Thứ Ba, 26 tháng 3, 2024

Khôi phục diện tích măng tây Nam Hà

VĂN VIỆT

Nhiều năm vượt qua “biến cố” của đại dịch Covid làm ách tắc thị trường tiêu thụ và tình trạng sâu bệnh xâm nhiễm gây hại trên diện rộng, nhà nông Nguyễn Văn Đóa ở xã Nam Hà, huyện Lâm Hà đã khôi phục từng bước diện tích măng tây gần 2 ha, được cấp Chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Hơn 3 năm trước, phóng viên về ở xã Nam Hà, huyện Lâm Hà mới hay vùng nguyên liệu măng tây xanh vừa “thoát hiểm” bởi dịch hại lạ làm vàng lá, thối rễ, thân, búp chồi hàng loạt. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Măng tây xanh Langbiang ước tính trên 10 ha măng tây của hộ gia đình trong và thành viên khi phát hiện nhiễm bệnh thì chiếm đến hơn 50% mức độ gây hại nặng, nhiều khu vực mất trắng hoàn toàn, phải nhỗ bỏ, thu gom và tiêu hủy, thiệt hại với giá trị lớn. Dẫn phóng viên vào giữa khu vườn măng tây đang bung chồi, xanh lá trở lại, ông Nguyễn Văn Bình, đại diện hộ gia đình thành viên HTX này kể rằng, vào một sáng ra thăm vườn măng tây thì bất ngờ trên diện tích 1 ha phần lớn bị vàng úa tán lá bên trên, bên dưới gốc những hàng búp măng thương phẩm chuyển màu đen lốm đốm, bên trong mục ruỗng. Sau nhiều giải pháp thử nghiệm, ông Bình đã cùng với Ban Giám đốc HTX Măng tây xanh Langbiang chọn sử dụng chế phẩm sinh học bơm phun trên lá và dưới gốc măng tây hàng tuần, kết quả đã nhanh chóng diệt trừ dịch hại này.

“Đây là chế phẩm sinh học Smart Mother EM của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Giải pháp sinh học Smart Mother EM tại thành phố Bảo Lộc. Đến nay hợp tác xã chúng tôi vẫn sử dụng các chế phẩm sinh học của công ty này, qua kiểm nghiệm đảm bảo tiêu chuẩn chứng nhận sản xuất hữu cơ của Việt Nam…”, Giám đốc Nguyễn Văn Đóa cho hay.

Tuy nhiên cũng theo Giám đốc Nguyễn Văn Đóa, sau khi măng tây hữu cơ xã Nam Hà, huyện Lâm Hà sạch bệnh, phục hồi sinh trưởng, thu hoạch đạt năng suất như cũ thì các đầu mối phân phối trong nước và xuất khấu tạm ngưng tiêu thụ vì dịch bệnh covid, HTX và các thành viên phải tìm khách hàng để bán nhỏ, lẻ. Do sản lượng bán lẻ chậm, nhiều thời điểm xuống giá, các hộ trong và ngoài thành viên chuyển đổi diện tích sang trồng rau, hoa công nghệ cao. Nhưng Giám đốc Nguyễn Văn Đóa vẫn kiên trì kết nối, khai thác thị trường bán lẻ, bên cạnh thâm canh hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật trên tổng diện tích 2 ha măng tây đạt chứng nhận hữu cơ tiêu chuẩn Việt Nam vào tháng 3/2023.

Tròn một năm đạt chứng nhận hữu cơ Việt Nam vừa nêu, diện tích măng tây của Giám đốc Nguyễn Văn Đóa phủ đều phủ xanh ngát giữa vùng nông nghiệp xã Nam Hà, huyện Lâm Hà. Phóng viên trở lại khu vườn hữu cơ này cùng thu hoạch măng tây với Giám đốc- chủ vườn Nguyễn Văn Đóa. Những búp măng tây tươi xanh, thon dài chừng hai gang tay lần lượt thu hoạch, đóng gói chuyển đi siêu thị trong nước tiêu thụ ngay trong buổi sáng. Cụ thể thời điểm hạ tuần tháng 3/2024, tính trên diện tích 1.000m2 măng tây hữu cơ, mỗi ngày thu hoạch hơn 10 kg, thu về hơn 700.000 đồng. So sánh sản xuất vô cơ thì măng tây sản xuất hữu cơ được thị trường thu mua giá cao hơn 30%. Trong khi mức độ đầu tư phân bón, chế phẩm sinh học phòng, trừ bệnh hại cho cây măng tây chỉ nhiều hơn đầu tư phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hơn 10%.

Tham quan diện tích măng tây hữu cơ được khôi phục ở xã Nam Hà, huyện Lâm Hà cho thấy mật độ ổn định 60 luống trên diện tích 1.000m2. Từng luống cây, gốc cây đều lắp đặt những đường ống nhỏ chạy song song, cung cấp trực tiếp từng giọt nước tưới kết hợp với bón phân tự động xuống từng nhánh rễ cây. Hạt giống măng tây có nguồn gốc từ Mỹ, trồng và chăm sóc trên dưới một năm bước thu hoạch búp măng thương phẩm quanh năm. Đặc biệt trong quá trình thu hoạch, có thể chiết tách cây con trên gốc cây mẹ để trồng thay thế những cây kém năng suất. Nếu chăm sóc đúng quy trình hữu cơ ở xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, cây măng tây có thể thu hoạch đến 10 năm sau mới tái canh gieo hạt trồng mới…

Riêng trong năm 2024 này, HTX Măng tây xanh Langbiang, xã Nam Hà, huyện Lâm Hà do nhà nông Nguyễn Văn Đóa làm giám đốc tiếp tuc nâng cao các giải pháp kỹ thuật sản xuất hữu cơ trên diện tích 2 ha được cấp Chứng nhân theo tiêu chuẩn Việt Nam nói trên, đồng thời đang liên kết với nông hộ ngoài thành viên ở huyện Đam Rông xuống giống trồng mới 1 ha. Sau đó đánh giá kết quả và hướng đến mục tiêu nhân rộng trên các địa bàn nông nghiệp khác theo nhu cầu. Mô hình liên ở đây đều do HTX Măng tây xanh Langbiang cung cấp giống, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm…/.

THÁNG 3/2024