Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

Ổn định “cung- cầu” rau, củ, quả Lâm Đồng

VĂN VIỆT
Tổng sản lượng rau Lâm Đồng hàng năm xuất khẩu mới chiếm tỷ lệ từ 10- 15%; còn lại tỷ lệ từ 85- 90% tiêu thụ ở thị trường trong nước thông qua các chợ đầu mối, hệ thống siêu thị…Do nhiều nguyên nhân khác nhau, tình trạng được mùa- mất giá và được giá- mất mùa vẫn còn diễn ra, nên cần có những giải pháp đồng bộ để thông thương “cung- cầu” ổn định và bền vững hơn.

 Theo tiến sỹ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Lâm Đồng là vùng chuyên canh rau lớn nhất cả nước với diện tích trên 50.000ha, đạt tổng sản lượng khoảng 1,9 triệu tấn/năm, tập trung nhiều nhất ở thành phố Đà Lạt, huyện Đức Trọng và huyện Đơn Dương. Tuy nhiên, trong từng thời điểm khác nhau, rau Lâm Đồng khi đưa thị trường lưu thông vẫn còn xảy ra hiện tượng “dội chợ”, làm ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của các doanh nghiệp cũng như người nông dân trực tiếp sản xuất. Để hạn chế thấp nhất tình trạng này, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã và đang triển khai nhiều giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài như: quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất rau, củ, quả; hỗ trợ xúc tiến thương mại, thông tin thị trường, liên kết sản xuất và tiêu thụ; đào tạo và chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất; thông tin định hướng thị trường, xây dựng và phát triển thương hiệu rau, củ, quả Lâm Đồng. Đặc biệt, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ rau, củ, quả Lâm Đồng đến hết năm 2014. Theo đó, trên các thị trường trọng điểm trong nước gồm thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, các doanh nghiệp Lâm Đồng được tạo điều kiện hình thành và đưa vào hoạt động các cửa hàng giới thiệu, bán các sản phẩm rau, củ, quả từ Lâm Đồng.
Dẫu vậy, qua thực tế giao thương “cung- cầu” đã phát sinh những bất cập, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ. Đại diện Chợ Rau đầu mối Thủ Đức, TPHCM cho biết: Sau 10 năm đã tiêu thụ khối lượng rau, củ, quả Lâm Đồng từ 500 tấn/đêm tăng lên 3.000 tấn/đêm. Nhưng nếu so sánh gần 6 tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ năm 2013, mỗi đêm, Chợ Thủ Đức bán ra rau, củ, quả Lâm Đồng giảm từ 450- 500 tấn. Lý do được nêu ra bởi “cơ cấu” các mặt hàng còn thiếu cân đối, có lúc quá nhiều các loại rau này, nhưng thiếu các loại rau và các loại củ, quả; hoặc khi khác thì ngược lại. “Có ngày chỉ bán được rau xà lách Lâm Đồng với giá dưới 2.000 đồng/kg; trong khi những ngày khác, được nhận đơn đặt hàng xuất khẩu rau Lâm Đồng với khối lượng lớn mà không biết cách nào để gom đủ trong ngày….”- người đại diện của Chợ Rau Thủ Đức nói.
Tương tự, Công ty Xuất nhập khẩu rau, củ quả Nhiệt đới TPHCM với thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng sang nước Nhật, nước Úc, các nước châu Âu, nhưng không đủ nguồn hàng để bao tiêu. Các mặt hàng chủ lực được công ty thu mua ở các vùng nông nghiệp Đơn Dương, Đức Trọng gồm chanh dây, chuối Laba, măng tây…đều đạt giá cao hơn thị trường trong nước từ gấp 2 lần trở lên, tất nhiên với những yêu cầu khá nghiêm ngặt về chất lượng và số lượng. Cụ thể, công ty đã thu mua mỗi ngày “biến động” từ 500 – 1.000 tấn chanh dây, chỉ mới đạt từ 15- 30% nhu cầu xuất khẩu; thu mua chuối Laba với khối lượng từ 6- 8 tấn/ngày, bằng 30- 40% đơn đặt hàng; hoặc với cây măng tây, công ty thu mua ở Lâm Đồng hiện chưa thể gom đủ lô hàng 1 tấn/2 ngày. “ Sản xuất chanh dây, chuối Laba, măng tây của bà con nông dân ở Lâm Đồng còn dừng lại ở quy mô nhỏ, thiếu tập trung liên canh thành một cành đồng lớn; việc đầu tư công nghệ sản xuất để đạt tiêu chuẩn nông phẩm xuất khẩu chất lượng cao vẫn còn hạn chế… ”- lãnh đạo công ty này đã phân tích.
Như vậy, yêu cầu mở rộng quy mô sản xuất rau, củ, quả chất lượng cao, sản lượng nhiều là một cơ hội lớn về tiếp tục tăng cường mối liên kết “4 nhà” ở Lâm Đồng, tiến tới hoàn chỉnh quy trình từ đầu tư sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng năng suất đến ổn định đầu ra. Đồng thời với việc thường xuyên dự báo thông tin thị trường, Lâm Đồng cũng rất cần sự chỉ đạo trực tiếp của các cơ quan chuyên ngành đối với nông dân sản xuất trên từng mùa vụ tương ứng theo từng loại rau, củ, quả sát hợp với nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây là những giải pháp trọng tâm và khả dĩ nhất để ổn định đầu ra của nông phẩm Lâm Đồng hiện nay./.  THÁNG 6/2014