Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2022

Nông nghiệp bền vững – tiếp tục những giải pháp chuyển đổi

VĂN VIỆT

Ngành nông nghiệp Lâm Đồng đang cần những giải pháp chiến lược sản xuất hàng hóa nông sản có giá trị và sức cạnh tranh cao, nhằm tiếp tục mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030.

Tái cơ cấu các cây trồng chủ lực

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, giải pháp xuyên suốt để phát triển nông nghiệp bền vững trong năm, mười năm tới trên địa bàn cần tập trung chuyển đổi, mở rộng quy mô canh tác các cây trồng chủ lực gắn với sơ chế, chế biến và thị trường tiêu thụ.

 Cụ thể đối với cây rau trong giai đoạn năm 2022-2025 mở rộng thêm khoảng 800-900 ha, nâng tổng diện tích canh tác toàn tỉnh Lâm Đồng đạt trên 27.000 ha, tương ứng diện tích gieo trồng khoảng 75.500-76.000 ha. Đây là diện tích chuyển đổi từ đất lúa 1 vụ sang trồng các loại rau có giá trị kinh tế cao như ớt ngọt, khoai tây, hành tây, pó xôi, cà rốt; các loại rau, củ baby; bí Nhật, xà lách cao cấp ở các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Lạc Dương; trồng măng tây, dưa leo, cải xanh, cải thìa tại huyện Bảo Lâm và các huyện phía Nam. Với cây hoa phát triển diện tích sản xuất đến năm 2025 từ 3.700 -3.800ha, sản lượng khoảng 4 tỷ cành và 350 triệu chậu, tập trung địa bàn thành phố Đà Lạt, các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà. Trong đó tiếp tục ổn định sản xuất đối với các loại hoa cắt cành truyền thống như cúc, hồng, lay ơn…và mở rộng diện tích sản xuất các giống hoa mới có giá trị cao, phù hợp với điều kiện từng khu vực sinh thái như hoa lan, cẩm chướng, cát tường, oải hương, thu hải đường...

Tương tự với cây cà phê tiếp tục thực hiện tái canh, ghép cải tạo; nhân rộng mô hình sản xuất gắn với bảo vệ môi trường cảnh quan bền vững. Theo đó ưu tiên sử dụng các giống cà phê vối ghép có năng suất, chất lượng vượt trội và độ đồng đều cao, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng cơ giới hóa trong canh tác, thu hoạch cà phê vối như TR4, TR9, TR11, TS5, Thiện Trường, Hữu Thiên; cà phê chè như THA1, TN1, TN2; đặc biệt khôi phục và phát triển các giống cà phê chè đặc hữu, chất lượng cao như  Bourbon, Typica, Catuara tại thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương. Tính chung giai đoạn 2022-2025 diện tích cà phê toàn tỉnh Lâm Đồng ổn định khoảng 160.000 ha, năng suất đạt trên 3,5 tấn/ha, trong đó có trên 70% diện tích sản xuất theo các quy trình tiêu chuẩn chất lượng, năng suất bình quân trên 3,6 tấn/ha.

Với địa bàn huyện Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc chuyển đổi khoảng 2.000 ha chè hạt, chè già cỗi năng suất thấp sang canh tác chè cành cao sản và chè Đài Loan, phấn đấu năm 2025 đạt tỷ lệ 20%, diện tích chè Đài Loan với năng suất bình quân trên 14,5 tấn/ha. Đến năm 2030 ổn định diện tích chè toàn tỉnh Lâm Đồng khoảng 11.300 ha, trong đó có trên 7.600 ha diện tích chè công nghệ cao. Các huyện Đam Rông, Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, thành phố Bảo Lộc trồng cây ăn quả chủ lực xen cây công nghiệp như sầu riêng, bơ, măng cụt và trồng thuần chuối Laba, chanh dây; khu vực thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương, huyện Đơn Dương phát triển các loại cây đặc sản hồng, mận, đào và các cây ăn quả ôn đới khác gắn với phát triển du lịch canh nông; tại 3 huyện phía Nam Lâm Đồng xây dựng các vùng trồng cây ăn quả được cấp mã số phục vụ nhu cầu xuất khẩu như: sầu riêng; chôm chôm, na thái, măng cụt, bưởi da xanh, bưởi Rubi...Đến năm 2025 quy mô diện tích cây ăn trái toàn tỉnh Lâm Đồng đạt khoảng 35.000 ha, năng suất bình quân 15,8 tấn/ha, trong đó có 15.000 ha sầu riêng, 9.000 ha bơ…Ngoài ra toàn tỉnh Lâm Đồng phát triển diện tích các loại cây trồng chủ lực khác đến năm 2025 gồm khoảng 2.000 ha cây dược liệu dưới tán rừng, trên đất nông nghiệp; 8.000 ha cây mắc ca; 21.000 ha cây điều;  15.000 ha lúa chuyên canh; 1.500 ha bắp lai LVN 146; LVN 4, LVN10; NK54; CP555…

Phát triển chuỗi giá trị sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ

Bên cạnh việc chuyển đổi ổn định diện tích và quy trình canh tác các cây trồng chủ lực, giải pháp chiến lược cần tập trung nhân rộng mô hình liên kết sản xuất gắn với sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo nhu cầu thị trường, xác định hợp tác xã và doanh nghiệp là tác nhân chính để phát triển chuỗi giá trị giá tăng. Qua đó phấn đấu mỗi năm tăng ít nhất 10% số chuỗi và số hộ tham gia, tăng 20% giá trị nông sản. Đến năm 2025 toàn tỉnh Lâm Đồng có 265 chuỗi, đạt 50% tỷ lệ tiêu thụ nông sản qua chuỗi giá trị. Đến 2030 toàn tỉnh Lâm Đồng có ít nhất 300 chuỗi liên kết hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 5 chuỗi quy mô lớn đại diện cho một số ngành hàng chủ lực; tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua chuỗi đạt trên 60%...

“Lâm Đồng tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã nhân rộng và xây dựng mới các Trung tâm sau thu hoạch, các dự án sơ chế, bảo quản nông sản, đặc biêt triển khai hiệu quả Dự án Trung tâm giao dịch hoa. Đến năm 2025, tỷ lệ nông sản qua sơ chế, chế biến đạt trên 80%; tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch giảm còn dưới 13%. Đến 2030  tỷ lệ nông sản qua sơ chế, chế biến đạt trên 90%; tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch giảm dưới 8%...”, theo mục tiêu phấn đấu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng.

THÁNG 5/2022