Thứ Tư, 18 tháng 5, 2022

Quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông sản - những chuyển biến

VĂN VIỆT

Hơn 4 năm thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ, công tác quản lý bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm trên địa bàn Lâm Đồng có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận, nhất là đối với nhiều loại nông sản thực phẩm chủ lực như rau, quả, cà phê…

Mở rộng sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP

Theo đó, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm VietGAP với tổng diện 5.694 ha, tương ứng tổng sản lượng 350.374 tấn/năm. Trong đó gồm các loại cây trồng: Rau (gần 3.158,5 ha); cây ăn quả (hơn 1.221,6 ha); chè (gần 535,5 ha); lúa ( gần 454,2 ha); cà phê (274,5 ha); dược liệu (46,4 ha); tiêu (3 ha). Riêng diện tích cà phê sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng đồng bộ, bền vững 4C, UTZ, Rainforest là 86.000 ha, tổng sản lượng đạt gần 268.177 tấn/năm.

Đến hết năm 2021, tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng được 182 chuỗi với 18.386 hộ liên kết trồng trọt đạt hơn 30.281,5 ha với sản lượng 392.938 tấn. Phần lớn nông dân đã liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đạt chất lượng an toàn thực phẩm. Kết quả đối với các sản phẩm rau, củ quả tươi tiêu thụ tại các thị trường cao cấp trong nước và xuất khẩu đã tăng thêm giá trị từ 20 – 25%. Tính chung 4 năm qua, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã tiến hành cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 1.067 lượt cơ sở gồm 590 cơ sở do cấp tỉnh quản lý, 477 cơ sở do cấp huyện quản lý..

Cùng thời gian trên, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã tiến hành 6 đợt truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên địa bàn. Cụ thể năm 2018 với 1 đợt lấy mẫu thực phẩm phân tích tại các Công ty TNHH Trà Việt Vương, Tâm Châu, Ánh Linh Phúc, Phú Toàn, Vĩnh Tiến, kết quả đã không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng an toàn. Tương tự đến năm 2019 tiến hành 4 đợt kiểm tra tại các Công ty TNHH thực phẩm Đại Bình Dương, Thiên Hương, Vệ Việt Hằng, Phong Giang, Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco... đều ghi nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, các mẫu thực phẩm phân tích đều đạt chất lượng an toàn. Đến năm 2020, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tiến hành 1 đợt kiểm tra đột xuất 14 cơ sở phát hiện có mẫu giám sát thực phẩm không an toàn. Qua đó yêu cầu 14 cơ sở  truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân, thực hiện các biện pháp khắc phục kịp thời.

Số cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm càng ngày càng tăng cao

Đáng chú ý, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng trong giai đoạn năm 2018- 2021 đã phối hợp UBND các huyện, thành trong tỉnh kiểm tra, thu hồi 13 sản phẩm vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm gồm: Pate Minh chay, Pate nấm hầu thủ, Ruốc nấm Hevi hảo hạng, Muối vừng bát bảo vị đặc biệt, Ruốc nấm Hevi hương thảo mộc, Giò lụa lúa mì, Muối lạc truyền thống, Chả quế lúa mì, Muối vừng bát bảo, Giò nấm lúa mì, Ruốc nấm truyền thống, Ruốc nấm sả ớt, Ruốc nấm cháy tỏi...

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng cũng đã tổ chức 99 đợt, cuộc thanh tra, kiểm tra, thẩm định an toàn thực phẩm đối với 799 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản. Kết quả đã xử phạt vi phạm hành chính 46 trường hợp vi phạm với tổng số tiền gần 205 triệu đồng.

“Nhìn chung công tác quản lý bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm trong giai đoạn năm 2018- 2021 trên địa bàn Lâm Đồng có tiến bộ, các nông sản, thực phẩm chủ lực như rau, quả, cà phê.. cơ bản đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm. Điều kiện an toản thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã được cải thiện hơn. Ý thức của đa số cơ sở sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp đã có chuyển biến tốt, chủ động đầu tư, xây sửa, bố trí sản xuất phù hợp với quy định về điều kiện an toàn thực phẩm, số cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm ngày càng ít hơn, số cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm càng ngày càng tăng cao... ”, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đánh giá.

THÁNG 5/2022