Thứ Năm, 5 tháng 6, 2014

“Tái cơ cấu” cây dâu Liên Hiệp

VĂN VIỆT
Khoảng 10 năm qua, phong trào trồng dâu nuôi tằm của nông dân xã Liên Hiệp, Đức Trọng theo đà khôi phục trở lại thời hoàng kim. Trên 5 thôn sản xuất nông nghiệp trọng điểm của xã này, cây dâu đang được “tái cơ cấu” để đồng hành phát triển cùng với các loại cây trồng chủ lực truyền thống khác.
Tháng 6 trời mưa, theo chân ông Mai Đức Định, Chủ tịch Hội Nông dân xã Liên Hiệp, Đức Trọng, chúng tôi đặt chân vào những “đường dâu” giống quế ưu lá to xanh tốt, chen lẫn với những hàng dâu địa phương lá nhỏ, nối dài theo những cung đường bê tông, san sát bên từng thửa vườn hộ gia đình. Tình cờ gặp một người phụ nữ trung niên đang cùng con trai tuổi thanh xuân hái dâu, chị kể: trên 1.000m2 diện tích đất chuyển từ các loại cây hoa màu khác sang trồng cây dâu quế ưu từ 3- 6 tháng qua, gia đình chị thu lá dâu cho tằm ăn trong tuần đầu tiên, năng suất vượt trội rõ rệt. “ Bây giờ hái lá dâu giống mới đấy ắp đến 3, 4 bao chỉ bằng khoảng thời gian hái 1 bao giống dâu cũ…”- chị nói. Chúng tôi bước vào trong vườn dâu 6 tháng tuổi đã phủ tán cao hơn 2m, liền kề là vườn dâu mới gần 2 tháng tuổi, cành lá dày kín, ngập đến đầu gối. “Đây là một phần diện tích trong tổng số 240ha dâu quế ưu giống mới ở xã Liên Hiệp, được chuyển đổi, thay thế liên tục từ các loại cây trồng kém hiệu quả từ 10 năm trở lại đây…  ”- Chủ tịch Hội Nông dân xã, ông Mai Đức Định cho biết.  
Theo đó, chiếm nhiều nhất gồm những diện tích trồng cây lúa nước chuyển sang trồng cây dâu quế ưu giống mới. Bởi cây lúa nước ở xã Liên Hiệp chi gieo sạ, chăm sóc 01 vụ mùa mưa hàng năm ( từ tháng 5 đến tháng 8), năng suất thường dừng lại ở mức trên dưới 50 tạ/ha. Thời gian còn lại trong năm, phần lớn những khu vực đất này, người nông dân trồng thêm các loại cây bắp, đậu, hoặc trồng hoa lay ơn, nhưng hiệu quả mang lại vẫn vô cùng hạn chế do chất đất và địa hình không thích hợp. Ngoài ra cũng có một phần diện tích cây dâu mới được chuyển đổi từ các diện tích cây cà phê và các cây ăn quả năng suất kém. 
Tính riêng trong vòng 5 năm trở lại đây, mỗi năm xã Liên Hiệp chuyển đổi từ 10- 15ha trồng cây dâu giống mới để nuôi tằm. Để khuyến khích phong trào chuyển đổi, hàng năm ngân sách khuyến nông của huyện Đức Trọng hỗ trợ không hoàn lại cho nông dân xã Liên Hiệp gần 80% tiền mua hom giống. Theo giá giống dâu quế ưu trong mùa mưa năm 2014 với 300 đồng/hom, cứ 1.000m2 trồng 2.430 hom, thành tiền đầu tư nguồn giống là 729.000 đồng.
Thống kê đến nay, xã Liên Hiệp có gần 110 hộ nông dân trồng dâu nuôi tằm; hộ trồng dâu nhiều nhất có diện tích hơn 01ha; hộ trồng dâu ít nhất khoảng 1.000m2. Hạch toán với giá kén trung bình 140.000 đồng/kg trong một tháng vừa qua cho thấy: Trên 1.000m2 đất trồng dâu quế ưu, người nông dân sẽ nuôi từ 5- 6 hộp tằm/năm; mỗi hộp đạt khoảng 40 kg kén. Trừ toàn bộ chi phí đầu tư, trả công lao động, ước lợi nhuận trồng dâu nuôi tằm thu về từ 200- 250 triệu đồng/ha/năm. Sản phẩm kén Liên Hiệp đang “lưu thông” khá nhanh thông qua 5 cơ sở thu mua đến trực tiếp hộ gia đình đặt hàng với giá cạnh tranh. Kỹ thuật nuôi tằm ở Liên Hiệp cũng khá đa dạng: Nuôi trên từng lớp nong tròn; nuôi trên các tầng khay dài và nuôi dưới nền xi măng trong nhà. 
Mặc dù yên tâm với chất lượng lá dâu quế ưu thu hoạch khá an toàn, nhưng người nông dân vẫn thường xuyên trao đổi, cùng bổ sung các kinh nghiệm, phương pháp mới về phòng chống bệnh hiệu quả cho tằm, nhất là tập trung ở những thời điểm khí hậu, thời tiết chuyển mùa hàng năm. Nhờ vậy sản phẩm kén Liên Hiệp trong những năm gần đây luôn ổn định về năng suất, ngày càng nâng cao về chất lượng.
Mục tiêu trong những năm tiếp theo, xã Liên Hiệp, Đức Trọng sẽ triển khai nhiều hình thức vận động nông dân chuyển đổi từ các cây lúa nước, bắp, đậu, cà phê già cỗi…sang trồng mới cây dâu nuôi tằm giống mới từ 10- 15ha/năm. Phấn đấu “tái cơ cấu” đến năm 2020, cây dâu Liên Hiệp được “nâng tầm” lên vị trí gần ngang bằng với những cây trồng chính của địa phương như cà phê, rau và hoa công nghệ cao…/.
THÁNG 6/2014