Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016

Để đạt tỷ lệ diện tích ứng dụng công nghệ cao trên 20%

VĂN VIỆT
Ngày 18/5, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị tổng kết chương trình nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2011- 2015, thông qua phương hướng phát triển nông nghiệp toàn diện giai đoạn 2016- 2020, định hướng đến năm 2025. Hội nghị thông qua nhiều giải pháp trọng tâm, trọng điểm, phối hợp đồng bộ giữa ngành nông nghiệp với các ban, ngành chức năng để đạt tỷ lệ diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao trên 20% vào năm 2020 và 25% vào năm 2025.

Một trong 5 khâu đột phá trong lĩnh vực kinh tế
Ngày 11 tháng 5 năm 2011, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 05/NQ-TU về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011-2015. Đây là một trong 5 khâu đột phá trong lĩnh vực kinh tế của tỉnh Lâm Đồng nhằm phát huy lợi thế các nông phẩm có giá trị kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả. Tỷ trọng trong ngành nông nghiệp đến năm 2015 gồm: trồng trọt 82%, chăn nuôi 15%, dịch vụ 3%, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đạt 145 triệu đồng/ha. Tổng diện tích gieo trồng đến năm 2015 là 342.870 ha, tăng 9,1% so với năm 2010. Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đến hết năm 2015 đạt 43.084 ha, đạt 15% trên tổng diện tích và 30% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, giúp tăng lợi nhuận cho người sản xuất đạt trên 40% so với doanh thu.
Cụ thể, các diện tích ứng dụng công nghệ cao gồm: hơn 15.100ha rau, hoa cây đặc sản;  hơn 18.300ha cà phê; gần 6.000ha chè và hơn 3.700 ha lúa. Về chăn nuôi đạt tổng đàn bò sữa hơn 17.000con, trong đó chăn nuôi tập trung quy mô công nghiệp đạt 20%, còn lại tại các nông hộ, đã xây dựng nhà máy chế biến sữa với công suất 40 tấn/ngày; quy mô đàn bò lai Zêbu đến năm 2015 đạt gần 38.000 con, chiếm 60% tổng đàn bò; tổng diện tích ao nuôi cá nước lạnh đạt 50 ha, sản lượng đạt hơn 780tấn/năm.
Trong giai đoạn 2011 – 2015, UBND tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng nhiều cơ chế chính sách để nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, kinh tế trang trại; giảm tổn thất sau thu hoạch nông sản; nâng cao chất lượng nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...Đó là triển khai các đề án nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020; đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, kinh tế trang trại giai đoạn 2012  - 2015;  giảm tổn thất sau thu hoạch rau, hoa, chè; bảo quản và chế biến cà phê sau thu hoạch; ban hành các quy định về nội dung, danh mục và mức hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP trong nông nghiệp và thủy sản; hàng năm tổ chức đào tạo về nuôi cấy mô và kiểm soát chất lượng nguồn giống..
 Đặc biệt, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quy trình canh tác 13 loại cây rau, hoa, dâu tây, cà phê vối ghép và 06 quy trình kỹ thuật ương, ấp trứng, sinh sản nhân tạo, nuôi thương phẩm cá tầm, cá hồi theo hướng công nghệ cao trên địa bàn. Đồng thời đã nghiên cứu, khảo nghiệm, phục tráng, di nhập trên 25 giống cây trồng mới có năng suất và chất lượng cao. Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 50 cơ sở nuôi cấy mô thực vật, sản xuất trên 30 triệu cây giống gốc invitro các loại/năm (tăng gần 50% so với giai đoạn 2004-2010), và trên 200 vườn ươm cung cấp gần 2 tỷ cây giống thương phẩm để phục vụ sản xuất (tăng trên 50% so với giai đoạn 2004-2010).
Ngoài ra, đã xây dựng 53 đề tài, dự án nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất giống, quy trình canh tác, phòng chống dịch bệnh, quản lý sau thu hoạch cho các đối tượng cây trồng rau, hoa, chè, cà phê, lúa và chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu tổ chức gần 1.300 cuộc hội thảo, tập huấn về kỹ thuật canh tác rau theo hướng công nghệ cao và an toàn vệ sinh thực phẩm, canh tác và bảo quản sau thu hoạch đối với hoa cắt cành, kỹ thuật nuôi bò sữa đảm bảo an toàn sinh học, kỹ thuật canh tác cà phê bền vững (UTZ, 4C)..., thu hút khoảng gần 65.000 lượt người tham dự.
 Trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng có 16 sản phẩm được đăng ký xác lập quyền nhãn hiệu, trong đó có 08 chứng nhận thương hiệu sản phẩm (Dứa Cayenne -Đơn Dương, Trà B’Lao -Bảo Lộc, Cà phê Di Linh, Rau Đà Lạt, Lúa – gạo Cát Tiên, Hoa Đà Lạt, Chuối Laba, Rượu cần Langbiang) và 08 nhãn hiệu tập thể. Các sản phẩm này gắn với các chứng nhận chỉ dẫn địa lý, bước đầu đã phát huy hiệu quả và tạo uy tín trên thị trường, được phân phối trong hệ thống các siêu thị trong nước như Coop Mart, Big C, Metro.. và tham gia vào thị trường xuất khẩu…
Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang thẩm định để ban hành chính sách hỗ trợ lãi sut cho đối tượng vay vốn thực hiện sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến nông, lâm sản và vật liệu xây dựng trên địa bàn.
12 nhóm giải pháp trọng tâm, trọng điểm
Về phát triển nông nghiệp toàn diện giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025, Lâm Đồng tiếp tục xác định đây là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh (chiếm  tỷ trọng 46 - 46,5% trong cơ cấu nền kinh tế), giúp tạo ra nguồn lực chính để xây dựng nông thôn mới.
Các nhiệm vụ nhằm cụ thể hoá chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp với trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tổ chức lại sản xuất theo hướng rà soát, xác định các ngành hàng có lợi thế cạnh tranh của địa phương để tập trung nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập, bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, hạn chế thấp nhất các tác động xấu tới môi trường. Thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới để tạo ra sự chuyển biến về mọi mặt trong đời sống kinh tế, chính trị ở nông thôn, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.
            Cụ thể, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành nông nghiệp đạt 5,5-6%/năm; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên một đơn vị diện tích đạt 170 triệu đồng/ha/năm vào năm 2020 và đạt trên 220 triệu đồng/ha/năm vào năm 2025. Tăng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 20% vào năm 2020 và 25% vào năm 2025.
Trong đó có ít nhất 50% diện tích được sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn và bền vững đến năm 2020 và 70% đến năm 2025; giảm 20% lượng phát thải nhà kính đến năm 2025; giảm diện tích có giá trị sản xuất dưới 50triệu đồng/ha/năm xuống dưới 20% đến năm 2020 và dưới 5% đến năm 2025.
Bên cạnh đó, sẽ giảm 30% lượng nước sử dụng trong sản xuất nông nghiệp; tăng độ che phủ rừng lên 55% vào năm 2020 và 57-58% vào năm 2020; tăng năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng, phát triển chế biến lâm sản theo hướng tinh chế để tăng tỷ trọng ngành lâm nghiệp trong cơ cấu ngành nông nghiệp lên 3% vào năm 2020 và 5% vào năm 2025. Chấm dứt tình trạng chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên sang sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, tập trung xóa đói giảm nghèo, tích cực xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 90 xã và 8/10 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và Lâm Đồng đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới, đến năm 2025 có ít nhất 110 xã và 10/10 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; giảm tỷ lệ nghèo ở nông thôn xuống dưới 2%/năm vào năm 2020 và dưới 1% vào năm 2025…
Để đạt các mục tiêu cụ thể vừa nêu, Lâm Đồng thông qua 12 nhóm giải pháp trọng tâm, trọng điểm, trong đó 6 nhóm giải pháp đầu tiên là: Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho toàn bộ các cấp uỷ, chính quyền địa phương và toàn thể nhân dân nhận thức đầy đủ về chủ trương, định hướng phát triển nông nghiệp để thống nhất trong nhận thức và hành động, từ đó triển khai một cách đồng bộ, nhất quán, nâng cao chất lượng lập quy hoạch theo hướng phát triển nông nghiệp hiện đại kết hợp với cảnh quan bền vững; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương, chuyên gia và doanh nghiệp để thực hiện tốt dự báo thị trường, dự báo nguồn cung nông sản để xử lý kịp thời khi có biến động mạnh trong sản xuất, hình thành quỹ hợp tác công – tư để xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực của nông nghiệp Lâm Đồng; thực hiện các chương trình phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, xây dựng nông thôn mới; tham gia liên kết vùng với các tỉnh Tây Nguyên, tạo điều kiện phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp, du lịch và giao thông ở cấp vùng; xã hội hoá các nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế,  tranh thủ các nguồn vốn ODA…
Và 6 nhóm giải pháp còn lại gồm: đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học vào các lĩnh vực giống cây trồng vật nuôi, hoàn thiện quy trình canh tác, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi để thích ứng với biến đổi khí; thu hút đầu tư tư nhân và hỗ trợ liên kết doanh nghiệp - nông dân. Ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nằm trong cụm công nghiệp – dịch vụ gắn với vùng chuyên canh và có hợp đồng liên kết với nông dân; hình thành quỹ phát triển kinh tế trang trại, tạo điều kiện nông dân áp dụng công nghệ cao hoặc có quy mô sản xuất lớn thông qua hỗ trợ tích tụ (vay vốn mua đất, trợ cấp tiền thuê đất…); 
hình thành quỹ bảo lãnh tín dụng cho các HTX vay vốn mua máy nông nghiệp, thiết bị tưới tiết kiệm, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó cử đi đào tạo tại các nước có nền nông nghiệp phát triển; đổi mới hoạt động quản lý nhà nước vào những dịch vụ công mới (phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, quản lý chất lượng, phòng chống rủi ro, bảo vệ môi trường…/.

*Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Phạm S:  “ Thực hiện các bước chiến lược phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành”. Đó là hiện đại hóa chuỗi sản xuất, cung ứng rau và hoa; tăng cường xây dựng và quảng bá thương hiệu; xây dựng khu công nghiệp nông nghiệp; khuyến khích phát triển du lịch nông nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp có năng lực, nhằm đạt 4 mục tiêu tối ưu của nông nghiệp Lâm Đồng gồm: trở thành thương hiệu số 1 Việt Nam; điểm du lịch và điểm đào tạo nhân lực trong nông nghiệp hàng đầu Đông Nam Á; cụm công nghiệp nông nghiệp sản xuất số 1 cho các đối tác đầu tư nước ngoài, đặc biệt đối với đối tác Nhật Bản…
*Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng, Huỳnh Ngọc Hải : “Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao phải luôn gắn với nhu cầu thị trường”. Lâm Đồng nằm trong tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng để sản xuất- chăn nuôi nhiều mặt hàng nông sản đặc trưng, có nhiều lợi thế cạnh tranh so các vùng miền khác trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, để tránh tình trạng hàng nông sản gặp cảnh “dội chợ” vì sản xuất theo tâm lý số đông, Lâm Đồng cần chú trọng các giải pháp cân đối cung- cầu, gắn việc tăng năng suất vượt trội của sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao với việc mở rộng công nghiệp chế biến, phát triển hiệu quả các kênh phân phối đến người tiêu dùng.
*Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt, Tôn Thiện San: “ Chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng đạt giá trị kinh tế cao…” Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đà Lạt đã và đang tạo bước đột phá nâng cao thu nhập của người nông dân gắn với chương trình phát triển nông thôn mới. Đây còn là kết quả của việc tích cực chuyển đổi giống mới, tiếp cận quy trình kỹ thuật tiên tiến, mở rộng sản xuất theo hợp đồng liên kết, xây dựng các thương hiệu nông sản uy tín trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Mục tiêu của thành phố Đà Lạt trong thời gian tới tiếp tục xác định sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao lả một trong những sản phẩm du lịch đặc thù của Đà Lạt để thu hút khách tham quan kết hợp với quảng bá và xúc tiến thương mại…./  
THÁNG 5/2016