Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Tầm vông lên rừng Đạ Tẻh

VĂN VIỆT
Sau một năm “định cư” ở vùng đồi núi đầu nguồn Đạ Tẻh, cây tầm vông đã chứng tỏ sự thích nghi qua từng ngày khép tán xanh cành. Vài năm nữa, cây tầm vông sẽ thể hiện vai trò lá chắn giữ nước đầu nguồn Đồng Nai và đồng thời sẽ thu hoạch sản phẩm xuất khẩu, đem về nguồn lợi giảm nghèo cho người dân địa phương. 
 
Từ hồ sinh thái Đạ Hàm, chúng tôi lội bộ hơn ba cây số đường rừng cùng ông Hà Văn Nghĩa, Chủ nhiệm HTX Sản xuất nông lâm xã An Nhơn, Đạ Tẻh để đến được lưng chừng sườn núi trồng cây tầm vông. Trông tầm vông là biết một loài cây thuộc họ tre nhưng thân của nó chỉ nhỏ bằng bắp tay và chiều cao thì vươn thẳng đứng lên trời. Ông Nghĩa dẫn chúng tôi đến giữa hai hàng bụi cây tầm vông rồi nói : “Xã viên chúng tôi đều trồng tầm vông đúng quy cách là cây cách cây và hàng cách hàng khoảng năm mét. Từ một cây giống trồng cách đây một năm đã sinh sôi thành nhiều thân cây chen chúc nhau, ôm mấy vòng tay không hết…”  Tính riêng phần đất rừng được giao cho hộ ông Nghĩa 01 ha, trồng cả thảy 500 bụi cây nay đều đã vọt cao đến bốn, năm mét, từ thân, lá đến ngọn cây đang phủ một màu xanh đậm. “Trồng tầm vông tương đối tốt trên đất này. Xuống giống đúng kỹ thuật, bón phân đúng liều lượng rồi cứ sáng ra lại thấy nó đâm chồi non rất nhanh…”-hộ nông dân Nguyễn Văn Phòng nói thêm. Với diện tích trồng tầm vông trên 02 ha, hộ gia đình Nguyễn Văn Phòng dựng lán trại tại chỗ để canh tác. Thường nông dân Phòng ở lại trại ba, bốn ngày mỗi tuần. Ngày trời không mưa và quá bận việc đồng án ở nhà thì Phòng sáng sớm đi vào chăm rừng “vông” đến tối mới về lại nhà. Nhớ hồi năm ngoái, nông dân Phòng đi tham quan ở vùng rừng Tánh Linh, Bình Thuận, thấy người nông dân trồng tầm vông lên sum suê, thích quá. Nay thấy vườn rừng tầm vông của mình trên đất Đạ Tẻh lên xanh tốt hơn cả vườn rừng Tánh Linh nên nông dân Phòng đang có nhiều hy vọng lắm. Nông dân Phòng bày tỏ thêm : “Nhà nước giao đất trồng tầm vông cho gia đình tôi trong thời hạn 50 năm là quá yên tâm rồi. Gia đình tôi đang gắng sức chăm sóc và tin tưởng về cây tầm vông trong năm, ba năm nữa sẽ đạt giá trị kinh tế để giảm nghèo và từng bước vươn lên khá giả….”  
Chủ nhiệm Hà Văn Nghĩa nói chúng tôi muốn đi hết cánh rừng tầm vông rộng 20 ha thuộc thôn 4B, xã An Nhơn, Đạ Tẻh phải lội bộ mất hết mấy ngày. Những con số ghi nhớ từ ông chủ nhiệm cho thấy: Tất cả có 15 hộ dân trong xã An Nhơn phối hợp với Công ty TNHH Cỏ Xanh từ tỉnh Tây Ninh để trồng 20 ha tầm vông nói trên từ tháng 6/2009. Đây là dự án bảo tồn đa dạng sinh học lưu vực sông Đồng Nai của quỹ môi trường thế giới, được Công ty TNHH Cỏ Xanh hợp đồng với nông dân theo hình thức: Công ty đầu tư giống, phân bón, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.  Nông dân đưa đất vào sản xuất và sẽ hoàn trả vốn đầu từ năm thu hoạch đầu tiên- năm thứ 5 sau khi trồng. Trong tổng số 15 hộ trồng tầm vông với công ty thì số diện tích trung bình  mỗi hộ từ 1 ha đến 1,5 ha; cao nhất có hộ trồng từ 2 ha đến 3 ha. Những diện tích này nguyên là đất rừng nghèo kiệt được nhà nước giao cho dân đầu tư sản xuất nông lâm lâu dài.
 Theo đánh giá kỹ thuật được biết, cây tầm vông với khả năng sinh trưởng trong một năm qua ở vùng rừng đầu nguồn thuộc lâm phần Đạ Tẻh thì cây đến năm thứ ba sẽ bắt đầu thu hoạch “bói”. Từ  năm thứ 5trở đi là thu hoạch vụ mùa. Ước tính năng suất 01 ha tầm vông mỗi năm thu về từ 5 ngàn đến 7 ngàn cây, mỗi cây cao từ 5 mét đến 10 mét. Giá hiện tại bình quân 01 cây bán ra là 10 ngàn đồng. Thời gian thu hoạch của cây tầm vông đến 20 năm sau.  
Tính toán của chủ nhiệm Hà Văn Nghĩa thì chỉ cần hai vụ tầm vông thu đầu, nông dân xã An Nhơn, Đạ Tẻh đã hoàn trả đầy đủ nguồn vốn đầu tư cho Công ty TNHH Cỏ Xanh. Năm thứ ba trở đi rừng tầm vông hoàn toàn thuộc về tài sản của nông dân với đầu ra ổn định đến hai mươi năm sau. Và như vậy triển vọng vùng rừng tầm vông ở An Nhơn lên đến hàng trăm ha trong những năm tới đang mở ra phía trước…/.
THÁNG 5/2009