Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

Đường lên quê mới Đơn Dương

 Phóng sự: VĂN VIỆT - HẢI YẾN

LTS: Ngày 6/6/2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1108 QĐ-UBND tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng huyện Đơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Đơn Dương hiện có 8/8 xã cùng triển khai xây dựng nông thôn mới, trong đó có 2 xã đang phấn đấu vươn lên đạt tiêu chí nông thôn mới vào cuối năm 2013; các năm 2014, 2015, 2016 thêm 5 xã và năm 2018 hoàn tất 1 xã còn lại. Dẫu còn nhiều khó nhọc phải vượt qua, nhưng với tinh thần chung sức chung lòng, khai thác và phát huy những lợi thế bên mình, huyện Đơn Dương đang tạo ra cuộc sống vật chất, tinh thần thay đổi mỗi ngày. Phóng viên Báo Lâm Đồng với những ngày “chung bước” trên đường quê mới Đơn Dương đã có những cảm nhận, phân tích, tìm giải pháp qua loạt phóng sự này.
Kỳ I: Đồng xanh thu những mùa vàng

Từ huyện lỵ Đơn Dương về hướng Đông hơn 5km là bước vào cánh đồng rau xanh ngút ngàn của xã Lạc Lâm trực thuộc. Cánh đồng so với mặt biển có độ cao trên dưới 1.000m, trải rộng theo lòng chảo bao bọc dòng sông Đa Nhim, tựa lưng vào dãy núi Trạm Hành, Đà Lạt, ngày ngày đón nhận những luồng nước, luồng gió mát lành để cà chua, cải bắp, hành tây, cải thảo, xà lách, tần ô, ớt ngọt… quanh năm thu mùa vàng cho người chăm trồng.

Thanh niên Lưu Vũ Trường Duy, cán bộ khuyến nông xã Lạc Lâm của huyện Đơn Dương khá sôi nổi với chúng tôi về “nghề rau” của gia đình mình ở thôn Tân Lập. Sau hơn 6 năm làm khuyến nông xã Lạc Lâm giúp Duy được tập huấn những kỹ thuật sản xuất từ trên huyện, trên tỉnh về phổ biến cho nông dân; rồi cũng từ người nông dân giúp Duy những kinh nghiệm thực tiễn hơn. Đặc biệt trong 3 năm qua, khi chương trình xây dựng nông thôn mới về từng ngõ xóm, gia đình, “nghề rau” càng được khích lệ chuyên sâu. “Hai tháng qua, trên 4.000m2 trồng ớt sừng, ớt chỉ thiên ngoài trời, mỗi sáng em kéo dây tưới nước chừng nửa tiếng đồng hồ xong 1.000m2; còn lại 3.000m2 có hệ thống tưới nhỏ giọt tự động. Cứ 10 ngày thu khoảng 300kg ớt sừng, bán được 4,5 triệu đồng và khoảng 150kg ớt chỉ thiên, bán gần 3 triệu đồng. Từ trồng rau sang trồng ớt từ đầu năm 2013 đến nay, tăng thêm lợi nhuận khoảng 1 triệu đồng/1.000m2/tháng…” - Duy nói.

Duy dẫn chúng tôi theo từng cung đường bê tông giữa những cánh đồng rau “thường xanh” của xã Lạc Lâm. Đến thôn Lạc Lâm Làng, gặp anh Lê Tự Hoàng, một nông dân “6X” nhớ lại: “Từ năm 2010, mỗi cuộc họp xóm, họp thôn, cán bộ địa phương động viên mỗi hộ gia đình cố gắng suy nghĩ, tìm giải pháp mới nâng cao thu nhập trên thửa rau của mình, cùng thiết thực xây dựng nông thôn mới cho xã, cho huyện. Gia đình tôi với 2ha đã tự “quy hoạch” từng “lô khoảnh” để đưa công nghệ mới về…”. Theo đó, công nghệ không chỉ do các cơ quan kỹ thuật nông nghiệp trong tỉnh hướng dẫn, mà còn được “chuyển giao” từ những hộ nông dân quen biết của anh Hoàng từ vùng rau Đà Lạt đến vùng rau Lạc Lâm. Giờ đứng trên bờ đường bê tông nhìn xuống đồng rau của mình, anh Hoàng tâm đắc: “Trước mặt là khu vực 8.000m2 đã đầu tư công nghệ tưới phun các loại cây rau trồng luân canh như sú, cải… Bên này là 5.000m2 trồng cà chua, ớt cay được phủ bạt ni lông bên trên và lắp đặt hệ thống nước tưới ngầm bên dưới. Bên kia là 7.000m2 tưới tay chăm bón các giống rau ngắn ngày nhất (trên dưới 30 ngày) như hành lá, tần ô, xà lách…”.
Mấy chục năm “nghề rau” cho anh Hoàng biết Lạc Lâm là vùng đất “dinh dưỡng nổi” trên bề mặt đất từ 30 - 40cm, rất thích hợp trồng rau xanh, nên phần lớn nông dân thường ngày trao đổi, bàn bạc ở đồng rau đa canh cho phù hợp từng thời điểm mới tránh được thị trường “dội chợ”. Nhờ vậy qua gần nửa năm 2013, trên mỗi lứa rau “gặt hái” ở thôn Lạc Lâm Làng đều “đón” thương nhân xe tải đến tận vườn cạnh tranh giá thu mua, ước mỗi héc ta thu lãi khoảng 30 - 40 triệu đồng/tháng. “Nhớ ngày xưa chỉ có cây mía chủ lực, nông dân làm sao dám mơ thu lãi hàng chục triệu đồng mỗi héc ta rau mỗi tháng như bây giờ... ”- anh Hoàng tâm sự.

Đến cuối năm 2013 anh Hoàng sẽ xây mới các nhà kính trồng rau như nhiều hộ gia đình khác ở Lạc Lâm thu bạc tỷ đồng trên mỗi héc ta hàng năm. Theo lời anh Hoàng, khuyến nông viên Duy đưa chúng tôi về hướng Nam cũng theo đường bê tông đến cánh đồng Đông Hưng của Lạc Lâm rộng đến 65.000m2. Trời trưa nắng nóng bỗng dịu mát khi chúng tôi vào nhà lưới trồng ớt ngọt của nông dân Nguyễn Đức Cường, người sinh ra tại Lạc Lâm đúng vào năm đầu thế hệ “6X”. “Tôi trồng 2.000m2 ớt ngọt nhà kính, năm 2012 thu lãi hơn 280 triệu đồng. Đầu năm 2013 đến nay, mỗi tháng thu được khoảng 1.300kg, giá bán mỗi ký từ 15-20 ngàn đồng…” - anh Cường tính nhanh. Mới hay, anh Cường là cán bộ Mặt trận xã, ngoài giờ hành chính về làm nông dân “kiêm tuyên truyền viên” vận động bà con sản xuất giỏi hơn để xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng gia đình văn hóa khu dân cư. Tháng 9 năm ngoái - 2012, anh Cường được bầu làm Tổ phó Tổ Hợp tác nông nghiệp Đông Hưng với 12 tổ viên sản xuất trên 65.000m2, trong đó có 2.000m2 nhà kính ớt ngọt đi tiên phong của anh Cường.

Tổ Hợp tác của anh Cường là mô hình điểm trên cánh đồng lớn Lạc Lâm. Tất cả 12 tổ viên tự nguyện vào Tổ Hợp tác, người có diện tích ít nhất (3.000m2) và người có diện tích nhiều nhất (16.000m2) đều bình đẳng phân chia trồng từng cây rau để đảm bảo hợp đồng với các đối tác tiêu thụ “chốt giá” đầu vụ; tổ viên tự thu hoạch và nhận đủ tiền bán ra sản phẩm rau của mình. “Cấp ủy, UBND xã Lạc Lâm đang chỉ đạo khuyến nông khảo sát, vận động thành lập thêm nhiều mô hình hợp tác liên kết giữa các hộ sản xuất với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ rau một cách ổn định, lâu dài…” - Duy cho biết.
Nhìn “toàn cảnh” đến nay xã Lạc Lâm có 1.626 hộ (với 8.560 nhân khẩu), trong đó chiếm 70% số hộ làm “nghề rau” với 4 vụ/năm đạt diện tích 1.080ha; riêng các diện tích sản xuất rau công nghệ cao gồm: nhà lưới 80ha, nhà kính 5,62ha, phủ bạt 300ha, tưới tự động, nhỏ giọt 45ha. Cây rau đã góp phần đáng kể vào thu nhập bình quân đầu người xã Lạc Lâm tăng lên mỗi năm: 17,6 triệu đồng năm 2010 tăng lên 23 triệu đồng năm 2011 và 30,4 triệu đồng năm 2012.

Bí thư Đảng bộ xã Lạc Lâm, ông Huỳnh Văn Quang phân tích: “Lạc Lâm bắt đầu xây dựng nông thôn mới vào năm 2010 thì đến năm 2012 triển khai đồng loạt các giải pháp phát triển sản xuất nâng cao thu nhập người dân. Đảng bộ xã chỉ đạo chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị thực hiện chương trình nông thôn mới đến tất cả 10/10 thôn, tuyên truyền, vận động qua các cuộc họp, tọa đàm đã khơi dậy và phát huy tính chủ động, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực của người dân. Đến tháng 6/2013, Lạc Lâm hoàn thành 16/19 tiêu chí nông thôn mới; 3 tiêu chí còn lại sẽ hoàn thành vào cuối năm 2013. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo quy hoạch, chọn mô hình điểm để xây dựng và nhân rộng, gắn sản xuất với tiêu thụ đã góp phần đưa nhiều tiêu chí nông thôn mới hoàn thành trước kế hoạch như thu nhập, quy hoạch, giao thông, thủy lợi, chợ, giảm nghèo…”.

Vậy là Lạc Lâm, xã đầu tiên của quê mới Đơn Dương đã cho chúng tôi đầy đặn những dữ liệu về mùa vàng nông thôn mới hôm nay và ngày mai…
Cập nhật lúc 08:35, Thứ Hai, 10/06/2013 (GMT+7)


Đường lên quê mới Đơn Dương
Bài cuối: Vững bước hành trang mới
Cập nhật lúc 15:56, Chủ Nhật, 16/06/2013 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Đến đầu tháng 6/2013, đường lên quê mới Đơn Dương với những điểm sáng gồm xã Lạc Lâm và xã Quảng Lập đạt 16 - 17 tiêu chí; xã Ka Đơn và xã Ka Đô cùng đạt 14 tiêu chí; xã Lạc Xuân đạt 12 tiêu chí; xã Tu Tra và xã Próh cùng đạt 9 tiêu chí; xã Đạ Ròn đạt 8 tiêu chí. Vững tin với hành trang mới, tất cả 8 xã cùng đặt mục tiêu lần lượt hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2018.

Có được thành quả “chặng đầu” hôm nay, ông Đinh Ngọc Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương đánh giá: “Đi vào triển khai, Nghị quyết Đảng bộ huyện Đơn Dương đã xác định xây dựng nông thôn mới là một trong những chương trình trọng tâm. Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và toàn bộ hệ thống chính trị từ huyện đến 8/8 xã đã kịp thời thành lập, phân công trách nhiệm cho từng nhóm phụ trách, cho từng thành viên. Ngoài ra trên 8 xã đều kiện toàn các Ban Quản lý, Ban Giám sát, Ban Vận động và đặc biệt đã thành lập Ban Phát triển nông thôn mới trên 78 thôn, hoạt động cùng với các tổ công tác, các ban giúp việc ở thôn; tổ chức tập huấn đào tạo cán bộ; lập quy hoạch, lập đề án phát triển sản xuất; nâng cao tính tự chủ sản xuất, xác định đúng hướng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để tạo bước đột phá, nâng cao đời sống cho nhân dân…”. Qua đó, 8 Đảng bộ xã với 439 đảng viên, năm 2012 có 97% đảng viên hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Và với tổng số cán bộ 185 cấp xã có trình độ từ trung cấp trở lên đạt tỷ lệ 70% đối với cán bộ chuyên trách giữ chức vụ bầu cử và đạt tỷ lệ 98,9% đối với công chức… là nguồn lực quan trọng nhất đã và đang sát cánh cùng với nhân dân vươn lên trên đường quê huyện mới.

Kỹ sư Lê Thị Bé, Trưởng Phòng Nông nghiệp, cơ quan thường trực xây dựng nông thôn mới huyện Đơn Dương cung cấp: Hàng năm Đơn Dương gieo trồng 21 ngàn ha rau các loại, sản lượng 700 ngàn tấn/năm, thu nhập bình quân 120 triệu đồng/ha/năm, nông nghiệp chiếm tỷ trọng 56% kinh tế toàn huyện. Chăn nuôi đáng kể với 46 ngàn con bò sữa, chiếm tỷ lệ 60% quy mô chăn nuôi hộ gia đình.

Toàn huyện Đơn Dương hiện có 98 ngàn dân, trong đó dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 30%. Với 37 trang trại, 92 doanh nghiệp thu hút dưới 20 lao động và 33 doanh nghiệp thu hút hơn 20 lao động, cùng với 7 hợp tác xã và 7 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp đang năng động trong thương trường, đưa về thu nhập tính riêng của xã viên, tổ viên đã đạt trên 35 triệu đồng/người/năm, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người năm 2012 trong huyện là 28 triệu đồng, trong đó xã Próh đạt ít nhất đã lên được 17 triệu đồng, xã Lạc Lâm đạt nhiều nhất lên đến 30,4 triệu đồng.

Số liệu 3 năm qua, ngân sách nhà nước đầu tư trên 8 xã xây dựng nông thôn mới của huyện Đơn Dương gần 98 tỷ đồng cùng với đóng góp của nhân dân gần 55 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn, thắp sáng điện thôn xóm, xây nhà văn hóa, xây hội trường thôn, xây cầu treo bắc qua sông Đa Nhim. Số tiền huy động sức dân đóng góp đang dẫn đầu là xã Lạc Lâm (hơn 17,3 tỷ đồng), kế đến xã Ka Đô (gần 12,9 tỷ đồng), Quảng Lập (hơn 12,3 tỷ đồng), Lạc Xuân (11,6 tỷ đồng); còn lại là xã Ka Đơn (4,24 tỷ đồng), Tu Tra (74 triệu đồng), Đạ Ròn (72 triệu đồng).

Những mô hình Ban Chỉ đạo hoạt động, Ban Phát triển thôn hoạt động hữu hiệu ở xã Lạc Lâm, xã Quảng Lập với việc huy động sức dân xây dựng đường bê tông thôn, xóm, xây dựng hệ thống điện thắp sáng. Ở xã Quảng Lập, xã Ka Đô, nhân dân mỗi xã đóng góp xây chợ mới trên dưới 10 tỷ đồng; ở xã Ka Đơn, nhân dân các thôn Ka Rái và Ka Đơn góp tiền kéo điện ra đồng bơm tưới 20 ha đất nông nghiệp, nhân dân thôn Sao Mai “tự quản” bảo nhau chỉnh trang mỹ quan nhà ở gia đình.

Trên 8 xã đến nay, điện lưới quốc gia đã về 100% số thôn, trong đó có 98% số hộ sử dụng điện an toàn; 4 chợ xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm Lạc Xuân, Quảng Lập, Lạc Lâm, Ka Đô và 2 chợ Tu Tra, Próh đang nâng cấp; 14 trường học đạt chuẩn quốc gia; 5 trường học có cơ sở vật chất đạt xã nông thôn mới; 8 xã cũng đang lập thủ tục đầu tư 5 tỷ đồng xây dựng hạ tầng thể thao trong năm 2013 và tăng lên 15 tỷ đồng vào năm 2015. Trung tâm Y tế huyện Đơn Dương đang được mở rộng; 8/8 trạm xá xã đều nâng cấp và xây dựng mới, trang bị cơ bản các thiết bị y tế thiết yếu, đảm bảo biên chế các chức danh chuyên môn, thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia về phòng chống dịch bệnh, chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân…

Để đạt mục tiêu từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2018, tất cả 8/8 xã của huyện Đơn Dương đạt tiêu chí nông thôn mới, trước hết cần nguồn kinh phí nhà nước và nhân dân đóng góp 9,45 tỷ đồng để xóa 315 nhà tạm; tổ chức các hình thức sản xuất tăng năng suất và tăng hiệu quả kinh tế (đạt từ 130 triệu đồng/ha/năm trở lên) để giảm số hộ nghèo từ 5,94% xuống còn 2% (trong đó số hộ nghèo đồng bào thiểu số giảm từ 14,76% xuống còn 6%), trong đó ở 4 xã Đạ Ròn, Tu Tra, Ka Đơn, Próh phải áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ để giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 7% số dân số trở xuống. Đồng thời những nhóm giải pháp cùng “tiến bước” như điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp hàng năm trên từng xã; lồng ghép các chương trình dự án để bê tông hóa giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng; giao chỉ tiêu đào tạo nghề, xuất khẩu lao động đến từng xã; vận động già làng, trưởng bản, các chức sắc tôn giáo và những người uy tín trong cộng đồng cùng tích cực tham gia trong Ban Chỉ đạo xây dựng thôn mới ở thôn, xóm…

Những giải pháp trên thể hiện quyết tâm của huyện Đơn Dương vững bước đi lên nông thôn mới, hành trang mới với “mục tiêu của mọi mục tiêu” là “Nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của mọi tổ chức, cá nhân trên toàn huyện Đơn Dương để đưa chương trình xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất là chương trình của dân, do dân và vì dân…” như lời của ông Đinh Ngọc Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương đã nhấn mạnh.

Phóng sự: VĂN VIỆT - HẢI YẾN