VĂN VIỆT
Với biện pháp xen canh sầu riêng và trà dây trong rừng dó bầu ở xã Liêng Srônh, Đam Rông, Công ty cổ phần Dó bầu hương Quảng Nam đã và đang mang lại doanh thu 3 trong 1 với nhiều triển vọng phát triển theo hướng sản phẩm đạt các tiêu chí OCOP của tỉnh Lâm Đồng.
Vào thời điểm đầu tháng 9/2021 là tháng cuối cùng, khu rừng dó bầu gần 170ha của Công ty Dó bầu hương Quảng Nam thu hoạch…vụ mùa xen canh sầu riêng Monthong và Ri6 cây giống ghép nguồn gốc từ Thái Lan được chọn tạo, nhân giống tại Việt Nam. Ông Hoàng Duy Thành, Giám đốc Công ty này cho biết, vụ mùa sầu riêng xen canh với cây trầm hương năm 2021 tại thôn 1, xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông ước tổng sản lượng khoảng 30 tấn/1.000 cây. So sánh chỉ bằng 1/3 sản lượng năm 2020. Nguyên nhân do cây dó bầu không chỉ ngày càng phát triển đường kính gốc, chiều cao mà còn mở rộng đường kính tán lá, khiến cho không gian sinh trưởng của cây sầu riêng trồng xen phải thu hẹp dần, tỷ lệ đậu trái phải giảm xuống tương ứng. Tuy nhiên nhờ sinh trưởng trong môi trường hữu cơ tự nhiên trong lành giữa rừng dó bầu, nên chất lượng quả sầu riêng trồng xen canh đã “thuyết phục” được thương lái gần xa đến đây thu mua trực tiếp với giá thành dành cho 100% sản phẩm loại 1 cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng, trung bình trên dưới 50.000 đồng/kg.
Đáng kể với sự tương tác sinh trưởng bên cạnh cây sầu riêng là cây dó bầu với các tầng lá cũng đã được thu hoạch, chế biến thành công các loại trà thương phẩm từ giữa năm 2020 đến nay. Cụ thể với tỷ lệ 5 kg nguyên liệu lá tươi chế biến 1 kg thành phẩm trà dó bầu dạng trà ô long viên tròn, Công ty cổ phần Dó bầu hương Quảng Nam đã hợp tác với một doanh nghiệp trà o long quy mô lớn trong tỉnh Lâm Đồng chế biến 4 đợt trong 1 năm vừa qua, mỗi đợt cho ra 30- 40kg thành phẩm, bán ra thị trường các đô thị lớn trong nước với giá ổn định 600- 800.000 đồng/kg.
Đến nay, Công ty của ông Hoàng Duy Thành đã đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng xây dựng tương đối hoàn chỉnh nhà xưởng, dây chuyền máy móc chế biến trà thảo dược thương phẩm từ cây dó bầu, đạt công suất chế biến tối đa 1 tấn lá nguyên liệu tươi mỗi ngày, tương ứng với 200kg trà khô thành phẩm, thu hút 15 công nhân vận hành máy móc và 50 công nhân thu hái lá tươi.
Đặc biệt cũng với dây chuyền máy móc chế biến trà thảo dược dó bầu, Công ty cổ phẩn Dó bầu hương Quảng Nam cũng đã đưa vào chế biến sản phẩm trà dây trồng dưới tầng thực vật thấp nhất trong rừng dó bầu gần 170ha ở xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông. Tính riêng kết quả hơn 8 tháng đầu năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid- 19 bùng phát trong nước, công ty của ông Hoàng Duy Thành đã chế biến và phân phối ra thị trường hàng trăm ký trà dây thành phẩm mỗi tháng. Tỷ lệ chế biến trà dây ở đây tương tự như chế biến trà thảo dược do bầu, cụ thể 5kg tươi thành 1kg khô nêu trên.
“Hiện tại công ty chúng tôi đang thâm canh hơn 150.000 cây dó bầu trên dưới 11 năm tuổi. Hàng năm vẫn thường xuyên trồng mới thay thế những cây bị chết vì sâu bệnh, đồng thời tận dụng cưa hạ sát gốc đưa vào chế biến xay nghiền thành bột làm nguyên liệu sản xuất nhang trầm hương. Toàn bộ kỹ thuật chăm sóc cây dó bầu cùng cây sầu riêng và trà dây xen canh đều tuân thủ theo quy trình hữu cơ, tuyệt đối an toàn sức khỏe đối với người lao động và an toàn thực phẩm đối sản phẩm thu hoạch, chế biến, phân phối ra thị trường… ”, Giám đốc Hoàng Duy Thành thông tin về chất lượng sản phẩm công bố từ công ty của mình.
Cũng theo Giám đốc Hoàng Duy Thành, trong vài năm tới, Công ty cổ phần Dó bầu hương Quảng Nam bắt đầu khai thác từng hàng cây dó bầu từ 6 năm tuổi trở lên đưa vào chiết xuất tinh dầu tại chỗ, trung bình từ 20- 30cây chiết xuất thành 1 lít tinh dầu, giá thị trường thế giới thời điểm đầu tháng 9/2021 là 20.000USD/lít. Công ty vừa khai thác vừa trồng mới và vừa bảo tồn giữ lại một khu rừng trồng thuần hàng chục ngàn cây dó bầu để phục vụ nhu cầu nghiên cứu của các nhà khoa học, doanh nghiệp và tham quan du lịch, trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước khi dừng chân tại xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông, tọa lạc bên đường Quốc lộ 27.
Với hình thức sản xuất sầu riêng, trà dây rừng xen canh giữa rừng dó bầu của Công ty cổ phần Dó bầu hương Quảng Nam tại xã Liêng Srônh, ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông đánh giá đây là hướng phát triển đáng khích lệ, nhằm tạo ra sản phẩm OCOP mới đạt giá trị cao kết hợp với xây dựng mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng của địa phương../.
tháng 9/2021