Thứ Năm, 7 tháng 3, 2024

Nhân giống cây lựu đỏ Ấn Độ bằng phương pháp chiết cành

VĂN VIỆT

Bằng phương pháp chiết cành riêng biệt, Vườn ươm Hiệp Hoa ở thôn Liên Trung, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà đã sản xuất và cung cấp nguồn giống cây lựu đỏ Ấn Độ giá trị cao, góp phần giúp nông dân trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng chuyển đổi hiệu quả cơ cấu cây trồng, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất.

Đến đầu tháng 3/2024, Vườn ươm Hiệp Hoa (thôn Liên Trung- Cổng chào xã Tân Hà, huyện Lâm Hà) đã qua hơn 3 năm xây dựng, đi vào hoạt động với tổng diện tích 2.000m2, mỗi năm sản xuất và bán ra khoảng 150.000 cây nông nghiệp, lâm nghiệp, cây đa mục đích, cây hoa, lá kiểng, trong đó có 30- 40.000 cây giống lựu đỏ Ấn Độ theo nhu cầu người sản xuất trong và ngoài huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Tính riêng trong 2 năm gần đây, giá cây lựu đỏ Ấn Độ chiết cành bán lẻ tại Vườn ươm Hiệp Hoa ổn định 80.000 đồng/cây; bán sỉ đến các đại lý trong nước 60.000 đồng/cây. Ông Võ Văn Hiệp (sinh ănm 1969), chủ Vườn ươm Hiệp Hoa nói chi tiết: “ Hiện nay vườn ươm của hộ gia đình chúng tôi đã mở rộng hơn 50 đại lý phân phối các giống cây sản xuất kinh doanh nói chung, giống cây lựu đỏ Ấn Độ chiết cành nói riêng, chiếm phần lớn ở các tỉnh miền Bắc và miền Đông, Tây Nam Bộ. Tỷ lệ cây giống lựu đỏ Ấn Độ bán sỉ khoảng 80%, bán lẻ 20%. Sản lượng cây giống lựu đỏ Ấn Độ chiết cành tiêu thụ thị trường ngoài tỉnh Lâm Đồng 70%; còn lại 30% tiêu thụ trong tỉnh Lâm Đồng, trong đó phần lớn cung cấp cho nông dân các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương, thành phố Đà Lạt và thành phố Bảo Lộc …”

Tại khu vườn 2,5 ha của nhà nông Võ Văn Hiệp ở thôn Tân Hòa, xã Tân Văn, huyện Lâm Hà đến nay ổn định sinh trưởng 4.000 cây giống lựu đỏ Ấn Độ đầu dòng. Mỗi năm chiết cành nhân giống khoảng 6 đợt, mỗi đợt 5- 15 cành/cây. Quy trình chiết cành bắt đầu phối trộn giá thể xơ dừa tổng hợp với các nguyên liệu dinh dưỡng khác trong bịch quấn lá dừa nước miền Tây nam Bộ, bó chặt trên thân cành lựu đỏ Ấn Độ có chiều dài từ 60- 80cm. Chăm sóc với chế độ riêng biệt thời gian 45- 60 ngày, cành ghép đã phát triển bộ rễ khỏe mạnh, tiến hành cắt cành rời ra thành một cây hoàn chỉnh đưa vào chậu đất đã bón lót với tỷ lệ phân cân đối. Giai đoạn này tùy theo khả năng sinh trưởng mỗi cây chiết cành được tiếp tục chăm sóc từ 3- 5 tháng trước khi xuất vườn cung cấp cho người trồng chuyên canh hoặc xen canh với các loại cây trồng khác.

Kết quả trồng cây giống lựu đỏ Ấn Độ chiết cành tại các vùng nông nghiệp trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng khoảng một năm sau có chiều cao 1,5- 2m, tán rộng trên dưới 2m, thu hoạch trung bình 10 trái/cây (trọng lượng 4 trái/kg), vỏ và ruột với màu đỏ tươi đầy đặn nước, vị ngọt thanh đặc trưng vùng đất Nam Tây Nguyên. Đặc biệt những cây lựu đỏ này sinh trưởng hơn 2 năm tuổi tại khu vườn thôn Tân Hòa, xã Tân Văn, huyện Lâm Hà thu hoạch lên đến 15 kg/cây, giá thị trường siêu thị trong nước vào đầu tháng 3/2024 lên đến 300.000 đồng/kg. 

Chủ vườn Võ Văn Hiệp chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế canh tác cây lựu đỏ Ấn Độ trên đồng đất Tân Văn, Lâm Hà: “Thường xuyên cắt cỏ, làm vệ sinh sạch sẽ trong vườn, sử dụng chế phẩm sinh học cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cây, lắp đặt hệ thống tưới phun tự động, hàng ngày cân đối lượng nước tưới để giữa độ ẩm cho đất. Việc phòng trừ các loại bọ chích hút chồi non của cây quanh năm cũng với các chế phẩm sinh học sử dụng đúng thời điểm, liều lượng phù hợp…”

Với 4.000 cây lựu đỏ đầu dòng thâm canh trên tổng diện tích 2,5ha tại thôn Tân Hòa, xã Tân Văn, huyện Lâm Hà nói trên, nhà nông Võ Văn Hiệp trong năm 2023 chiết cành sản xuất, bán ra 40.000 cây giống, nhân với giá trung bình 70.000 đồng/cây, thành tổng doanh thu 2,8 tỷ đồng. Trừ tất cả chi phí đầu vào như nhân công, phân bón, chế phẩm sinh học, tiền giống cây, nhà nông Võ Văn Hiệp đạt lãi ròng hơn 2 tỷ đồng. Nếu trồng cà phê trên 2,5ha này, đầu tư thâm canh đạt năng suất cao nhất 6 tấn nhân/ha. 

Nhân với giá cà phê 85.000 đồng/kg, thành doanh thu 510 triệu đồng/ha. Trừ ít nhất 60% nguồn vốn đầu tư, phần lãi thu về hơn 200 triệu đồng/ha. Như vậy so sánh trồng cây lựu đỏ Ấn Độ đầu dòng thuần hóa tại vùng đất nông nghiệp huyện Lâm Hà, nhà nông Võ Văn Hiệp đã tăng thu nhập trên đơn vị diện tích gấp hơn 5 lần so với trồng cà phê có giá đang tăng cao hiện nay.   

tháng 3/2024