Thứ Năm, 14 tháng 6, 2018

Nông nghiệp công nghệ cao Lâm Đồng –Điểm xuất phát mới

VĂN VIỆT
Năm kế hoạch 2018 đang bước qua nửa thời gian, nhìn toàn cảnh nông nghiệp công nghệ cao Lâm Đồng với những thành tựu ghi nhận và tiếp tục phát huy, nhằm tạo ra điểm xuất phát mới đột phá hơn nữa trong thời gian tới.  

Trình độ canh tác tương đương Thái Lan, Malaysia…
Theo nhận định của Sở NN&PTNT Lâm Đồng, hiện tại các vùng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Lâm Đồng đang ứng dụng trình độ canh tác tương đương các nước có nền nông nghiệp hiện đại trong khu vực như Thái Lan, Malaysia…
Minh chứng dễ thấy trên những cánh đồng cà chua, ớt ngọt, cà tím…ở các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương đã rút ngắn đáng kể thời gian canh tác và tăng cao năng suất thu hoạch nhờ công nghệ, kỹ thuật ghép cây giống áp dụng từ vườn ươm kinh doanh đến vườn hộ sản xuất. Riêng nhà vườn ở thành phố Đà Lạt với trình độ ghép hoa hồng ngày càng nâng cao, kết quả giá trị thu nhập hàng năm lên đến 500 triệu đồng/ha.
Tìm hiểu bên trong khu nhà kính sản xuất rau, hoa của nông dân Đà Lạt và các vùng phụ cận đều ghi nhận các quy trình ứng dụng công nghệ cao khá đồng bộ, phù hợp với điều kiện đất đai và năng lực tài chính của chủ vườn. Cụ thể với hơn 4.040 ha nhà kính đầu tư trung bình khoảng 2tỷ đồng/ha (trong đó có 50ha nhà kính nhập khẩu giá trị đầu tư 20 tỷ đồng/ha), người sản xuất đã lắp đặt từ mái lợp xuống đến từng khung vách từ 3- 5 lớp plastic có tác dụng chống tia cực tím, khuếch tán ánh sáng, hạn chế côn trùng xâm nhập. Đồng thời với mức đầu tư dưới 1 tỷ đồng/ha, vùng rau, hoa công nghệ cao Đà Lạt và vùng phụ cận đã xây dựng, thực hành sản xuất hiệu quả trên các diện tích gần 1.040ha nhà lưới, gần 8.300ha màng phủ nông nghiệp, 24.400ha tưới tự động…
Đáng kể với hàng loạt công nghệ canh tác hiện đại khác đang phát huy hiệu quả trên vùng rau, hoa Lâm Đồng như: sản xuất rau theo quy trình thủy canh (20ha), trên giá thể xơ dừa (50ha), gieo ươm 2 tỷ cây giống rau, hoa thương phẩm mỗi năm; sử dụng thiên địch nhện bắt mồi Hypoaspis miles, Amblyseiussp; ứng dụng cảm biến điều khiển tự động cường độ ánh sáng, độ ẩm, internet vạn vật…với 24,4ha. Ngoài ra người sản xuất rau Lâm Đồng đã và đang mở rộng diện tích ứng dụng công nghệ phân bón hữu cơ, chế phẩm thuốc trừ sâu sinh học…với 960ha rau đạt các tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, GlobalGAP, Organic…
Xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi chủ lực
Tiến sỹ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, một trong các yếu tố trọng tâm đột phá phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo điểm xuất phát mới trong từng giai đoạn ở Lâm Đồng là xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi chủ lực, phù hợp từng khu, vùng sinh thái trên địa bàn. Qua kinh nghiệm xây dựng mô hình và nhân rộng, đến nay Lâm Đồng đã quy hoạch 7 khu nông nghiệp công nghệ cao ở Ấp Lát, Đạ Đeum, Đạ Nhim, huyện Lạc Dương (gần 820ha); R’Lơm- Tu Tra, huyện Đơn Dương (400ha ); Gia Lâm, huyện Lâm Hà (100ha); Phú Hội, Phú An, huyện Đức Trọng (400ha). Và 19 vùng trồng trọt, chăn nuôi công nghệ cao với gần 4.000ha, khoảng 32.000 con bò sữa.
Ước đến 6 tháng đầu năm 2018, cơ cấu cây trồng chủ lực được xác định trên 26 vùng, khu nông nghiệp công nghệ cao nêu trên là: gần 19.000ha rau, đạt giá trị sản xuất 450 triệu đồng/ha; khoảng 3.700ha hoa, tăng 50% diện tích so với năm 2015, sản lượng gần 3 tỷ cành, giá trị sản xuất 800 triệu đồng/ha; 160ha cây đặc sản dâu tây, atiso, sản lượng gần 4.700 tấn, chiến hơn 53% diện tích canh tác. Tiếp theo gần 6.400ha chè, tăng 8,2% so với 3 năm trước, đạt giá trị sản xuất gần 190 triệu đồng/ha. Trong đó có 12 doanh nghiệp sản xuát chế biến chè đang áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO, HACCP cùng 70% lao động hái chè được đào tạo tay nghề cao. Các loại cây chủ lực còn lại được cơ cấu hiệu quả như: gần 19.900ha cà phê Thiện Trường, TR4, TR9, TR11, Hữu Thiên…, đạt giá trị trung bình 160 triệu đồng/ha; gần 95 ha sầu riêng; hơn 2.800ha lúa chất lượng cao.
Đặc biệt cơ cấu vật nuôi chủ lực được tập trung chăm sóc theo quy mô công nghiệp với 20.020 con bò sữa, đạt sản lượng sữa tươi 170 tấn/ngày và 50 ha diện tích mặt nước nuôi cá tầm, cá hồi với tổng sản lượng gần 765 tấn/năm, trong đó chiếm 95-98% sản lượng cá hồi chất lượng cao…
Trên nền tảng xuất phát mới ở các khu, vùng nêu trên, ngành nông nghiệp Lâm Đồng với mục tiêu chung đến năm 2020 là : “Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng toàn diện, bền vững và hiện đại, phù hợp với lợi thế từng vùng, từng loại sản phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của nông sản Lâm Đồng trên thị trường trong và ngoài nước thông qua việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ, xây dựng và quảng bá thương hiệu..” Theo đó, mục tiêu cụ thể mà Lâm Đồng đạt được đến năm 2020 gồm: 60.000ha diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao, giá trị bình quân 400- 450 triệu đồng/ha; hình thành 50 mô hình du lịch canh nông; tổng đàn bò sữa đạt 36.000 con...,phấn đấu nâng giá trị nông nghiệp công nghệ cao đạt tỷ trọng 35- 40% tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp trên địa bàn./.
*THÁNG 6/2018