Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Xem hoa Đông Nga Đà Lạt

 VĂN VIỆT
Lễ hội hoa năm 2004, gian hàng hoa chỉ vài chục mét vuông của vườn hoa Đông Nga đã lưu lại với du khách những dấu ấn khó quên. Festival hoa 2005 này, Đông Nga tiếp tục ra mắt quan khách các sắc màu hai loại hoa đồng tiền và hoa hồng môn trong gian hàng thu nhỏ 140 mét vuông trưng bày nơi vườn hoa lớn Đà Lạt. Đi xem hoa Đông Nga Đà Lạt luôn bắt gặp nhiều điều kỳ thú và quyến rũ.

Giữa vườn hoa muôn sắc
Khu phố Vạn Kiếp, Đà Lạt mấy năm nay phát triển nhanh chóng về hạ tầng cơ sở sáng đẹp lên, hấp dẫn khách hàng hoa quanh năm hăm hở đến đây. Bất chợt dừng chân bên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh nhìn về hướng đông, cả một góc phố nhà kính ven đường Vạn Kiếp san sát nhau nối dài. Che mưa, tránh gió bên trong cho các “nàng hoa” xinh tươi quanh năm cắt cành thu hoạch, cung cấp cho thị trường trong, ngoài Đà Lạt và vươn ra cả thị trường quốc tế. Đậm nét nhất giữa “khu phố nhà kính” có  2 loài hoa cho lợi nhuận cao cho vườn hoa Đông Nga là hoa hồng môn và hoa đồng tiền nhập ngoại. Mỗi loài hoa có 4 sắc màu chính gồm đỏ, hồng, trắng, vàng, lần lượt phô diễn hương sắc hàng ngày, khách đến ngắm nhìn bao lần cũng phải ngẩn ngơ. “Người nông dân đất này đã biết trồng hoa cũng non trăm năm rồi…”-ông chủ vườn hoa Đông Nga nói.
Năm nay đã bước qua tuổi 56, ông chủ vườn Nguyễn Văn Đông được chào đời ở phố hoa Đà Lạt, đã thừa hưởng một gia tài lớn về nghể trồng hoa của đấng sinh thành ra mình. Ông kể chân thành: Mảnh vườn 3 sào này, căn biệt thự hàng trăm mét vuông xây dựng tại 35, đường Vạn Kiếp này…là của ba mẹ ông tạo lập nên, ông được hưởng thừa kế chủ quyền. Ngày xưa đó, bậc phụ mẫu của ông Đông duy nhất thủy chung với nghề trồng hoa, có cuộc sống dư dả, nuôi con cái trưởng thành, lại còn để lại khoản hồi môn không nhỏ cho con cái ra riêng. Đến đời ông Đông tiếp tục thừa hưởng những kinh nghiệm xưa kết hợp với việc ứng dụng công nghệ về giống mới, điều kiện canh tác mới. Trong phạm vi 3 sào đất, ông Đông chia thành các khu nhà riêng biệt cho hồng môn và đồng tiền. Nhà kính khung sắt chắc chắn. Hệ thống thủy lợi nhỏ dự trữ nước, thiết bị bơm tưới, đường ống phun nước đắt tiền, được thiết kế hợp lý, vận hành hoàn toàn tự động. Thế là giống hoa mới đưa về, bén rễ nhanh, hoa xòe bung ra những sắc màu rực rỡ quanh nhà. Hoa được trồng thành từng luống, đều thu hoạch cắt cành, đóng gói chuyển đi bán đường xa. Nhưng có sự phân biệt ở chỗ hoa đồng tiền hút dinh dưỡng trực tiếp từ đất; còn hoa hồng môn sinh trưởng trên giá thể mới là vỏ hạt cà phê.
Nâng lên từng cành hoa tại vườn Đông Nga, ông chủ Đông giới thiệu vòng đời của hoa đồng tiền có thể bảo quản tươi xinh đến một tuần lễ vận chuyển xuôi về các tỉnh miền duyên hải. Hồng môn thì “dài hơi” hơn. Hoa có thể sống hơn cả tháng trời mới chuyển màu. Giá cả hoa mấy năm nay dịch chuyển từ 1.000 đồng đến 3.500 đồng mỗi cành hoa hồng môn và từ 300 đồng đến 1.000 đồng mỗi cành hoa đồng tiền. 
Không thể gọi là được giá lắm, nhưng biết đầu tư chiều sâu, áp dụng những kỷ thuật chăm sóc mới, vườn hoa Đông Nga đã thu về lợi nhuận đáng kể. Cả chục công nhân làm việc trong vườn hoa, đời sống đảm bảo với thu nhập trên dưới một triệu đồng mỗi tháng. Đến nay, Đông Nga có cơ sở thứ hai rộng 7 sào đất đã, đang nở hoa hồng môn, hoa đồng tiền ở thôn Đạ Nghịch ( xã Lát, Lạc Dương). Bà con đồng bào thiểu số quanh vùng có thêm cơ hội tiếp cận công nghệ trồng hoa mới của vườn Đông Nga và nhiều vườn hoa khác từ Đà Lạt lên đây sản xuất hàng hoa.
Ngày mỗi ngày ngày qua đi, những cành hoa hồng môn, hoa đồng tiền xuất bán với bạn hàng trong nước, vườn hoa Đông Nga đã nuôi 3 người con gái trong nhà học hành đến bến bờ. Người con thứ nhất đang học Cao học khoa công nghệ sinh học tại TPHCM. Người con thứ hai đang học Đại học Sư phạm TP HCM. Đứa gái út đang học lớp 9… 

Bức thông điệp của hoa

Phong cách nho nhã, từ tốn, ông “vua hồng môn” Đà Lạt, Nguyễn Văn Đông luôn tạo cảm giác thân thiện rất nhanh với mọi người. Suy nghĩ của ông Đông rằng, người trồng hoa Đà Lạt có bề dày truyền thống chịu thương, chịu khó, tiếp cận và thực hành thông minh những thành tựu khoa học mới. Nhưng họ luôn thiếu hụt quá lớn về nguồn vốn đầu tư và thị trường tiêu thụ. Tìm được nguồn vốn vay dài hạn thì nơm nớp với hàng hoa khi thu hoạch biết bán cho ai, giá cả được không. Ngược lại gặp khi có đối tác nào đó đến đặt vấn đề bao tiêu với sản lượng hoa rất lớn trong một thời gian ngắn thì họ hoàn toàn bị động. Gom góp hết được vốn đầu tư thì cơ hội đã…vuột khỏi tầm tay rồi. Ông “vua hồng môn”  Nguyễn Văn Đông hy vọng sau Festival hoa 2005 với những bức thông điệp mới của hoa Đà Lạt, người trồng hoa sẽ được nhà nước giúp đỡ, bảo trợ sản phẩm hoa của mình được mở rộng quy mô, ổn định và làm giàu nhanh chóng hơn.
Chứ như trong điều kiện ông Nguyễn Văn Đông tự mày mò nghiên cứu sách vở kỷ thuật trồng hoa; may mắn tìm kiếm có bạn hàng tiêu thụ hoa ổn định trong nước, nhưng cũng phải mất bốn, năm năm sau mới hoàn được vốn đầu tư cả tỷ đồng trên 01 ha đất trồng hoa. Đó là đất được cha mẹ để lại, nguồn vốn đầu tư tự có; chứ đi thuê mướn đất và tất tả vay vốn nhiều nơi, đến khi xui rủi không có thị trường tiêu thụ hoa như nhiều người nông dân trồng hoa khác đã lâm cảnh điêu đứng thì thật đáng xót xa lắm, khó biết bao giờ bù đắp trở lại hết những khoản lỗ lỗ, nợ nần ! /.
Tháng 12/2005