Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014

Tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp

VĂN VIỆT
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ra văn bản chỉ đạo các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thành cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp trên địa bàn. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất an toàn ngày càng phát triển trên địa bàn.

Sở Tư pháp Lâm Đồng đã phát 435 phiếu điều tra lấy ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức thuộc các ngành Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Hội Nông dân, UBND các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Di Linh, Lâm Hà và thành phố Đà Lạt, kết quả cho thấy: 43,7% số phiếu đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong thời gian qua chưa tốt, trong đó có các biểu hiện như: Các cơ quan chức năng của nhà nước chưa thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra; trong khi đó, công tác kiểm định chất lượng vật tư nông nghiệp còn rườm rà, nhiều trung tâm kiểm định còn đưa ra các kết quả không đồng đều, thậm chí lại chênh lệch rất lớn.
Về phía các cơ sở sản xuất, kinh doanh vì ham lợi nhuận trước mắt, vẫn đưa vào buôn bán nhiều mặt hàng vật tư nông nghiệp kém chất lượng, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, không xuất hóa đơn, không có hợp đồng mua bán. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tác “4 đúng”, nhiều hộ nông dân vẫn chưa tuân thủ đầy đủ. Với 70,6% số phiếu khẳng định do công tác tuyên truyền, phổ biến trực tiếp các quy định về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp vẫn chưa thực sự thường xuyên và liên tục đối với người buôn bán cũng như người sử dụng. Riêng thông tin từ internet, số lượng người nông dân đã và đang quan tâm ngày càng nhiều, và xem đây là một kênh tiếp nhận hết sức cần thiết, nên đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp phải sớm định hướng, cung cấp những nguồn thông tin chính thống, đầy đủ và kịp thời .
Hơn nữa, về mức độ xử lý vi phạm hành chính về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, Sở Tư pháp Lâm Đồng đã tiếp nhận ý kiến phản hồi khá cách biệt tỷ lệ với chỉ 40,9%  số phiếu cho rằng đã xử lý nghiêm minh, nhưng có đến 56,6% số phiếu đều ghi “chưa nghiêm minh”, tức là xử lý chưa kịp thời, còn thiếu tính răn đe và phòng ngừa chung. Để nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp trong thời gian tới, thống kê với 84,1%  số phiếu đề xuất tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra và giám sát; ban hành kịp thời, đồng bộ các văn bản quy phạm phạm pháp luật, trong đó quy định chi tiết các biện pháp chế tài nghiêm minh, đồng thời nên công khai những đối tượng vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương; tập trung kiện toàn bộ máy cán bộ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp ở cấp huyện, xã, bởi tỷ lệ 66,4% số phiếu đánh giá cơ sở vật chất, kinh phí hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp. Ngoài ra còn có đa số phiếu điều tra đã kiến nghị các cấp thẩm quyền cần sớm nghiên cứu áp dụng các mức khen thưởng cho những người phát hiện, ngăn chặn việc mua bán, sử dụng các mặt hàng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, không có hóa đơn, chứng từ…
Từ những cơ sở điều tra nêu trên, Sở Tư pháp Lâm Đồng đánh giá: Tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ vẫn còn diễn ra phức tạp trên địa bàn Lâm Đồng. Trong nhiều nguyên nhân đã xác định, có nguyên nhân do công tác quản lý nhà nước về chất lượng vật tư ông nghiệp ở một số nơi còn lỏng lẻo. Để nhanh chóng khắc phục tình trạng này, các sở, ngành liên quan và UBND các địa phương cần thực thi hữu hiệu các nội dung trong văn bản chỉ đạo mới đây của UBND tỉnh Lâm Đồng là: Tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất; đối với những lô hàng không đảm bảo chất lượng phải truy xuất nguồn gốc, đồng thời thông tin rộng rãi cho nhân dân được biết; đối với những vụ việc có tính chất và mức độ nghiêm trọng, phải thu hồi giấy phép hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan công an tiếp tục điều tra, xử lý…/.
THÁNG 6/2014