Thứ Năm, 9 tháng 9, 2021

Phát triển HTX Nông nghiệp cần giải pháp chiến lược

VĂN VIỆT

Để phát triển
Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên toàn tỉnh Lâm Đồng trong thời kỳ hội nhập sâu rộng với quốc tế, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục triển khai những nhóm giải pháp chiến lược liên kết giữa các nông hộ dưới tổ chức HTX, sau đó liên kết và kết nối với các doanh nghiệp, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh thị trường trong nước, quốc tế và tăng giá trị cho chuỗi sản phẩm.

117 HTX Nông nghiệp xếp loại hoạt động khá và tốt

Thống kê của Sở Nông nghiệp &PTNT Lâm Đồng trong 20 năm qua, tổng số HTX Nông nghiệp trên toàn địa bàn từ 30 HTX tăng lên khoảng 329 HTX. Trong đó 114 HTX được thành lập và hoạt động hiệu quả theo hình thức tổ chức sản xuất của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cụ thể quy mô hoạt động với 35 HTX Nông nghiệp cấp xã trong năm 2002;  25 HTX Nông nghiệp cấp huyện trong năm 2013. Đặc biệt có 58 HTX Nông nghiệp xây dựng kho xưởng chế biến, đóng gói sản phẩm, đăng ký các chứng nhận và tiêu chuẩn an toàn.  Kết quả xếp loại HTX Nông nghiệp cuối năm 2020 cho thấy, trong tổng số 329 HTX Nông nghiệp gồm có: 28 HTX xếp loại tốt; 89 HTX xếp loại khá; 128 HTX xếp loại trung bình... Ước đến hết năm 2021 tổng số lao động thường xuyên trong HTX khoảng: 12.000 lao động. 

Cũng tính riêng đến hết năm 2020, toàn tỉnh Lâm Đồng có 165 chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp với sự tham gia liên kết của 101 doanh nghiệp, 60 HTX; 36 Tổ Hợp tác, cơ sở nhỏ lẻ và 16.621 hộ nông dân. Qua đánh giá một số HTX Nông nghiệp hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị  như: HTX Dch vụ Nông nghiệp tổng hợp An Phú; HTX Sunfood Đà Lạt; HTX Dch vụ Nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến; HTX Nông nghiệp Tiến Huy; HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào …Phần lớn nông dân đã liên kết với HTX Nông nghiệp và doanh nghiệp theo chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó có 75 chuỗi liên kết đã được các tổ chức trong nước và quốc tế chứng nhận về chất lượng sản phẩm. Riêng trong 2 năm vừa qua, toàn tỉnh Lâm Đồng có 20 sản phẩm chủ lực của 17 HTX Nông nghiệp được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao và 3 sao. Ngoài ra có 51 HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất trong nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, trồng thủy canh, công nghệ bón phân, phun thuốc bằng máy bay, điều khiển nhiệt độ từ xa,…; 3 HTX Nông nghiệp đang phát triển hoạt động xuất khẩu hàng hóa nông sản gồm: HTX Hiệp Nguyên, HTX Anh Đào ở thành phố Đà Lạt và HTX Laba Banana Đạ K’Nàng ở huyện Đam Rông.

Mỗi huyện, thành phố xây dựng 1-2 HTX Nông nghiệp điển hình liên kết

Tuy nhiên cũng theo đánh giá của Sở Nông nghiệp & PTNT Lâm Đồng, bên cạnh những thành tựu nói trên, việc phát triển HTX Nông nghiệp trong 20 năm qua vẫn còn hạn chế về năng lực và trình độ quản lý, nghiệp vụ sản xuất kinh doanh;   việc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với quy mô hoạt động nhỏ lẻ, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao. Trong khi đó nhiều HTX Nông nghiệp mới chỉ tập trung hoạt động đầu vào, còn các dịch vụ bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức. Về phía các chủ trang trại liên kết với HTX Nông nghiệp có kinh nghiệm, nhưng quy mô sản xuất nhỏ, thiếu hiểu biết về kinh tế thị trường, dẫn đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thường chạy theo “phong trào”một cách tự phát, nên vẫn xảy ra hiện tượng được mùa mất giá và được giá mất mùa.


Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế hoạt động của HTX Nông nghiệp hiện nay được Sở Nông nghiệp & PTNT Lâm Đồng phân tích do tình hình dịch Covid-19 làm ảnh hướng lớn đến sản xuất và thị trường tiêu thụ, dẫn đến hiện tượng HTX Nông nghiệp ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng có xu hướng gia tăng. Với cán bộ quản lý HTX chủ yếu là nông dân, trình độ chuyên môn quản lý còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn phát triển kinh tế thị trường. Các chính sách, cơ chế hỗ trợ đầu tư cho các HTX Nông nghiệp còn thiếu, chưa kịp thời khuyến khích phát triển, tạo môi trường thuận lợi, phát huy tiềm lực, lợi thế sẵn có để tăng cường năng lực cạnh tranh trong điều kiện mới...

Giải pháp chiến lược phát triển HTX Nông nghiệp trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tập trung triển khai các mô hình, dự án xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo Quyết định số 1318, ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025. Trong đó phấn đấu có khoảng 35% HTX Nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. 

Thực hiện hiệu quả Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 - 2025”  với mỗi huyện, thành phố trong tỉnh Lâm Đồng lựa chọn từ 1-2 HTX Nông nghiệp để xây dựng mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, gắn sản xuất với tiêu thụ theo chuỗi giá trị sản phẩm ổn định theo hợp đồng./.

THÁNG 9/2021