Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Trăm triệu đồng cây đào thất thốn Đà Lạt

VĂN VIỆT
Thung lũng hoa đào Mười Lời vừa xuất bán 2 cây đào thất thốn Đà Lạt, mỗi cây giá 100 triệu đồng trong sự bất ngờ của nhiều người chơi sinh vật cảnh. Tết Ất Mùi tới, khách xuân có dịp chiêm ngưỡng cận cảnh những hàng cây đào thất thốn Đà Lạt nở hoa sau 3 năm chiết ghép, chăm sóc trưởng thành tại Thung lũng này.   

Một sáng cuối năm 2014, tôi đến Thung lũng hoa đào Mười Lời, Đà Lạt được ngắm nhìn những đóa hoa đào thất thốn hồng nhạt vừa mới bung nở đêm qua. Mỗi đóa hoa có 5 cánh đơn xòe ra, giành trọn khoảng không gian cho nhụy hoa tua tủa vươn lên điểm vàng. Chủ nhân Thung lũng, Bùi Văn Sang cho biết, trong tất cả 16 cây đào thất thốn đang lác đác cho hoa ở đây có 10 cây khoảng 45 năm tuổi; còn lại 6 cây được nhân giống bằng ươm hạt và ghép mầm chồi bước vào 4 năm tuổi. “ Dù đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật và kinh nghiệm truyền thống để ươm hạt, chiết ghép, nhưng tỷ lệ thành công chỉ mới đạt lần lượt là 1/10 và 3/10 mà thôi…. ”- Sang nói.
 Ngược lại dòng thời gian, Sang kể rằng, cây đào thất thốn Đà Lạt được một nghệ nhân ở ấp Đa Thiện chọn tạo gây giống từ những cây đột biến gien có nguồn gốc Nhật Bản, Trung Quốc di thực đến vào năm 1968. Sau đó thêm một nghệ nhân ở ấp Hà Đông đột phá tạo dáng cây đào thất thốn thành cây bonsai trong chậu đạt được giá trị nghệ thuật. Đến năm 1996, Thung lũng hoa đào Mười Lời mới chính thức sở hữu được nguồn giống cây đào thất thốn Đà Lạt đầu dòng. 
Trước đó nghệ nhân Bùi Văn Lời đã thương lượng với nhiều nghệ nhân ở Đà Lạt mới được “nhượng quyền” 10 cây với số tuổi ước đã hơn 25 năm. Năm 2011, sau khi người cha của mình (ông Bùi Văn Lời) qua đời vì bệnh hiểm nghèo, Sang kế nghiệp nuôi dưỡng cả hàng cây đào thất thốn Đà Lạt ở Thung lũng đều đơm hoa tết đồng loạt. Rồi trong cả hàng cây, Sang tuyển lựa 1 cây phát triển đẹp nhất để tham gia dự thi Hội Hoa Xuân Đà Lạt, kết quả đoạt được Huy chương Đồng. Khách xuân Đà Lạt- Lâm Đồng và khách du lịch khắp nơi trong và ngoài nước tỏ ra rất ngỡ ngàng không chỉ trước vẻ đẹp mỏng mảnh của 5 cánh hoa, mà còn bởi những thân cành bao bọc lớp lớp vảy rồng lạ mắt. Tuy nhiên việc nhân giống hữu tính và vô tính với tỷ lệ thành công không cao, lại phải mất thời gian nhiều năm chăm sóc đúng quy trình mới kết nụ, nở hoa, nên số vườn gia đình có cây đào thất thốn Đà Lạt đến nay chỉ đếm trên đầu ngón tay ở tỉnh Lâm Đồng.
    Nhận thấy nhu cầu thưởng lãm cây đào thất thốn Đà Lạt rất “tiềm năng”, sau những ngày xuân năm 2011, anh Sang bắt tay nghiên cứu nhân giống. Trước hết với phương pháp nhân giống hữu tính (ươm hạt), Sang thu hoạch được 30 trái đào thất thốn Đà Lạt chín mọng trong Thung lũng hoa đào Mười Lời, đem phơi liên tục trong hàng chục buổi nắng giòn. Công đoạn tiếp theo, Sang đập trái khô ra lấy hạt nhân, đem vô nhà lưới cẩn thận vùi sâu dưới mặt cát khoảng 30cm. Ngày ngày 2 buổi chăm bón với các chế độ dinh dưỡng riêng biệt, đến khoảng 2 tháng sau, Sang mới đón nhận được 3 cây đào thất thốn Đà Lạt vươn lên trên mặt cát, mỗi cây nảy nở ra 3 cặp lá xanh non. Công đoạn cách ly ra khỏi nhà lưới vườn ươm, Sang phải hết sức “o bế” từng cây để chuyển lên nuôi trong chậu giá thể nhập ngoại. Với phương pháp nhân giống vô tính ( chiết ghép), Sang chọn mầm chồi khỏe mạnh từ cây đào thất thốn đầu dòng trong Thung lũng ghép với gốc cây đào lông lâu năm của Đà Lạt. 
Thêm chú thích
Cắt xong mầm chồi và ghép ngay lập tức như kỹ thuật ghép cây hồng đào, bích đào…thuần thục của Thung lũng hoa đào Mười Lời. Kết quả “nâng niu” đến tháng thứ 3 chỉ  có 01/10 mầm chồi “kết dính” với gốc ghép. 09 mầm chồi còn lại đều chết héo rũ. Sau này, Sang thử nghiệm thêm nhiều cách thức chiết ghép mới, nhưng hiệu quả cũng không cải thiện được hơn. Theo Sang, có lẽ đặc tính sinh thái của cây đào thất thốn Đà Lạt sinh trưởng cành, lá rất chậm nên mắt ghép rất khó khăn mới sống được trên gốc cây khác.
Trong 5 cây đào thất thốn Đà Lạt ghép sang tuổi thứ 4, Sang đã bán 2 cây thu về 200 triệu đồng như nêu trên. Từ năm 2015 trở đi - mỗi năm, Sang sẽ cố gắng nhân giống bán ra thị trường khoảng 20 cây đào thất thốn Đà Lạt khoảng vài tháng tuổi. Vì như vậy, mức giá sẽ phù hợp hơn với khả năng tài chính và cây đã hình thành một bộ rễ ổn định, thuận lợi chăm sóc đối với người chơi cây cảnh trong nước hiện nay./.          
THÁNG 12/2014