Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

“Nhất nước, nhì phân…” trong sản xuất cà phê bền vững ở Lâm Đồng

VĂN VIỆT
Nhiều năm qua ở Tây Nguyên nói chung, Lâm Đồng nói riêng, việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm ( nhỏ giọt hoặc phun mưa) hòa tan với phân bón trong sản xuất cà phê bền vững, đã tăng thêm năng suất mỗi năm gần 0,5 tấn nhân/ha.  

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, trung bình trên mỗi hecta cà phê ở Tây Nguyên, để lắp đặt một dây chuyền tưới nhỏ giọt theo công nghệ mới, nông dân cần đầu tư vốn ban đầu khoảng gần 55 triệu đồng. Dây chuyền “có tuổi thọ” tối thiểu đến 10 năm, mỗi năm tiết kiệm từ 17- 20 lao động và giảm khoảng 40% lượng nước tưới. Và dây chuyền tưới phun mưa công nghệ mới, đầu tư lắp đặt hoàn chỉnh tốn ít vốn hơn – khoảng 20 triệu đồng, nông dân sử dụng khá tiện lợi với hệ thống vòi phun tưới tự động xoay tròn trên tán lá cây cà phê. Như vậy, việc tưới phun mưa hoặc tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân hòa tan cho cây cà phê, đã tăng thêm thu nhập gần 0,5 tấn nhân/ha/năm nêu trên, nông dân không những thu hồi lại vốn đầu tư khá nhanh, mà còn góp phần tạo ra sự ổn định và bền vững cho sản xuất. Với Lâm Đồng hiện có tổng diện tích cà phê trên 152.000 ha, đứng thứ 2 trong cả nước, nhưng việc chăm sóc vẫn còn phổ biến là bón phân vào bồn gốc cây rồi tưới nước trực tiếp hoặc tưới tràn để hòa tan trên cùng một khu vườn cà phê. Ngoài ra nông dân còn bón phân rải đều trên mặt đất rồi chờ mưa. Đây là cách làm đơn giản, không tốn nhiều công lao động, ngược lại phân bón hay gặp rủi ro bị rửa trôi khi gặp mưa lớn bất ngờ hoặc sẽ bị bốc hơi khi thời gian chờ mưa quá lâu.
Khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển Lâm Đồng cho thấy: Hiện nay vùng cà phê Lâm Đồng ước có khoảng 60% số hộ nông dân thực hành bón phân cân đối, phù hợp với quy trình kỹ thuật mới; còn lại 40% số hộ nông dân bón phân vượt liều lượng, tăng chi phí đầu tư, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng vườn cây. Nhằm góp phần khắc phục tình trạng lãng phí trong cách bón phân, tưới nước theo cách “quan tay” này, từ năm 2012, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã triển khai xây dựng 6 mô hình tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân tiết kiệm trên 6ha cà phê thuộc các địa bàn Lâm Hà, Di Linh và Bảo Lâm. Đến năm 2013 tiếp tục triển khai 2 mô hình trên 01ha cũng ở huyện Lâm Hà. Kết quả với công thức tưới trên 01 ha là 300 lít nước, chu kỳ 25 ngày/lần tưới; tiết kiệm nước được 200 lít/gốc/lần; giảm 10,5% tỷ lệ cà phê rụng quả; hạn chế lây lan nhiều loại sâu bệnh gây hại, nhất là các loài nấm bệnh và tuyến trùng phá hoại bộ rễ…Đây cũng là kết quả được đánh giá khá khả quan trong việc tiết kiệm một lượng phân bón đáng kể hàng năm cung cấp cho cây cà phê. Cụ thể mỗi lần tưới nước tiết kiệm, nông dân hòa tan phân bón qua hệ thống công nghệ mới dẫn nước nhỏ giọt hoặc phun mưa đến từng bộ phận của cây cà phê, giảm xuống khoảng 100 công lao động làm bồn dưới gốc cây và bón phân trực tiếp trên 01ha cà phê mỗi năm; chưa kể một lượng nhiên liệu xăng dầu phải tiêu hao không nhỏ để bơm nước cứu hạn cho cây cà phê mùa khô .
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng tiết kiệm “nhất nước, nhì phân…” trong sản xuất cà phê bền vững trên địa bàn, trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài, ngành nông nghiệp Lâm Đồng vừa thông qua nhiều giải pháp chỉ đạo, phối hợp triển khai một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, thích ứng với từng địa hình sản xuất khác nhau. Đó là tăng cường bón phân khoáng hữu cơ cân đối, đúng liều lượng, có bổ sung các nguyên tố vi lượng phù hợp với khả năng sinh trưởng, phát triển ở từng giai đoạn, từng điều kiện sinh thái của vườn cây cà phê. Đồng thời khuyến cáo nông dân không nên lạm dụng phân bón hóa học nuôi cây cà phê vì cách chăm sóc này rất dễ tạo ra môi trường thuận lợi cho sâu bệnh gây hại phát triển. 
Mặt khác, cần đặc biệt chú trọng trồng cây che bóng, chắn gió và thường xuyên tủ gốc bằng các vật liệu hữu cơ (rơm rạ, các loại nhánh cây đậu đỗ…), từ đó giữ ẩm độ cần thiết cho cây cà phê; giúp nông dân từng bước chuyển dần tập quán bón phân tỷ trọng vô cơ cao sang phương thức canh tác hữu cơ bền vững…/.
     THÁNG 4/2015