Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2021

Phát triển kinh tế hợp tác xã - nhìn từ các chương trình, đề án

VĂN VIỆT

Đánh giá chung trong năm 2021 vừa qua, việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể  thông qua các chương trình, đề án, dự án..,.

các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trong tỉnh Lâm Đồng có nhiều cơ hội đổi mới hình thức hoạt động và tổ chức lại sản xuất kinh doanh gắn với các chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

75 HTX nông nghiệp tham gia chuổi liên kết

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, triển khai Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành xây dựng thí điểm hợp tác xã nông nghiệp điển hình   tại huyện Cát Tiên đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, tăng cường hợp tác, liên kết với các HTX nông nghiệp và doanh nghiệp trong nước để   phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Cụ thể HTX tổ chức cung ứng sản phẩm đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra, từng bước nâng cao thu nhập cho các thành viên. Thông qua mô hình điểm giúp các HTX cùng nông dân trên địa bàn tham quan, học tập và nhân rộng diện tích sản xuất  trong thời gian tới.

Trước đó trong năm 2020, Sờ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã  thực hiện thí điểm hỗ trợ lương cho 8 cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại 8 HTX nông nghiệp trên địa bàn. Đồng thời tổ chức đào tạo 4 lớp nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ và thành viên của HTX nông nghiệp; thành lập Liên hiệp HTX sản xuất lúa gạo tại huyện Cát Tiên; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho 3 HTX nông nghiệp…

Kết quả trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng trong năm 2021 phát triển mới 28 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 355 HTX nông nghiệp. Trong đó bao gồm 139 HTX dịch vụ nông nghiệp, 196 HTX trồng trọt, 13 HTX chăn nuôi, 5 HTX nuôi trồng thủy sản, 1 HTX Lâm nghiệp và 1 HTX Nước sạch nông thôn. Doanh thu bình quân đạt hơn 2,6 tỷ  đồng/HTX/năm. Tính riêng với 51 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (phần lớn đều là các HTX trồng trọt) với quy mô tổng diện tích gần 796,7 ha. Đặc biệt nhiều HTX ở các địa phương đã vươn lên làm giàu, hỗ trợ bà con thành viên nâng cao thu nhập thông qua việc chuyển đổi giống cây trồng, tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín và xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Malaysia, Trung Quốc… như HTX chuối LaBa Banana Đạ K’Nàng, Đam Rông.

Thống kê đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng phát triển 182 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản với sự tham gia của 142 doanh nghiệp, 75 HTX, THT và 18.386 hộ nông dân. Trong đó gồm các sản phẩm rau (77 chuỗi); cà phê (20 chuỗi); chè (12 chuỗi); trái cây (22 chuỗi); dược liệu (6 chuỗi); lúa (6 chuỗi); ca cao (1 chuỗi); mắc ca (5 chuỗi);  dâu tằm (9 chuỗi)…Tổng sản lượng nông sản tham gia chuỗi liên kết gần 520.000 tấn. Đặc biệt trong đó có 75 chuỗi liên kết đã được các tổ chức trong nước và quốc tế chứng nhận về chất lượng sản phẩm.

Nhiều HTX còn khó khăn tiếp cận nguồn vốn vay

“Nhìn chung việc xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đang được các cấp, các ngành cũng như các doanh nghiệp quan tâm. Các HTX tham gia chuỗi đều  được đánh giá hoạt động tốt, khá. Một số hợp tác xã hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao như: HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú; HTX Sunfood Đà Lạt; HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến; HTX nông nghiệp Tiến Huy; HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào … ”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhận định.

Tuy nhiên cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, hiện tại số lượng HTX thực hiện liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm còn thấp, quy mô hoạt động nhỏ lẻ, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao. Năng lực trình độ quản lý và nghiệp vụ sản xuất kinh doanh của HTX còn hạn chế. Nhiều hợp tác xã khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay do không có tài sản thế chấp. Việc chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất xây dựng trụ sở và các công trình khác như sân phơi, kho chứa, kho sấy nông sản...của một số HTX khác gặp nhiều vướng mắc, chưa thể thực hiện được…

Giải pháp trong năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tiếp tục điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách về tín dụng theo hướng thông thoáng (cho vay không có tài sản bảo đảm theo phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả…) để các HTX có thể tiếp cận được với các nguồn vốn đầu tư mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh; có chính sách tín dụng ưu đãi cho các dự án do HTX làm chủ đầu tư hoặc liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX trong năm 2022 với việc xây dựng 2 mô hình HTX điển hình tiên tiến; hỗ trợ thành lập mới 20 HTX nông nghiệp. Ngoài ra còn tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cán bộ HTX; hỗ trợ phát triển hạ tầng cơ sở 1-2 HTX từ nguồn vốn trung hạn xây dựng nông thôn mới; phát triển dự án liên kết tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến gắn với tiêu thụ nông sản, tiêu thụ hoa cắt cành theo hướng phục vụ nội tiêu và xuất khẩu…/.

tháng 12/2021