Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

Rổ cá ở phố trà

Phóng sự VĂN VIỆT
Lẩn khuất đằng sau những dãy phố trà nhộn nhịp, thơm lừng là đôi ba nhánh rẽ con đường làng len lỏi qua từng ngôi nhà xây xi măng đan xen với từng ngôi nhà gỗ thâm thấp, đã chuyển màu cũ kỹ. Ở bên trong đó, hết đợt rổ cá này đến đợt rổ cá khác cứ nối tiếp “ra lò” rồi úp chồng lên nhau thành tầng, thành lớp để nuôi hy vọng cho cuộc sống vươn lên phía trước… 

Nghề phụ, thu chính
Nếu xuất phát từ trung tâm của hồ nước thành phố Bảo Lộc thì khoảng 15 phút xe máy là phăm phăm đến giữa làng rổ cá tọa lạc tại các thôn 2, 3 và 4 thuộc xã Lộc Châu ngoại vi. Những ngày mùa khô cuối tháng 11 năm 2014, làng vẫn còn bóng mát bởi những hàng cà phê “đứng tuổi” đang vào mùa thu hoạch rộ, nhưng lại giăng mắc ngang dọc các đài hoa trắng nở vội vàng trên cành. Tôi bước vào căn nhà xây “dưới cấp 4” của bà Đoàn Thị Quyên có địa chỉ mà chính bà không nhớ nổi, phải chạy ra phía trước biển số để đọc: Số nhà 913/30, Quốc lộ 20, Thôn 4, xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc. Gần trưa rồi, dường như bà Quyên vẫn chưa chuẩn bị gì cho bữa cơm đầy đủ những thành viên trong gia đình: “ Một mình tôi ở nhà đan rổ cá thôi. Ông nhà tôi đi rừng lấy nứa từ lúc 5 giờ sáng, mang theo hộp xôi ở lại đến chiều tối mới về. 2 đứa con lớn đi làm nghề cơ khí trên phố Bảo Lộc cũng không ăn cơm nhà buổi trưa. Chỉ còn một đứa nhỏ nhất thì đang học lớp 7…. ” Ngồi xuống bên các chồng rổ cá còn hăng hắc mùi nhựa cây nứa tươi, tôi hỏi bao giờ bạn hàng sẽ đến mua, bà Quyên bảo cứ 2-3 ngày có ô tô đến trước nhà gom hết chở đi, trả tiền tại chỗ với giá 3.000 đồng/chiếc. Một ngày trung bình, nhà bà Quyên sản xuất ra 50 chiếc rổ cá, tổng thu 150.000 đồng.
Bà Quyên kể rằng, cái nghề đan rổ cá ở thôn 4, Lộc Châu xuất hiện đã gần 20 năm. Một trong những người đầu tiên hành nghề rồi mách bảo cho người làng là ông Dũng, hiện làm Chi hội phó nông dân ở thôn bên cạnh. Lúc đó rừng nứa kề cận quanh làng, hàng ngày chỉ cần một người cầm con dao, cây rựa vào rừng một buổi sẽ khai thác đủ nguyên liệu cho một hộ gia đình 4 người đan đến cả trăm chiếc rổ cá. Nay thì phải xuống dưới đèo Bảo Lộc, dựng xe máy khóa bằng dây xích bên ngoài khu vực Miếu Ba Cô, sau đó lội bộ đến mấy tiếng đồng hồ không nghỉ mới tìm thấy rải rác những bụi cây nứa già nua. Vì việc đan rổ cá mỗi ngày mỗi lại tăng thêm nhiều phần cực nhọc, khiến không ít hộ gia đình lần lượt phải bỏ cuộc; những hộ gia đình còn lại đang gắng hết sức chịu thương, chịu khó giữ nghề bởi không biết làm thêm nghề nào khác để trang trải cuộc sống gia đình. Trong khi diện tích đất cà phê, đất chè của họ đang canh tác rất ít ỏi - chỉ một đến hai ngàn mét vuông đất cho một hộ gia đình với 4 miệng ăn trở lên.  “Do chỉ có 300 mét vuông đất vừa thổ cư vừa trồng mấy chục cây cà phê, nên gia đình chúng tôi phải cố sức làm nghề đan rổ cá cho thu nhập chính hàng ngày …”- bà Quyên tâm sự. 
Rổ cá có máu
Từ nhà bà Quyên ghé sang một ngôi nhà gỗ liền kề, tôi bước thêm mấy chục bước chân giữa thưa thớt vài bó thanh nan chẻ ra từ ống nứa trải ra phơi phóng. Vừa chất lên một xâu rổ cá đan cuối cùng trong tuần, chủ nhà, anh Trần Đình Mạc ( tuổi gần ngưỡng 50) kéo ghế mời khách ngồi. Căn nhà gỗ bên trong rộng thoáng ánh nhìn vì không thấy kê đặt một vật dụng trang trí nội thất nào có giá trị. Tôi buột miệng hỏi : “Đây là nhà ở của anh ?” “ Dạ, vợ con em hôm nay đi lên phố Bảo Lộc công chuyện. Chứ bình thường cả ngày, cả nhà đều cùng nhau “sẵn sàng hiến máu” đan rổ cá lấy tiền…”- Mạc trả lời mới nghe có phần thậm xưng nhưng điều này lại sự thật khi tôi nán lại trò chuyện lâu hơn. 
Mạc dẫn tôi đến gần với đống rổ cá đan mấy ngày đã khô dẻo, tôi thử cầm chặt vào đường lưỡi gân của thanh nan nứa, ngay lập tức 2 lòng bàn tay với 10 ngón tay sưng tấy lên các vệt đường đỏ sắc lẹm. Mới thán phục ngay lúc trước đó, đôi tay trần của bà Quyên thoáng trong vài phút vừa tiếp khách vừa thoăn thoắt đan kết xong phần thân của chiếc rổ cá bằng thanh nứa chỉ dày hơn chiếc lưỡi lam, đường kính mặt rổ dễ đến hơn nửa mét.
Trời trưa đứng bóng, anh Cao Huân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Châu vẫn chịu khó đưa tôi chạy loanh quanh trên đường bê tông của làng rổ cá. Bất chợt giờ này lại gặp một nông gia già đang trèo bám trên cành cao của cây cà phê để thu hái quả. Bước xuống dưới bóng râm mát, ông bắt tay mới biết tôi là nhà báo; còn tôi thì không ngờ rằng, ông là Nguyễn Trung Kiên, một cán hưu trí đã 65 tuổi, giữ chức Bí thư Chi bộ của làng rổ cá từ năm 2006 đến nay. Làng mình là làng của nghề trà cao nguyên B’Lao nức tiếng, sao người dân lại làm nghề của xứ biển- nghề đan rổ đựng cá hấp ? Tôi tranh thủ vào ngay “công việc”. Bí thư Kiên chùng giọng: “Vì đất thiếu, người nhiều, cây chè và cây cà phê mang lại doanh thu không đáng kể, nên một bộ phận người dân trong làng đã tự phát làm nghề đan rổ cá để có nhiều hơn đồng ra, đồng vào. Chi ủy của thôn cũng đang cân nhắc về định hướng mới cho nghề nào là phụ, nghề nào là chính cho người dân...” Minh họa thêm Bí thư Kiên, “Chủ tịch Nông dân Cao Huân” cho biết: “Hội Nông dân xã Lộc Châu đã thành lập Chi hội Đan lát trực thuộc với hơn 20 hội viên và đi vào hoạt động từ năm 2009 đến nay. Bước đầu chi hội cũng chỉ mới làm được các việc như tạo môi trường trao đổi, nâng cao kinh nghiệm, kỹ thuật đan rổ cá giữa những hội viên với nhau; kết nối với bạn hàng để có giải pháp ổn định số lượng đầu ra hàng năm cho rổ cá…”
    
 Trên đường trở ra Quốc lộ 20, tôi dừng lại “tâm tình” với một nam học sinh phổ thông cơ sở của làng rổ cá: “Cháu có thường phụ giúp Ba Mẹ đan rổ cá sau những giờ học ? ” “ Dạ có ạ !” “ Có hay sưng tay, chảy máu, cầm viết bị đau không ? ” “Dạ…Dạ…” - Cậu bé lắc lắc cái đầu rồi chạy vù ra một khoảng cách khá xa mới với chào tạm biệt tôi.../.   
THÁNG 12/2014