Thứ Hai, 27 tháng 9, 2021

Chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu địa phương

VĂN VIỆT

Trong những năm qua, nhờ chủ động gắn với vùng nguyên liệu địa phương, ngành công nghiệp chế biến nông sản Lâm Đồng đã từng bước phát triển đáng ghi nhận.

Nông sản chế biến đa dạng, phong phú

Với  định hướng phát triển công nghệ bảo quản, chế biến các sản phẩm nông sản chủ lực, có thế mạnh như chè, cà phê, rau, hoa, tơ tằm, dược liệu và thực phẩm chức năng…, kể từ năm 2015 đến nay, các cơ chế, chính sách của tỉnh Lâm Đồng luôn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nâng cấp dây chuyền máy móc hiện đại, quy mô lớn tại các khu, cụm công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu tập trung chất lượng cao. Theo đó toàn tỉnh Lâm Đồng đã quy hoạch và xây dựng 2 Khu Công nghiệp (KCN) chế biến nông, lâm sản Phú Hội của huyện Đức Trọng và  Lộc Sơn của thành phố Bảo Lộc; 4 Cụm Công nghiệp Ka Đô (Đơn Dương), Tân Châu (Di Linh),  Đạm Ri (Đạ Huoai) và  Phát Chi (Đà Lạt) gắn với nguồn nguyên liệu nông sản tại chỗ…

 Kết quả Lâm Đồng đã thu hút đầu tư Nhà máy Chế biến cà phê, ca cao xuất khẩu của Công ty TNHH Thương phẩm Atlantic Việt Nam hoạt động với công suất 50.000 tấn sản phẩm/năm tại KCN Lộc Sơn, thành phố Bảo Lộc và 3.000 tấn sản phẩm/năm tại KCN Phú Hội, huyện Đức Trọng. Tại KCN Phú Hội, huyện Đức Trọng còn có Nhà máy chế biến nông sản của Công ty cổ phần đầu tư và sản xuất nông sản Trình Nhi, công suất mỗi năm 8.100 tấn rau sơ chế, 750 tấn rau cấp đông, 200 tấn rau sấy khô. Và Nhà máy sản xuất tơ và dệt lụa của Công ty TNHH SunFeel Việt Nam đạt công suất mỗi năm 2,2 triệu mét lụa, 300 tấn sản phẩm tơ. Tại KCN Lộc Sơn với Nhà máy bia Sài Gòn - Lâm Đồng đạt công suất 100 triệu lít/năm. Ở Cụm công nghiệp Phát Chi, Đà Lạt  Nhà máy sợi len lông cừu Đà Lạt đạt công suất 2.000 tấn/năm.

Ngoài ra ở các vùng nguyên liệu tập trung trong tỉnh Lâm Đồng, các doanh nghiệp tiêu biểu với những sản phẩm nông sản chế biến cạnh tranh trên thị trường như: Nhà máy chế biến Artichaut của Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng, công suất 300 tấn trà dược thảo/năm; Nhà máy chế biến rau, củ, quả xuất khẩu của Công ty cổ phần Viên Sơn tại huyện Đức Trọng, công suất  6.500 tấn/năm...

“Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc luôn chủ động và tích cực phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị, máy móc, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, chương trình OCOP…Thông qua chương trình hỗ trợ từ các nguồn kinh phí khuyến công, xúc tiến thương mại, sản xuất sạch hợn, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…,các doanh nghiệp chế biến nông sản được khuyến khích sáng tạo, phát triển các sản phẩm mới, nhằm tạo sự đa dạng và phong phú, nâng cao chất lượng và giá trị hàng hóa đặc trưng của Lâm Đồng trên thị trường trong nước và xuất khẩu…”, theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng.

Tăng sản lượng rau chế biến bằng công nghệ hiện đại

Tuy nhiên cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, công nghiệp chế biến nông sản vẫn còn nhiều hạn chế về tăng trưởng, chủ yếu vẫn là sản phẩm sơ chế có giá trị gia tăng thấp; liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ của một số ngành hàng chưa chặt chẽ. Tổn thất sau thu hoạch còn 15-20%. Sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm khoảng 15-30%. Hàm lượng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến nông sản chưa cao do các doanh nghiệp, đơn vị còn gặp khó khăn, thiếu nguồn lực để đầu tư; đội ngũ cán bộ kỹ thuật, lao động có tay nghề cao còn thiếu…

Để từng bước khắc phục hạn chế, bất cập, nhằm  xây dựng và mở rộng các vùng sản xuất nông sản lớn, thuận lợi giao thông, lao động, logistics, có tiềm năng trở thành động lực tăng trưởng cho các địa phương, Lâm Đồng tiếp tục khuyến khích lựa chọn, thu hút các doanh nghiệp “đầu tàu”, đặc biệt các công ty, tập đoàn lớn về chế biến, kinh doanh các ngành hàng nông sản có thương hiệu nổi tiếng để dẫn dắt, vận hành chuỗi giá trị một cách thông suốt, hiệu quả.  Đồng thời cũng khuyến khích phát triển các doanh nghiệp chế biến nông sản quy mô nhỏ và vừa để chế biến, tiêu thụ sản phẩm tại chỗ theo cụm liên kết theo từng ngành hàng cho người nông dân.

Giải pháp trọng tâm tiếp theo là rà soát, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư lấp đầy diện tích KCN Lộc Sơn và Phú Hội và các cụm công nghiệp trọng điểm, mục tiêu vào năm 2023, toàn bộ 100% sản phẩm của chuỗi được kiểm soát nguồn gốc, chất lượng và được sơ chế, chế biến. Trong đó sản lượng rau các loại có tối thiểu 80% được sơ chế, 20% được chế biến bằng công nghệ hiện đại. 

Tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng tăng lên 50% sản lượng, góp phần nâng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 220 triệu đồng/ha. Đến năm 2030, quy hoạch đầu tư xây dựng 1 - 2 KCN, lấp đầy 100% các cụm công nghiệp; hoàn thành 2 Trung tâm Logistics tại thành phố Bảo Lộc và huyện Đức Trọng…/.

THÁNG 9/2021