tai. Theo đó ngân sách tỉnh Lâm Đồng đã trích chi gần 90,5 tỷ đồng, Quỹ Phòng chống thiên tai chi hơn 11,8 tỷ đồng triển khai phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bên cạnh đó lắp đặt thêm 10 trạm đo mưa tự động chuyên dùng, 8 trạm cảnh báo lũ thông minh trên địa bàn. Chưa kể bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh Lâm Đồng chú trọng đầu tư nâng cấp, sửa chữa đối với các công trình hồ đập, thủy lợi, kè chống sạt lở, từ đótiếp tục nâng cao năng lực ứng phó trong phòng, chống thiên tai.

Dự báo đến cuối năm 2022, mùa mưa đến sớm hơn 10- 15 ngày so với quy luật nhiều năm. Trước mắt cảnh báo thời điểm từ nay đến tháng 8/2022 cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, sét, mưa đá, lốc...Riêng khu vực biển Đông trong những tháng cuối năm 2022 có từ 4- 6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta với cường độ mạnh…

Để chủ động ứng phó với tình hình mưa bão những tháng cuối năm 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chỉ đạo tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, cấp xã để triển khai một số biện pháp cấp bách đảm bảo an toàn hồ đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi, đồng thời chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với mưa bão, ngập lụt, sạt lở đất, lốc, sét và tai nạn đuối nước.


Đặc biệt tổ chức trực ban 24/24 giờ nắm chắc tình hình mưa lũ để  chỉ đạo ứng phó hiệu quả. Qua đó thông tin kịp thời đến vùng sâu, vùng xa, vùng ven sông suối, hạ lưu các hồ đập, vùng trũng thấp, nhằm chủ động ứng phó và triển khai di dời người dân đến nơi an toàn. Đối với các điểm xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, yêu cầu địa phương lập kế hoạch di dời dân đến nơi an toàn, đảm bảo ổn định cuộc sống.

“ Các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan luôn chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời ứng phó cứu nạn, cứu hộ, đưa người dân đến nơi an toàn tham gia khắc phục hậu quả do lũ lụt, lốc xoáy, mưa đá gây ra và hỗ trợ kinh phí, lương thực và nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân trong vùng  ảnh hưởng thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ ” và “ba sẵn sàng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S nhấn mạnh.

tháng 6/2022