Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2022

Mười năm tăng trưởng nông nghiệp ở Bảo Lâm

VĂN VIỆT

Mười năm triển khai các giải pháp phối hợp đồng bộ, huyện Bảo Lâm đã đạt tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực, trong đó đáng kể về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp với những chỉ tiêu đột phá trên địa bàn.

Tăng 86% năng suất cây cà phê

Đánh giá của UBND huyện Bảo Lâm cho biết, trong mười năm qua, sản xuất nông nghiệp huyện Bảo Lâm phát triển theo hướng toàn diện, bền vững, hiện đại, tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế đối với các loại cây trồng chủ lực. Theo đó, toàn huyện Bảo Lâm đã ghép cải tạo, trồng tái canh gần 84,6% diện tích cà phê, tương ứng hơn 28.424 ha, năng suất trung bình đạt gần 3,5 tấn/ha, tăng đến 86% so với mười năm trước. Tương tự với cây chè giống mới, toàn huyện Bảo Lâm chuyển đổi hơn 82,3% diện tích, 

năng suất tăng lên 14,5 tấn/ha. Và diện tích các loại cây ăn quả như bơ, sầu riêng được chuyển đổi trồng mới hơn 4.656 ha theo quy trình VietGAP, đạt giá trị thu nhập cao. Tính bình quân giá trị sản xuất trẹn 1ha ở huyện Bảo Lâm hiện đạt khoảng 140 triệu đồng/ha/năm, tăng 75 triệu đồng so với năm 2010 và 30 triệu đồng so với năm 2015. Tính chung tổng giá trị sản xuất trên bàn huyện Bảo Lâm tăng 12,38%, trong đó ngành nông lâm nghiệp, thủy sản tăng 7,83%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2,3%; riêng hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn dưới 4,94%.

Bên cạnh trồng trọt, huyện Bảo Lâm sau mười năm đã phát triển 37 trang trại chăn nuôi với gần 45.000 con gia súc; 480.000 con gia cầm, thủy cầm; 228 ha diện tích nuôi trồng thủy sản (sản lượng 4.000 tấn/năm). Trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp Bảo Lâm, tỷ trọng chăn nuôi đạt 9,4%. So với các nước tiên tiến trên thế giới, các doanh nghiệp chăn nuôi ở huyện Bảo Lâm đạt tỷ lệ 85- 90% chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật như: Công ty Chăn nuôi heo CP, Công ty Bò Kobe, Công ty Bel Gà…

Tất cả 14 xã, thị trấn trong huyện Bảo Lâm ngày càng mở rộng mạng lưới khuyến nông, thú y cơ sở hướng dẫn, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật mới cho người dân xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình trong chăn nuôi theo hướng bảo vệ môi trường và an toàn dịch bệnh.

Đến nay thống kê toàn huyện Bảo Lâm có 102 hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, chủ yếu hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất gắn với sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó 13 chuỗi liên kết hoạt động khá hiệu quả với 6 sản phẩm xếp hạng OCOP 3 sao cấp huyện, 4 sao cấp tỉnh Lâm Đồng.

“Kinh tế của huyện Bảo Lâm tiếp tục tăng trưởng khá, quy mô và chất lượng được nâng lên, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Trong đó cơ cấu  giống cây trồng và vật nuôi được chuyển đổi theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả, từng bước tiếp cận với sản xuất hàng hóa. Huyện Bảo Lâm đã xúc tiến xây dựng hồ sơ và đề nghị cấp có thẩm quyền chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa Bơ Bảo Lâm, Cà phê Bảo Lâm…”, UBND huyện Bảo Lâm nhận định.

Thu nhập 160 triệu đồng/ha/năm vào năm 2025

Trong 13 chuỗi liên kết mười năm qua trên địa bàn với sự tham gia của 8 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã phát triển sản xuất cà phê bền vững, sản xuất bơ, sầu riêng chất lượng cao, chăn nuôi heo, nuôi chim cút…theo quy trình VietGAHP gắn với thị trường tiêu thụ ổn định. Ngoài ra toàn huyện Bảo Lâm đã thu hút 160 doanh nghiệp đầu tư  với tổng nguồn vốn 1.540 tỷ đồng, trong đó chiếm tỷ lệ lớn đầu tư sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp.

Phát huy những thành tựu đạt được trong mười năm qua, huyện Bảo Lâm đã thông qua 5 chương trình đột phá phát triển đến năm 2025, trong đó có 3 chương trình trọng tâm trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gồm; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, thực hiện Chương trình OCOP gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đầu tư có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Để hiện thực hóa các chương trình trọng tâm đột phá phát triển, huyện Bảo Lâm tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững, hiện đại, giá trị gia tăng cao với phương châm “doanh nghiệp là nòng cốt, kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác là trung tâm, nông dân là chủ thể”. Trong đó chú trọng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chăn nuôi. Đặc biệt xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, phấn đấu đến năm 2025, huyện Bảo Lâm tăng giá trị thu nhập lên 160 triệu đồng/ha/năm, đồng thời nâng tỷ trọng chăn nuôi lên 11% trong cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương./.

tháng 6/2022