Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2022

Giải pháp toàn diện, hiện đại và bền vững cho cây trồng

VĂN VIỆT

Đến năm 2025, Lâm Đồng phấn đấu đạt tỷ trọng trồng trọt 75-80% trong cơ cấu nội bộ ngành Nông nghiệp, đạt giá trị thu nhập bình quân 220 triệu đồng/ha/năm. Hướng đến mục tiêu này, Lâm Đồng xác định giải pháp cơ cấu ngành Nông nghiệp cần triển khai toàn diện, hiện đại và bền vững.

Chuyển đổi cây trồng phù hợp trên các vùng sinh thái

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, giải pháp toàn diện cho cây trồng ở các huyện, thành trong tỉnh Lâm Đồng trước hết tiếp tục phát huy lợi thế cạnh tranh theo từng khu vực đặc trưng thổ nhưỡng, khí hậu để chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, nhất là xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển cây trồng chủ lực, công nghệ cao, hình thành những vùng chuyên canh với các vùng sinh thái trên địa bàn. Theo đó vùng sinh thái thành phố Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà chuyển đổi cây rau giống cũ, cây cà phê già cỗi, giá trị kinh tế thấp sang canh tác cây rau, hoa, dược liệu giống mới giá trị kinh tế cao. Kế tiếp trên các vùng sinh thái thuộc phạm vi địa giới các huyện Đam Rông, Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc tập trung chuyển đổi cây chè hạt sang trồng cây chè cành và chè Đài Loan chất lượng cao. Bên cạnh đó phát triển trồng xen canh cây che bóng, chắn gió và các loại cây ăn quả khác trên các diện tích cà phê ghép cải tạo, tái canh trồng mới. Riêng cây cà phê trên các khu vực địa hình đất dốc, thiếu nước phải chuyển đổi sang canh tác cây trồng nông lâm kết hợp. Ngoài ra còn mở rộng diện tích cây dâu tằm, các loại cây dược liệu, cây ăn quả đặc sản ở địa phương. Và ở các vùng sinh thái thuộc địa giới các huyện Đam Rông, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên tập trung nhân rộng các mô hình sản xuất giống lúa chất lượng cao; tiếp tục tái canh và chuyển đổi cây điều giống mới đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Những diện tích đất lúa một vụ, đất nương rẫy ở đây cần chuyển sang canh tác các loại cây dược liệu, cây ăn quả, dâu tằm và các loại cây rau, màu khác.

“Các huyện, thành phố trong tỉnh Lâm Đồng căn cứ hiện trang sản xuất nông nghiệp để ban hành các kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mô hình canh tác ở địa phương. Trong đó lựa chọn đầu tư các mô hình điểm đại diện cho từng nhóm cây trồng để nhân rộng trên từng vùng sinh thái. Qua đó giảm diện tích đất canh tác kém hiệu quả, nâng cao giá trị đất sản xuất nông nghiệp trên từng vùng, từng địa bàn.”, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Tăng cường giải pháp kỹ thuật hiện đại cho cây trồng


Gắn chuyển đổi với nâng cao chất lượng nông sản thu hoạch, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng xác định và triển khai các nhóm giải pháp áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại sản giống cây trồng chất lượng cao, phù hợp với từng vùng sinh thái nói trên. Trước mắt ưu tiên hỗ trợ đầu tư nghiên cứu phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả đầu dòng và các loại giống rau, hoa cao cấp khác. Đặc biệt xã hội hóa hiệu quả trong việc triển khai đề án nhập khẩu các giống rau, hoa có bản quyền, nhằm góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản của địa phương. Đến khâu canh tác, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng xác định những nhóm giải pháp phát triển hơn nữa nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ đối với đa dạng cây trồng trên địa bàn, rút ngắn chênh lệch trình độ canh tác giữa các vùng. Cụ thể tăng cường áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ số, công nghệ thông tin trong các khâu của chuỗi giá trị nông sản. Về phía các cơ quan chuyên môn trong ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tập trung rà soát, đánh giá, lập hồ sơ công nhận các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ…

Đồng thời với phát triển toàn diện, hiện đại, cây trồng trên các vùng sinh thái Lâm Đồng đã và đang triển các nhóm giải pháp phát triển an toàn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng chống thiên tai và dịch bệnh; đẩy mạnh chế biến, phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP và xúc tiến thương mại. Đó là đầu tư các Trung tâm Sau thu hoạch trên các vùng rau Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương; hỗ trợ xây dựng và chứng nhận 80- 100 mã vùng trồng đối với các mặt hàng nông sản chủ lực; hình thành cổng nông sản điện tử tỉnh Lâm Đồng trên sàn thương điện tử nông sản quốc gia; nhân rộng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân sản xuất gắn với sơ chế, chế biến và tiêu thụ nông sản ổn định, lâu dài.

“Toàn tỉnh Lâm Đồng phấn đấu mỗi năm tăng ít nhất 10% số chuỗi và số hộ tham gia, 20% giá trị nông sản. Đến năm 2025 đạt 265 chuỗi với hơn 26.700 hộ tham gia, nâng tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua chuỗi từ 50% trở lên…”, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng cho biết thêm.

THÁNG 6/2022